Cuộc chiến với “thế lực bóng tối”

ANTĐ - Không gian mạng đang trở thành mảnh đất vô cùng thuận lợi cho các tổ chức khủng bố mở rộng ảnh hưởng và phạm vi hoạt động của mình.

Phát biểu tại một phiên họp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Jordan, Chủ tịch Ủy ban chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc J. Laborde nhấn mạnh, số lượng các nhóm khủng bố sử dụng công nghệ kỹ thuật số để vạch kế hoạch và truyền bá hệ tư tưởng tăng lên đang đặt ra nhu cầu phải tăng cường các nỗ lực đấu tranh chống khủng bố trên không gian mạng.

Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia, trong khi các phần tử tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan, khủng bố luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan mật vụ, thì Internet lại có thể coi là một “giáo đường toàn cầu” rất khó kiểm soát, nếu như không muốn nói là không thể. Nhờ mạng xã hội, các tổ chức khủng bố có được môi trường lý tưởng để đẩy mạnh hoạt động và phô trương thanh thế. 

Cuộc chiến với “thế lực bóng tối”  ảnh 1

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS - lợi dụng mạng xã hội để khuếch trương thanh thế

Nghiên cứu của Đại học Haifa (Mỹ) chỉ ra rằng, hơn 90% hoạt động khủng bố thực hiện trên Internet thông qua mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cảnh báo rằng Internet đã trở thành một trong những nguyên nhân làm nảy sinh chủ nghĩa khủng bố kiểu mới với những đặc điểm như phân quyền, không có các tổ chức hay bộ tham mưu thống nhất, được liên kết bằng các tư tưởng và các mạng lưới giao tiếp điện tử.

Trước hết, mạng toàn cầu là công cụ hữu hiệu để những tên khủng bố liên lạc với nhau và giao tiếp với thế giới xung quanh. Nhờ Internet, chúng có thể hướng dẫn chi tiết cách gia nhập vào hàng ngũ khủng bố, cung cấp thông tin cơ bản về cách chế tạo các thiết bị nổ, huấn luyện cách tổ chức các đợt tấn công phá hoại trên mạng theo kiểu tin tặc.

 

Thế giới mạng còn là môi trường lý tưởng để các tổ chức cực đoan lôi kéo thành viên, nhất là giới trẻ. Những kẻ “săn” chiến binh thường thông qua mạng xã hội để tìm kiếm các đối tượng có một số điểm chung như: không hiểu nhiều về tôn giáo hoặc đã cải đạo, bất hòa với bố mẹ, thất vọng về lý tưởng cuộc sống. Một khi bị thuyết phục, những “con mồi” ngây thơ sẽ một lòng phục vụ cho tổ chức. 

Tiếp đó, nhờ không gian mạng, các phần tử khủng bố có thể xây dựng một hệ tư tưởng mới. Chẳng hạn, số liệu của Viện Nghiên cứu SITE cho thấy, trong giai đoạn 2001-2003, hàng ngàn công dân Mỹ theo đạo Hồi đã nhận được các bức thư điện tử từ các đại diện của Al-Qaeda, kêu gọi họ đoàn kết trong một cuộc thánh chiến chống lại Mỹ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi các trang web liên quan đến khủng bố có thể tạo ra những phần tử khủng bố mới.

Chống khủng bố trên mạng Internet đã trở thành vấn đề cấp bách, thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Ở Pháp, theo luật chống khủng bố mới được thông qua, Bộ Nội vụ nước này đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn 5 trang mạng có nội dung tuyên truyền khủng bố.

Chính phủ Trung Quốc cũng tìm mọi cách để loại bỏ, ngăn chặn sự phát tán và phổ biến các tài liệu liên quan đến khủng bố qua Internet, xử phạt các trang web vi phạm. Hiện Internet ở Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ dưới sự hợp tác của hơn 30 công ty cung cấp dịch vụ mạng.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này không hề dễ dàng bởi tính chất phân quyền và rối rắm trong cấu trúc của mạng Internet. Việc đóng một trang web của bọn khủng bố thật ra chẳng đem lại cho chúng thiệt hại đáng kể nào. Nó được ví chẳng khác gì việc chặt đầu một con quái vật khiến nó lại mọc thêm tới 3 đầu khác. Chính vì thế, cuộc chiến trên “giáo đường toàn cầu” sẽ còn lâu dài.