Cuộc chơi với... 108 văn nghệ sĩ

(ANTĐ) - Nhịp điệu “3” đã được họa sỹ Đinh Quang Tỉnh tức Ba Tỉnh lấy làm tiền đề cho những triển lãm cá nhân như “21 trong 3”, “Ba gã đầu bạc 3+10”. Số lượng tranh trong mỗi cuộc trưng bày không nhiều nhưng người xem lại thấy khá thú vị, dường như cảm nhận được sự tinh tế và sâu sắc pha chút hóm hỉnh của tác giả. Rồi đột nhiên, Ba Tỉnh tuyên bố sẽ vẽ chân dung 108 văn nghệ sỹ và trí thức Việt Nam mà ông yêu mến, kính trọng để làm một cuộc triển lãm quy mô nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình khiến không ít người biết ông cảm thấy bất ngờ, cuộc triển lãm mang tên “Bản diện kim cương bất hoại” (Những gương mặt đẹp, bền vững như kim cương, thời gian không thể làm phai mờ).  

Cuộc chơi với... 108 văn nghệ sĩ

(ANTĐ) - Nhịp điệu “3” đã được họa sỹ Đinh Quang Tỉnh tức Ba Tỉnh lấy làm tiền đề cho những triển lãm cá nhân như “21 trong 3”, “Ba gã đầu bạc 3+10”. Số lượng tranh trong mỗi cuộc trưng bày không nhiều nhưng người xem lại thấy khá thú vị, dường như cảm nhận được sự tinh tế và sâu sắc pha chút hóm hỉnh của tác giả. Rồi đột nhiên, Ba Tỉnh tuyên bố sẽ vẽ chân dung 108 văn nghệ sỹ và trí thức Việt Nam mà ông yêu mến, kính trọng để làm một cuộc triển lãm quy mô nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình khiến không ít người biết ông cảm thấy bất ngờ, cuộc triển lãm mang tên “Bản diện kim cương bất hoại” (Những gương mặt đẹp, bền vững như kim cương, thời gian không thể làm phai mờ).  

Nhịn miệng tiếp khách

Con số 108 văn nghệ sỹ gợi người ta nhớ đến 108 vị anh hùng hảo hán trong “Thủy hử” của Trung Quốc. Nhưng Ba Tỉnh vốn dĩ là người nhát gan, nên với cái kết bi ai của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, thì ông đâu dám “vận” vào phòng tranh của mình. Vì vậy, sau triển lãm 21 chân dung văn nghệ sỹ ở 51 Trần Hưng Đạo năm 2003, ông định vẽ 100+1 chân dung, trong đó số 1 ấy là nữ nhà văn Lê Minh Khuê. Nhưng sau ông ngẫm lại và thấy rằng, nữ văn nghệ sĩ của Việt Nam cũng có nhiều người tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ, nên ông quyết định sẽ vẽ 8 nữ sỹ tài danh như là “Bát tiên cô” vậy. Ba Tỉnh là người có mối quan hệ thâm sâu trong giới văn nghệ sĩ. Đối với bạn bè, tri kỷ ông chẳng tiếc điều gì.

Ba Tỉnh tự nhận mình là người có thể nhịn miệng để đãi bạn mà chẳng bao giờ so đo, tính toán. Chẳng thế mà thời trước, khi cuộc sống còn khó khăn, nhưng Ba Tỉnh không nề hà việc hầu rượu các cụ Diệp Minh Châu, Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng… có lần không còn tiền để mua rượu, vợ ông đã lấy nước lã giả làm rượu, bị các cụ phát hiện, mắng cho một trận té tát. Nhưng rồi sau đó thấy tấm thịnh tình của vợ chồng Ba Tỉnh đối đãi với các cụ nên nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã vẽ tặng vợ chồng Ba Tỉnh mỗi người một bức ký họa cỡ lớn mà đến nay gia đình ông vẫn còn trân trọng lưu giữ làm kỷ niệm.

Trước khi đến với tranh chân dung, Ba Tỉnh là họa sỹ vẽ tranh biếm họa có tiếng của tờ Lao Động, Văn Nghệ... Tết 2001, Thành Chương cùng vợ đến nhà ông chơi, mang cho chai rượu ngoại với cái bánh chưng. Chuyện trò một hồi, Thành Chương quay sang bảo Ba Tỉnh: “Ông vẽ chân dung đi, tôi thấy ông vẽ được đấy, không vẽ thì phí”. Ba Tỉnh nửa đùa nửa thật nói lại: “Nhìn các ông vẽ nhẹ cứ như gió, tôi ngại quá!”.

