Cuộc đàm phán "bên miệng hố" chiến tranh thương mại

ANTD.VN - Cuộc đàm phán quan trọng cho việc đạt được một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh có những động thái được cho là đẩy cả hai bên tới “bên miệng hố” của một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Hai đoàn Mỹ và Trung Quốc bắt đầu một vòng đàm phán được mô tả là “bên miệng hố” của một cuộc chiến tranh thương mại

Vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-5 tại Thủ đô Washington của Mỹ không chỉ được hai quốc gia này mà cả thế giới dõi theo sát sao với mối quan tâm sâu sắc. Vòng đàm phán giữa đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc  và đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu được cho sẽ quyết định xem hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới có đạt được một thỏa thuận để tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện hay không.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lẽ ra bùng nổ từ cuối năm 2018 nếu Mỹ thực thi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump nâng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Cuộc chiến này được tạm “tháo ngòi nổ” vào phút chót khi Tổng thống Donald Trump cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí “đình chiến” trong vòng 90 ngày, tính  để hai bên đàm phán tìm giải pháp và thêm một lẫn nữa được gia hạn sau thời hạn 1-3-2019.

Hơn 4 tháng từ đầu năm tới nay là giai đoạn mà Mỹ và Trung Quốc chạy đua với thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại cơ bản nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt. Tính ra, chưa đầy nửa tháng lại diễn ra một vòng đàm phán, phía Trung Quốc do ông Lưu Hạc dẫn đầu trong khi đoàn Mỹ do hai ông Steven Mnuchin và Robert Lighthizer dẫn đầu, luân phiên giữa Bắc Kinh và Washington. 

Tốc độ đàm phán khẩn trương ở cấp cao đã giúp hai đoàn đàm phán Mỹ và Trung Quốc hoàn tất tới 90% nội dung cần thỏa thuận thể hiện trong một dự thảo khoảng 150 trang khi kết thúc vòng đàm phán thứ 10 diễn ra ngày 1-5 vừa qua ở Bắc Kinh. Thế nhưng, kết quả trên đây đã đứng trước nguy cơ đảo chiều hoàn toàn trước thềm vòng đàm phán thứ 11 diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-5 tại Washington.

Nguyên nhân dẫn tới sự đảo chiều bất ngờ này là phía Trung Quốc muốn “xét lại” những cam kết trước đó trong đàm phán với Mỹ. Những cam kết mà Bắc Kinh muốn tái đàm phán lại là những điểm then chốt dẫn tới bất đồng lâu nay với Washington. Đó là các vấn đề về mở cửa thị trường Trung Quốc, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, tấn công mạng, trợ cấp, thao túng tiền tệ, cơ chế thực thi thỏa thuận và thuế quan. 

Với vấn đề mở cửa thị trường Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường nước này đối với các sản phẩm của Mỹ bằng cách loại bỏ những rào cản nhằm giảm thiểu mức thâm hụt thương mại khổng lồ với Bắc Kinh. Về quyền sở hữu trí tuệ, trong nhiều năm qua, Washington luôn cho rằng Bắc Kinh tìm cách “đánh cắp” các bí quyết của Mỹ thông qua yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh Trung Quốc... 

Cú “ra giá” đàm phán giờ chót của Trung Quốc lập tức dẫn tới phản ứng quyết liệt từ Mỹ với tuyên bố “dằn mặt” của Tổng thống Donald Trump là sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, áp dụng từ ngày 10-5, tức đúng ngày cuối theo dự kiến của vòng đàm phán thương mại thứ 11. Trung Quốc cũng chẳng phải vừa khi Bộ Thương mại nước này liền đáp trả rằng, Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết nếu Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Vậy, vòng đàm phán thứ 11 sẽ kéo Mỹ và Trung Quốc rời xa “miệng hố” chiến tranh thương mại hay đẩy hai bên tới gần miệng hố đầy nguy hiểm này? Điều này có lẽ sẽ sáng tỏ khi vòng đàm phán thứ 11 này khép lại.