"Cuộc chiến" từ trong góc bếp

ANTĐ - Bếp là nơi giữ lửa gia đình, giữ lửa yêu thương. Điều giản dị ấy không phải cặp vợ chồng nào cũng hiểu rõ. Có những nếp nhà chao đảo xuất phát từ chính góc bếp lạnh lẽo, vụng về và kém sáng tạo...

“Anh ơi! Cứu em”

Bác Tứ về quê nửa tháng nay, cũng là lúc bếp núc nhà Hoàn lạnh tanh, mì tôm, đồ ăn liền ngổn ngang trải khắp sàn, thức ăn thừa chất đầy trong tủ. Hoàn phải năn nỉ mãi, vợ mới chịu vào bếp. Miễn cưỡng trước lời nài nỉ của chồng, Hạnh phụng phịu học nội trợ - thứ công việc xưa nay vẫn được gọi là xa xỉ đối với nàng tiểu thư con nhà quyền quý như chị. Sinh ra trong một gia đình giàu có, từ bé, ngoài việc chuyên tâm học hành, Hạnh chưa bao giờ phải mó tay, động chân vào việc bếp núc. Yêu Hoàn, chị đã “mặc cả” trước: “Sau này về làm vợ anh, em không vào bếp đâu nhé”, Hoàn gật đầu tủm tỉm cười đồng ý. Nhưng, lấy nhau rồi, nhiều lần tiếng cãi cọ của vợ chồng Hoàn vang lên từ góc bếp cũng bởi sự vụng về tới ngớ ngẩn của cô vợ tiểu thư.

Một buổi sáng chủ nhật, sau nhiều ngày ăn cơm hàng, cơm khách, Hoàn thèm một bữa cơm vợ nấu nên đã năn nỉ vợ vào bếp kèm theo lời hứa: “Anh sẽ là phụ bếp tài ba của em”. Hạnh dậy từ sáng sớm chạy ra chợ mua thức ăn. Chị dự định đãi chồng món cá chép om dưa. Lượn lờ mấy vòng chợ, cơ man bao nhiêu loại cá, con nào con nấy mình mẩy chắc thịt, Hạnh hoa mắt không biết loại nào là cá chép như trong sách hướng dẫn nấu ăn yêu cầu. Gần hai tiếng đồng hồ sau, nàng cũng đã chọn xong xuôi cá mú, rau cỏ cho món cá chép om dưa.

Hào hứng vác cá về nhà khoe chồng, lúc Hạnh đổ con cá ra chiếc xô nhỏ cũng là lúc mắt Hoàn trợn tròn ngạc nhiên. Con cá ngả sang màu trắng, hai mắt trợn tròn đã chết tự lúc nào được cô vợ đảm hùng hổ mua về. Thì ra nhìn tướng Hạnh, biết lần đầu cô nàng đi chợ, bà bán cá đã “hào phóng” bán lại cho nàng con cá chép đã chết với cái giá cắt cổ. Tin sái cổ lời bà bán cá, rằng có đó mới là cá ngon, béo ngậy, Hạnh đâu biết bộ dạng lơ ngơ của mình đã bị lừa ngoạn mục. Hoàn bảo vợ đi trả lại cá, nhưng giữa bao nhiêu bà bán cá ở chợ, chẳng chú tâm như Hạnh thì làm sao trả lại được. Đi tong món cá om dưa, Hạnh chuyển sang nấu những món giản đơn hơn.

Giữ đúng lời hứa với vợ, Hoàn đứng bên cạnh chờ đợi vợ “sai khiến”. Cả không gian bếp bé nhỏ rộn rã tiếng chỉ đạo của Hạnh. “Anh ơi, lấy giúp em lọ muối”, “Anh ơi, nước sôi rồi, cho rau vào nồi giúp em”, “Anh ơi, em cắt vào tay rồi. Chảy máu rồi”, nàng lu loa lên đầy kinh sợ. Cả sáng chỉ nghe thấy tiếng vợ “anh ơi, anh ơi” nhức hết cả óc và sản phẩm cuối cùng là một bữa cơm toàn món luộc: bắp cải luộc, thịt luộc, trứng luộc.

