Cuộc đàm phán mở ra triển vọng giải quyết thách thức an ninh toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc đàm phán cấp ngoại trưởng giữa Mỹ và Nga tại Saudi Arabia không chỉ làm dấy lên hy vọng về việc giải quyết một điểm nóng xung đột tại châu Âu - cũng là vấn đề an ninh toàn cầu mà còn có thể mở ra “cánh cửa” cho việc giải quyết nhiều thách thức an ninh khác trên thế giới.
Cuộc đàm phán trực tiếp Mỹ - Nga đầu tiên sau 3 năm do hai Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Marco Rubio dẫn đầu mở ra triển vọng giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine cũng như các vấn đề toàn cầu quan trọng

Cuộc đàm phán trực tiếp Mỹ - Nga đầu tiên sau 3 năm do hai Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Marco Rubio dẫn đầu mở ra triển vọng giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine cũng như các vấn đề toàn cầu quan trọng

Bước đi đầu tiên “phá băng”

Những ai trông đợi về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự quy mô lớn và khốc liệt tại Ukraine suốt 3 năm qua đều lạc quan khi nhìn vào kết quả cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai phái đoàn ngoại giao cấp cao của Mỹ và Nga tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia với trọng tâm chương trình nghị sự là điểm nóng xung đột ngay trong lòng châu Âu này. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine cách đây gần tròn 3 năm, ngày 24-2-2022.

Đoàn đàm phán Mỹ do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu với sự tham gia của Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff; cũng như đoàn phán Nga do Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dẫn đầu cùng Trợ lý của Tổng thống Nga về các vấn đề đối ngoại Yuri Ushakov và Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev ngay khi bước khỏi phòng họp sau cuộc đàm phán kéo dài 4,5 giờ ngày 18-2 đều tỏ ra lạc quan về kết quả mà hai bên vừa đạt được. Hai bên đã nhất trí giải quyết các vấn đề gây cản trở trong quan hệ Mỹ - Nga và bắt đầu xây dựng lộ trình chấm dứt xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine.

Ngay khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng phát, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lập tức dẫn đầu liên minh phương Tây hậu thuẫn, ủng hộ tối đa cho Ukraine, đồng thời liên tiếp tung các đòn trừng phạt chưa từng thấy nhằm “bóp nghẹt” không chỉ nền kinh tế mà cả nước Nga. Quan hệ Mỹ-Nga gần như bị đẩy xuống mức đáy thời Chiến tranh lạnh. Không chỉ hai Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin mà các quan chức cấp cao của hai bên Mỹ - Nga không có bất cứ một cuộc gặp gỡ trực tiếp chính thức nào. Chính quyền Tổng thống Joe Biden không tham dự, tẩy chay bất cứ một hội nghị quốc tế nào có sự tham dự của quan chức cấp cao Nga. Trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mô tả về con số “gần như bằng 0” của quan hệ Nga - Mỹ thì Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết rõ hơn là “Nga và Mỹ chỉ liên lạc kỹ thuật, chứ không phải một cuộc đối thoại chính trị thực sự” trong gần 3 năm qua dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trong hàng loạt chính sách đối nội và đối ngoại đảo ngược so với chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump ngay sau tiếp quản Nhà trắng ngày 20-1 vừa qua đã đưa ra những tuyên bố và hành động có thể khiến phía Nga đồng tình trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine như tỏ ra không hài lòng về việc chính quyền tiền nhiệm đã chi hàng trăm tỷ USD “miễn phí” cho Ukraine… Mới đây nhất, ông Donald Trump đã lên tiếng phê phán quyết định kéo Ukraine lại gần liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của ông Joe Biden, cho rằng điều này vi phạm “lằn ranh đỏ" của Nga và buộc nước này tấn công Ukraine.

Cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng kết quả tích cực đàm phán tại Saudi Arabia vì thế được xem như là những bước đi đầu tiên không chỉ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine mà còn “phá băng” quan hệ Mỹ - Nga. Đối thoại cấp cao giữa hai bên đánh dấu sự dịch chuyển mang tính bước ngoặt trong quan hệ song phương sau nhiều năm leo thang căng thẳng và đối đầu ngoại giao. Điều đó đang mở ra hy vọng về nỗ lực tái lập đối thoại và tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột quân sự kéo dài gần 3 năm qua tại Ukraine cũng như các vấn đề khác vốn có thể chi phối bàn cờ địa chính trị thế giới.

