Cuộc chiến tìm việc làm trong giới trẻ Hàn Quốc

ANTD.VN - Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc chấp nhận sống trong các nhà trọ chật chội, miệt mài ôn luyện với hy vọng vượt qua các kỳ thi tuyển dụng khắt khe.

Lim Hyuk-ju trọ trong căn hộ nhỏ xíu tại một khu phố nhộn nhịp sinh viên ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Căn hộ cô ở chỉ rộng 2,8m2, về cơ bản chỉ có một tủ quần áo với một nhà vệ sinh, vòi hoa sen và bếp sử dụng chung với những người thuê khác - với giá thuê 400USD một tháng.

“Khó chịu lắm vì cứ nằm xuống là chân tôi chạm vào bức tường phía sau”, cô gái 25 tuổi giải thích. Tại đây, Lim phải giữ yên lặng vì các bức tường khá mỏng. Hàng xóm của Lim đều là những người trẻ như cô, họ học 15 giờ một ngày để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển dụng.

Cuộc chiến tìm việc làm trong giới trẻ Hàn Quốc ảnh 1Lim Hyuk-ju trọ trong căn hộ nhỏ xíu ở Seoul

Miệt mài ôn luyện

Lim tốt nghiệp tốp đầu trong lớp phổ thông trung học. Cô muốn trở thành nhân viên kế toán. Giống như Lim, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc cũng miệt mài ôn luyện trong nhiều tháng hoặc nhiều năm để vượt qua các bài kiểm tra khắt khe trong các kỳ thi tuyển dụng công chức, hoặc làm việc trong các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG và Hyundai. “Đôi khi tôi phân vân tự hỏi liệu đây có thực sự là cách duy nhất để thành công”, Lim nói. 

Nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm lại và dường như khiến giới trẻ bị tổn thương nhiều nhất. Khoảng 11,3% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-29 bị mất việc làm, gấp gần 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước. 

Đối với nhiều bạn trẻ Hàn Quốc, ước mơ của họ là có được công việc gắn bó lâu dài với một tập đoàn lớn hoặc không có gì cả. Khi nền kinh tế chậm lại, không có đủ công ăn việc làm cho tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học ở đây. Vì thế, khi cuộc cạnh tranh gia tăng, với sự hỗ trợ của cha mẹ, nhiều người chấp nhận thất nghiệp tạm thời để quay sang ôn luyện với hy vọng vượt qua các kỳ thi tuyển dụng tại các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, các ứng viên thi vào Hyundai phải vượt qua bài kiểm tra kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ. 

Tại một hiệu sách ở Seoul, nhiều thanh niên ngồi cả ra sàn và xung quanh đầy những sách và tài liệu dành cho việc thi tuyển dụng, trong số đó có Baek Eui-hyun. Năm nay 28 tuổi, nhưng anh vẫn thất nghiệp. Baek đã thi trượt nhiều lần trong 2 năm qua. Anh cho biết, kinh tế trì trệ nên không có nhiều vị trí việc làm thu nhập cao, trong khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. “Dĩ nhiên chúng tôi không muốn mất thời gian trọ trong căn phòng nhỏ xíu và vùi đầu học, nhưng đâu còn cách nào khác”, Baek chia sẻ.   

Thách thức không nhỏ với tân Tổng thống

Trong cuộc bầu cử vừa qua, tân Tổng thống Moon Jae-in đã giành được sự ủng hộ to lớn từ những cử tri trẻ tuổi. Giờ đây, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông là giảm tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ Hàn Quốc.

Các chuyên gia hy vọng chính quyền của ông Moon Jae-in sẽ tập trung vào việc tạo việc làm trong lĩnh vực công nghiệp cũng như tạo điều kiện phát triển thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, và cải cách các tập đoàn. “Trực tiếp tạo việc làm là các công ty chứ không phải chính phủ. Về lâu dài, chính phủ nên tạo môi trường đầu tư tốt hơn”, Giáo sư kinh tế Kim Gwang-suk tại Đại học Hanyang ở Seoul nói. 

Những tập đoàn lớn hay còn gọi là chaebol chi phối nền kinh tế Hàn Quốc. Doanh số bán hàng từ 5 chaebol hàng đầu đã chiếm tới 58% GDP Hàn Quốc trong năm 2015. Không chỉ có sản phẩm điện thoại di động hay xe hơi.

Tại Hàn Quốc, có một phòng trưng bày nghệ thuật của Samsung và một công viên vui chơi giải trí của tập đoàn này. Bạn cũng có thể mua bảo hiểm nhân thọ từ Samsung. Trong khi đó, Hyundai, nhà sản xuất ô tô lớn của Hàn Quốc, điều hành một bệnh viện ở Thủ đô Seoul.

LG, một công ty điện tử khổng lồ, cũng có một dòng mỹ phẩm Hàn Quốc và hàng chục doanh nghiệp cùng các công ty con khác. Giáo sư xã hội học Kim Dong-chun tại Đại học Sungkonghoe ở Seoul nhận định, những thanh niên vất vả tìm việc này “là sản phẩm của một xã hội thiếu ổn định và tập trung mọi nguồn lực vào các tập đoàn lớn”.