Hạnh thú thật: “Từ bé đến lớn, mẹ lo hết việc nhà. Em chỉ biết học nên mù tịt chuyện bếp núc. Bữa cơm này là sản phẩm đầu tay của em đấy”. Hoàn hết nhìn mâm cơm lại quay sang nhìn Hạnh, đành nở nụ cười méo xệch về độ đảm đang của vợ. Tranh thủ chợp mắt buổi trưa, tiếng “anh ơi” ám Hoàn cả trong giấc ngủ.

Hoàn được đề bạt làm trưởng phòng, anh em cùng phòng ngỏ ý muốn được tổ chức một bữa liên hoan tại nhà anh, vừa mừng chiến thắng, tiện thể tiếp kiến tài nội trợ của vợ Hoàn. Không thể từ chối, anh cấp báo tin nóng cho vợ. Không muốn làm chồng mất hứng, Hạnh trấn an: “Anh yên tâm. Lần này em sẽ phục thù món cá om dưa lần trước”.

Đến bữa ăn, Hoàng cùng đồng nghiệp náo nức kéo nhau về nhà anh. Trước đó, Hoàn gọi điện cho Hạnh hỏi han tình hình cụ thể, cô nàng hớn hở: “Các anh về đi. Xong xuôi cả rồi”. Bước chân vào nhà, thấy cỗ bàn la liệt bày thịnh soạn trong phòng ăn. Nhìn lại kĩ, toàn bộ các món ăn đều đặt từ ngoài hàng về, không có một món nóng sốt nào do chính tay Hạnh nấu. Bạn bè Hoàn xề xoà cười cho qua và hào hứng ngồi vào bàn nhậu, còn Hoàn tím mặt không nói được câu gì. Sau bữa tiệc, Hạnh gọi điện thuê người tới dọn dẹp phòng ăn, vậy là sạch sẽ tinh tươm mà không phải mất sợi lông tay nào.

Đợi bạn bè ra về, Hoàn kéo vợ vào phòng, trách: “Ít ra em cũng nên nấu món nào đó, vừa thể hiện được tấm lòng của mình, vừa biểu diễn tay nghề. Đằng này...”. Hạnh chu mỏ lên cãi: “Em mua ngoài nhà hàng, họ làm cho sẵn. Vừa lịch sự lại tiện dụng”. Hoàn chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm cho tác phong công nghiệp của vợ trong khoản bếp núc. Những ngày tiếp theo, trường kỳ cơm tiệm, đồ ăn nhanh, mì ăn liền lại tái diễn. Hạnh năn nỉ chồng thuê giúp việc. Hoàn không mấy vui vẻ vì lại tốn thêm một khoản tiền, trong khi nhà chỉ có hai vợ chồng, vợ nhiều thời gian rảnh rỗi. Song, nỗi kinh hoàng mang tên đồ ăn nhanh khiến Hoàn không thể chịu đựng được nữa, anh đồng ý để Hạnh tìm thêm một người giúp việc.

Mọi thứ dần ổn, nhưng thi thoảng bác Tứ về quê, vợ chồng Hoàn lại lâm vào cảnh khốn đốn. Và mỗi lần vợ vào bếp, Hoàn lại nghe được điệp khúc: “Anh ơi, cứu em”, “Anh ơi, giúp em” ong ong cả ngày hôm ấy.

Mua tặng vợ sách dạy nấu ăn, thẻ học nấu ăn tại các trung tâm, lần nào Hạnh cũng dè bỉu, chê bai món quà quê mùa. Chị phó thác việc bếp núc cho bác giúp việc, thành thử ngoài việc luộc rau, luộc thịt, luộc trứng, Hạnh loay hoay không biết thể hiện thêm món gì trong mỗi lần vào bếp.

Đến nhà đứa bạn thân chơi, Hoàn bùi ngùi: “Mình về nhà chỉ muốn có một bữa cơm đạm bạc do chính tay vợ nấu mời chồng, nhưng điều ấy trở nên quá xa xỉ. Nhiều khi trên đường đi làm về, mình ghé vào quán cơm bên đường ăn cho qua bữa, trong khi ấy Hạnh đang mải mê bù khú với bạn bè. Mỗi lần nói về chuyện bếp núc, Hạnh không muốn nghe và cho rằng nữ công gia chánh là chuyện của thế kỉ trước, là việc của người giúp việc. Mỗi lần tới nhà đám bạn, thấy vợ chồng chúng nó xì xụp bên mâm cơm ấm cúng, nhìn vừa thèm thuồng, vừa ngưỡng mộ”. Vì đó mà tình cảm Hoàn dành cho Hạnh cũng trở nên nhạt nhoà, mòn mỏi.