“Cài đặt” lại quan hệ Mỹ - Nga

Với “nút thắt” quan trọng bậc nhất trong quan hệ Mỹ - Nga là cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, có thể nói hai bên đã đạt được bước tiến quan trọng để tiến tới tháo gỡ. Nguồn tin ngoại giao cho biết, đoàn đàm phán do hai Ngoại trưởng Mỹ và Nga đồng chủ trì đã đồng ý về 4 nguyên tắc, bao gồm khôi phục chức năng của các phái đoàn ngoại giao tại Washington và Matxcơva, chỉ định các nhóm cấp cao giúp đàm phán kết thúc xung đột tại Ukraine một cách bền vững và có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên tham gia, khởi động thảo luận về hợp tác địa chính trị và kinh tế sau xung đột ở Ukraine và tiếp tục tham gia tích cực vào tiến trình đối thoại này để đảm bảo sự tiến triển hiệu quả.

Nhìn nhận về kết quả cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Mỹ mà những người lạc quan nhất cũng khó ngờ tới trước khi nó diễn ra ở thủ đô của quốc gia Trung Đông có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai cường quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, đây là "khúc dạo đầu" cho nỗ lực đầy hứa hẹn nhằm cải thiện quan hệ song phương và đặt nền móng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Người đứng đầu Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga Fyodor Lukyanov cũng nhận định: “Mỹ đã sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận vốn không hề thay đổi trong suốt thời hậu Chiến tranh Lạnh”.

Từ nước Mỹ, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Quân sự và Quyền lực chính trị tại Quỹ bảo vệ dân chủ (Mỹ) Bradley Bowman khẳng định, đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy chính sách trước đây của Mỹ nhằm cô lập Nga đã kết thúc và “quan hệ Mỹ - Nga bước vào chu kỳ mới”. Đó cũng có thể là bước đi đầu tiên trong nỗ lực làm “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Nga.

Vị chuyên gia các vấn đề quốc tế Bradley Bowman cho rằng, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Nga về việc xem xét khả năng hợp tác kinh tế và địa chính trị hậu xung đột tại Ukraine là “lời mời gọi hướng tới hòa bình bằng những lợi ích tiềm năng”. Những “lợi ích tiềm năng” này, theo Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev - thành viên của phái đoàn Nga - là sự cần thiết thành lập dự án chung về năng lượng ở Bắc Cực và các khu vực khác.

Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu viên cao cấp về Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London (Anh) Nigel Gould-Davies nhận định, cuộc đàm phán được xem là tín hiệu tích cực đối với Nga khi vai trò của Matxccơva được nâng cao trên bàn đàm phán, qua đó phần nào phá vỡ thế bế tắc sau hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong đó có Mỹ.

Sau cuộc đàm phán cho kết quả tích cực tại Saudi Arabia, hai phía Mỹ và Nga đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin với địa điểm tiềm năng hàng đầu là Riyadh. Thời gian cuộc gặp thượng đỉnh, theo hé lộ của ông Donald Trump, rất có thể là trước cuối tháng 2 này. Cuộc gặp thượng đỉnh này nếu diễn ra như tiết lộ của vị chủ nhân Nhà trắng, là một tín hiệu rõ ràng nữa cho thấy về tốc độ “tan băng” nhằm “cài đặt” lại quan hệ Mỹ - Nga.

Tất nhiên, với những gì diễn ra trong 3 năm qua cùng những khác biệt lớn trong lợi ích chiến lược toàn cầu, Mỹ và Nga còn rất nhiều việc phải làm để trở về mối quan hệ như trước năm 2014, khi Nga còn là một thành viên của Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G8). Quan hệ giữa hai nước hiện nay còn những vấn đề quan trọng khác cần tìm tiếng nói chung như như hồ sơ hạt nhân của Iran, vấn đề Syria… hay vấn đề cán cân hạt nhân toàn cầu. Song từ kết quả tích cực tại Riyadh, phía Nga tin tưởng đó là bước quan trọng để hướng tới giải pháp tương lai cho không chỉ cuộc xung đột ở Ukraine mà các vấn đề toàn cầu quan trọng khác. Từ phía Mỹ cũng có thể thấy rõ sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump so với người tiền nhiệm trong quan hệ với Nga, đó là tìm kiếm giải pháp thương lượng thay cho sức ép quân sự và kinh tế.