Thành Chương khuyến khích: “ông vẽ tôi thử xem”. Vậy là, bức chân dung văn nghệ sĩ đầu tiên, Ba Tỉnh vẽ là gương mặt của họa sỹ Thành Chương. Bức tranh ông vẽ khổ hơi lớn, nên Thành Chương đã tự tay cúp lại tranh cho chặt chẽ hơn. Vượt qua cái ngưỡng ấy, dần dà Ba Tỉnh tự tin hơn tiếp tục chọn vẽ những nhân vật khác, mở đầu cho một hướng đi mới, để có kết quả như hôm nay.

Khi say thì vẽ bạn bè

Ba Tỉnh vẽ không phải để kiếm sống, mà chỉ coi đó là một cuộc chơi cho thoả chí tang bồng. Ông có thói quen, cứ mỗi lần đi nhậu khi say xỉn thường vẽ bạn bè, những người ngồi trước mặt bằng bút phớt và điểm cà phê đen. Ông vẽ ngay trên những tấm khăn trải bàn. Nhiều khi chủ quán thích quá đã cắt những ký họa đó tặng hoặc bán ngay cho khách du lịch. Vì vậy, bạn bè hay rủ ông đi nhậu, vừa vui, đôi khi còn được nhậu “miễn phí”. Ba Tỉnh thường không vẽ theo đơn đặt hàng.

Ông chỉ vẽ chân dung những người bạn mà ông phục tài và kính trọng nhân cách nghệ sỹ của họ. Có người thấy ông vẽ đẹp, lại bắt được cái thần của nhân vật liền đến nhờ ông vẽ và trả công rất hậu hĩnh, nhưng Ba Tỉnh đều từ chối khéo. Ông không muốn trong nghệ thuật có sự khiên cưỡng mà nhất là vẽ chân dung, một khi đã không quen biết, không hiểu, không rung động trước nhân vật thì thà không vẽ là hơn. Ngược lại, cũng có những người “bị” ông vẽ chân dung cứ “mắng xơi xơi” nhưng Ba Tỉnh vẫn vẽ, mà thậm chí còn vẽ đến tận 4, 5 bức liền như dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo…

Nói vui vậy chứ, chính bản thân Đoàn Tử Huyến và Nguyễn Trọng Tạo cũng rất thích Ba Tỉnh vẽ mình. Thi thoảng ông cũng viết báo và viết truyện, nhưng cái thú văn chương cực nhọc không có sức hút hồn ông như hội hoạ nên Ba Tỉnh gác bút để cầm cọ. Ông bảo: “Tặng bạn bè một bức tranh đối với tôi thì quá dễ, chứ viết một truyện ngắn hoặc một bài thơ để tặng nhau thì sức tôi đâu có làm nổi”.

Lúc nào cũng thấy mình mắc nợ

Ba Tỉnh cho rằng việc vẽ giống cũng chưa hẳn đã thành công mà phải bắt được cái hồn, cái vía của nhân vật. Để làm được điều đó, người họa sĩ phải rung cảm và đồng điệu với nhân vât. Điều quan trọng là phải thật sự quý trọng nhân vật mà mình muốn thể hiện. Trong bộ sưu tập 108 chân dung văn nghệ sỹ, Ba Tỉnh vẽ cả những nhân vật mà ông chưa từng một lần được gặp mặt như danh họa Nguyễn Gia Trí, nhà thơ Nguyễn Hữu Loan, nhà văn Nam Cao...

Nhưng qua lời kể, tài liệu, phim ảnh, sách báo… Ba Tỉnh đã hình dung ra đầy đủ diện mạo của nhân vật nên tác phẩm của ông cũng rất thành công. Nhiều chân dung khi hoàn thành, con cháu nhân vật trong tranh đến chiêm ngưỡng phải giật mình như được gặp lại người thân như trường hợp con gái Thái Bá Vân, rồi cháu của Nguyễn Gia Trí, hoặc con trai danh họa Nam Sơn...

Tuy vậy, có những người bạn biết nhau từ rất lâu, đến nay vẫn thường xuyên gặp mặt mà Ba Tỉnh dường như không thể nào mô tả được cái thần thái, cái dung mạo của bạn mình, như trường hợp vẽ nhà thơ Trần Ninh Hồ hoặc nhà thơ Bằng Việt… cho nên ông vẫn còn nợ hai người bạn vàng này một lời hứa - một bức chân dung mà mỗi khi nghĩ đến ông vẫn phải... thở dài.

Đến nay, chiếc đồng hồ đếm ngược của công trình “Bản diện kim cương bất hoại” đã chỉ vào con số 32. Dự kiến trong vòng 6 tháng nữa triển lãm của ông sẽ ra mắt công chúng. Và đó cũng là bữa tiệc chia tay bạn bè, để cảm ơn ân tình mà những người bạn đã dành cho nhau trong suốt chặng đời.

Phạm Thu Hương