Cuộc chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng

ANTD.VN - Cũng như quá trình tranh cử, việc lựa chọn đội ngũ trợ thủ cho mình trong nhiệm kỳ 4 năm tại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ. 

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng ảnh 1

Thượng nghị sĩ J. Session (bên trái) vừa được ông Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp

Với một người rất giỏi trên thương trường nhưng hầu như không có kinh nghiệm trên chính trường như Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, việc phải lấp đầy danh sách hơn 4.000 người cho các vị trí trong chính quyền Washington, chưa kể hàng loạt vị trí cấp cao trong Nhà Trắng, quả là thách thức không nhỏ. Có thể nói cho tới nay, việc mời người tài giỏi và nhiều kinh nghiệm vẫn là thách thức hàng đầu với ông Trump.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 18-11 vừa rồi, ông Donald Trump đã đưa ra thông báo chính thức về việc đề cử 3 lãnh đạo cấp cao trong đội ngũ thực thi pháp luật và an ninh quốc gia. Trong một tuyên bố đăng trên trang web chính thức của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump xác nhận đã chọn Thượng nghị sĩ bang Alabama J. Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp, Hạ nghị sĩ bang Kansas M. Pompeo làm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương và Tướng về hưu M. Flynn làm Cố vấn an ninh quốc gia.

Trước đó, Phó Tổng thống đắc cử M. Pence được ông Donald Trump phân công đảm nhận vai trò dẫn dắt đội chuyển giao quyền lực, còn cựu Chủ tịch trang tin Breitbart Stephen là ông K. Bannon được chỉ định làm chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng. Những vị trí quan trọng khác như chức Ngoại trưởng Mỹ được cho là sẽ thuộc về ông M. Romney - ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2012, còn vị trí Bộ trưởng Quốc phòng nhiều khả năng sẽ được giao cho tướng nghỉ hưu D. Petraeus, người phải từ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) vào năm 2012 sau vụ bê bối tình ái.

Tuy mới có vài vị trí quan trọng được xác định nhưng lời ra, tiếng vào đã nhiều. Trước hết là việc Thống đốc bang New Jersey C. Christie mất vai trò dẫn dắt đội chuyển giao quyền lực và nhường chỗ cho Phó tổng thống đắc cử M. Pence. Theo giới thạo tin, nguyên nhân là bởi ông C. Christie khi còn là một biện lý đã khởi tố cha của J. Kushner - con rể ông Donald Trump vì tội trốn thuế và làm giả chứng từ khiến ông này phải ngồi tù 2 năm.

Việc đề cử những nhân vật cứng rắn trong các vấn đề an ninh quốc gia và nhập cư cũng tiếp tục khiến dư luận phản ứng. Chẳng hạn như quyết định của ông Donald Trump chỉ định ông K. Bannon làm chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng đang bị phe Dân chủ và nhiều người phản đối gay gắt. Họ cáo buộc ông K. Bannon là người mang tư duy phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và ghét phụ nữ. Thượng nghị sĩ B. Sanders thậm chí truyên bố thẳng: “Tổng thống Hoa Kỳ không thể có một người phân biệt chủng tộc trong đội ngũ của ông”.

Sự phản ứng trong xã hội thể hiện rõ qua việc Phó Tổng thống đắc cử M. Pence đã bị khán giả la ó khi ông tới xem vở nhạc kịch Hamilton tại New York. Kết thúc buổi diễn, nghệ sĩ da màu Dixon bước ra sân khấu để cảm ơn khán giả đã đọc một bức thư gửi tới ông Pence với nội dung: “Thưa ông, chúng tôi là những người Mỹ nhiều màu da, những người hiện đang lo ngại rằng chính quyền mới của ông sẽ không bảo vệ chúng tôi”.

Và cuối cùng là nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại rằng có những người được đề cử vào bộ máy chính quyền sắp tới chỉ là người đã ủng hộ nhiệt thành ông Donald Trump, họ được đẩy lên trung tâm quyền lực thông qua mối quan hệ gắn kết với vị tỷ phú người New York.

Bàn về vấn đề này, ông E. Cohen, cựu quan chức an ninh quốc gia đảng Cộng hòa cho biết, ông nhận được email từ người bạn với nội dung như sau: “Tôi thấy họ coi các vị trí này như những chiếc kẹo mút, thứ mà người ta mang ra để thưởng cho những đứa trẻ ngoan”. Từ nay đến khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức vào tháng giêng năm sau, dư luận Mỹ chắc sẽ còn diễn biến phức tạp xung quanh cuộc chuyển giao quyền lực này.