Cuộc chuyển giao quyền lực đầy mâu thuẫn giữa 2 cựu Tổng thống Mỹ trong lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong lịch sử Mỹ, cuộc chuyển giao quyền lực giữa 2 cựu Tổng thống Herbert Hoover và người kế nhiệm Franklin D. Roosevelt đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn vì 2 bên không thể hợp tác với nhau.

Tổng thống Hoover và Tổng thống Roosevelt trong ngày nhậm chức 4-3-1933

Tổng thống Hoover và Tổng thống Roosevelt trong ngày nhậm chức 4-3-1933

Khác nhau về quan điểm

Cũng giống tuyên bố của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump về việc nền kinh tế đang chuyển mình theo hướng tốt hơn, năm 1932, cựu Tổng thống Herbert Hoover khẳng định một sự phục hồi kinh tế đang được tiến hành. Tuy nhiên, thời điểm ấy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên 20%, các ngân hàng trên khắp đất nước đã lần lượt phá sản. Trong khi đó, Adolf Hitler đang nắm quyền ở nước Đức.

Ngày 22-11-1932, cựu Tổng thống Herbert Hoover lần đầu gặp người kế nhiệm Franklin D. Roosevelt sau cuộc bầu cử, khi ấy ông Hoover đã vô cùng bất ngờ khi thấy ông Roosevelt phải ngồi xe lăn vì bị liệt. Sau hơn 1 giờ đồng hồ giải thích về vấn đề kinh tế toàn cầu, ông Hoover coi cái gật đầu thân thiện của người kế nhiệm là sự đồng tình tham gia thành lập Ủy ban nợ nước ngoài. Cựu Tổng thống khi ấy đã nói với người phụ tá thân cận rằng, ông đã “đào tạo thành một thanh niên thiếu kinh nghiệm nhưng đầy thiện chí”. Tuy nhiên, ngày hôm sau, ông Roosevelt đã từ chối tham gia kế hoạch của người tiền nhiệm. Điều này khiến ông Hoover vô cùng thất vọng. Theo đó, ông Roosevelt đã nói rằng: “Ông nên tự thực hiện việc đó nếu ông muốn”.

Tháng 12-1932, cựu Tổng thống Hoover đã nỗ lực thuyết phục ông Roosevelt thêm lần nữa. Trao đổi qua điện tín, ông Hoover thúc giục người kế nhiệm cùng cử một phái đoàn đi tham dự Hội nghị Kinh tế thế giới ở Thủ đô London (Anh). Nhưng những đề nghị của ông đều bị phản đối.

Điều này đã khiến cựu Tổng thống Mỹ vô cùng tức giận và quyết định công khai nội dung những bức thư trao đổi giữa 2 người. Nhà Trắng sau đó đã đưa ra tuyên bố: “Thống đốc Roosevelt đã coi nhẹ việc tham gia vào các nỗ lực chung để phát triển kinh tế”. Đáp lại động thái trên, ông Franklin D. Roosevelt lấy làm tiếc vì đã khiến cựu Tổng thống Hoover hiểu sai ý mình. Nhà báo Arthur Krock của tờ New York Times đã nhận xét về mối quan hệ giữa 2 cựu Tổng thống khi ấy như sau: “Một điều có thể thấy rõ đó là 2 người đàn ông từ đầu đã không hiểu ý nhau thì không thể đi chung trên một con đường”.

Không thể dung hòa

Để xoa dịu tình hình, phía ông Roosevelt đã chủ động liên lạc lại với ông Hoover và hẹn gặp vào tháng 1-1933. Theo đó, buổi họp tiếp theo là ngày 20-1-1933. Trong lần gặp gỡ này, cả 2 đã nhất trí với nhau về một cuộc đàm phán các khoản nợ chiến tranh với Anh. Nhưng đàm phán này chỉ được diễn ra sau khi ông Roosevelt nhậm chức vào tháng 3-1933.

Trong thời gian đợi chuyển giao quyền lực, ông Franklin D. Roosevelt đã may mắn thoát chết trong vụ ám sát ngày 15-2-1933 tại thành phố Miami. Khi ấy, hung thủ định nhắm vào ông Roosevelt nhưng lại bắn trúng người ngồi cạnh là Thị trưởng Chicago Anton Cermak khiến ông này tử vong sau đó ít tuần. Sau sự việc trên, cựu Tổng thống Hoover bày tỏ sự nhẹ nhõm vì người kế nhiệm không bị thương dù ông cũng đang vận động hành lang với mong muốn nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

Ngày 18-2 năm đó, ông Hoover đã nhờ Sở Mật vụ chuyển tới người kế nhiệm một bức điện khẩn. Trong đó, ông Hoover cảnh báo về “một tình huống nguy cấp nhất”, “báo động công khai” về nền kinh tế, đặc biệt là những thất bại của ngân hàng và yêu cầu ông Roosevelt cam kết có hành động để cân bằng ngân sách và “tiếp tục những công việc còn dang dở” mà chính phủ đương thời đang thực hiện.

Ông Roosevelt nhận thư và đã không trả lời trong 12 ngày. Sau đó, ông đáp lại bằng một lá thư đơn giản, nói rằng ông không hứa điều gì. Điều này đã khiến cựu Tổng thống Mỹ vô cùng tức giận, ông thậm chí còn gọi người kế nhiệm là “kẻ điên”. Các vấn đề tranh cãi giữa 2 bên vẫn kéo dài cho tới ngày nhậm chức của ông Franklin D. Roosevelt. Cụ thể, 14h ngày 3-3-1933, trong ngày cuối cùng làm Tổng thống, ông Hoover đã mời ông Roosevelt cùng gia đình tới Nhà Trắng dùng bữa và nói chuyện.

Trong buổi tiệc tối hôm đó, căng thẳng giữa 2 ông đã lên đến đỉnh điểm bởi vấn đề liên quan tới việc đóng cửa các ngân hàng công để rút tiền giữa thời kỳ đại suy thoái. Sau khi ông Roosevelt trở về nhà, đêm đó 2 vị tiếp tục nỗ lực đàm phán cuối cùng nhưng không thành. Ngày hôm sau (4-3-1933), ông Franklin D. Roosevelt nhậm chức. Buổi lễ có sự góp mặt của cựu Tổng thống Herbert Hoover, nhưng ông Hoover không còn gì để nói với người kế nhiệm.