"Cuộc chiến" từ trong góc bếp ảnh 2

Khi chồng nấu ăn quá giỏi

Diên là người phụ nữ thực sự may mắn, khi lấy được người chồng tử tế, tốt bụng, sẵn sàng cáng đáng tất cả việc nhà giúp vợ. Được đào tạo trở thành đầu bếp trong những năm tháng học tập ở Cao đẳng Du lịch, Thuận tỏ ra là người rất có khiếu trong việc nội trợ. Nấu ăn ngon, cầu kỳ và trang trí bắt mắt, mỗi bữa cơm Thuận trổ tài đều thực sự là nghệ thuật và khiến Diên không ít lần mát lòng, mát dạ, hãnh diện trước mặt bạn bè. Ai cũng trầm trồ khen Diên tốt số, lấy được anh chồng đảm đang lại tâm lý, lăn xả vào bếp, chẳng ngại mùi dầu mỡ, thức ăn. Nhưng cũng chính vì cái sự cầu kỳ của anh trong khâu chế biến, nhiều lần Diên đến là khốn khổ.

“Không nấu thì thôi. Còn đã nấu là phải đủ vị”, tuyên ngôn rất rõ ràng của Thuận khiến có bận, Diên phải lóc cóc chạy ra chợ tới 4 lần để mua cho đầy đủ những thứ gia vị anh cần để chế biến món vịt om sấu. Có khi mua về, anh tỏ ý không hài lòng bởi sự chậm trễ và “chưa thật hoàn hảo” của vợ: “Khoai môn em mua chưa thật dẻo”, “con vịt này hơi nhiều mỡ”... Mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán, đã mệt thì chớ được động viên câu nào, lại còn bị trách mắng, chê bai đủ điều, Diên ngán ngẩm.

Cái tính của Thuận là nấu ăn phải có phụ bếp ở bên cạnh và Diên trở thành phụ bếp bất đắc dĩ của chồng. Ngoài việc vặt anh sai lấy giúp cái nọ, cái kia ra, Diên còn phải lắng nghe và học thuộc công thức nấu ăn do chồng chỉ đạo. Mỗi lần vào bếp, anh lại kiểm tra bài cũ ở vợ, bắt Diên đọc lại cách chế biến món nọ, món kia. Nếu không nhớ, anh lại có cớ trách mắng với ông bà nội ngoại. Bực nhiều lần, nhưng biết tính chồng mê nấu ăn, Diên đành nhịn.

Lần tổ chức sinh nhật cho vợ, Thuận thực sự làm vợ cảm động bởi mâm cỗ thịnh soạn, công phu và đẹp mắt. Đám bạn tới dự, ai cũng trầm trồ nức nở khen Thuận khéo léo, nấu ăn tuyệt ngon. Được thể, Thuận quay sang chê bai vợ: “Thì vợ chẳng làm được cái đồ đốt gì nên chồng buộc phải lăn xả thôi”. Đang dọn mâm, nghe lời nói nặng nề của chồng, Diên ứa nước mắt ức nghẹn. Bữa tiệc sinh nhật vì đó mà kém vui đi bội phần.

Diên nấu ăn không phải tệ, nhưng vì có được người chồng nấu ăn quá ngon, thành thử chị nhiều phen lép vế. Nếu như Thuận chẳng lên mặt thì mọi việc đều yên ổn, nhưng phải cái, anh thích “nổ” và vô tình “dìm hàng” vợ một cách hồn nhiên mà không hề hay biết. Nhiều lần làm vợ chết ngượng trước mặt bạn bè mà không biết.

Gặp mấy cô bạn thân, Diên chỉ biết than thở: “Giá như anh ấy nghĩ tới vợ, giữ thể diện cho vợ trước mặt bạn bè một chút thì tốt biết bao. Giành phần nấu ăn của vợ một cách tự nhiên, song lại chê bai, móc máy vợ như thể vợ là người đoảng vị, không đảm tròn vị trí nội tướng. Ngẫm mà buồn ghê”. Song vì muốn nhà cửa yên ấm, Diên tiếp tục vị trí phụ bếp bền bỉ, nhẫn nại bên cạnh anh chồng đầu bếp tài ba, ưa khoe mẽ. Cũng là một cách “dĩ hoà vi quý” miễn cưỡng, yên ổn.