Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục "tăng nhiệt"

ANTD.VN - Ngày 8-8, Mỹ đã chính thức áp các mức thuế mới đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu trị giá hơn 4 tỷ USD từ Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vốn đã căng thẳng, vẫn tiếp tục “tăng nhiệt”. 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục "tăng nhiệt" ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và cho rằng lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc sẽ giúp ích cho nền kinh tế Mỹ 

Theo cáo buộc của Bộ Thương mại Mỹ, các nhà sản xuất mặt hàng này của Trung Quốc tại các tỉnh Giang Tô, Hà Nam, Liêu Ninh và Quảng Đông nhận được trợ cấp với các mức từ 11-229,2% từ Chính phủ. Căn cứ tỷ lệ này, các cơ quan hải quan của Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế của các nhà nhập khẩu.

Trước đó 1 ngày, Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng chính thức ban hành các quy định cấm các nhà thầu của cơ quan liên bang mua thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei và một số công ty khác của Trung Quốc do đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và hoạt động gián điệp. Lệnh cấm này, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13-8 tới, là một phần trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng được Quốc hội Mỹ thông qua từ đầu năm ngoái. 

Tiếp theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1-9 tới và việc Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ, những động thái mới kể trên của Washington nhằm vào Bắc Kinh cho thấy ông Donald Trump quyết không nhượng bộ, dù biết rằng Trung Quốc sẽ có hành động trả đũa.

Vấn đề là bởi Trung Quốc đang gây tổn hại lớn tới lợi ích của Mỹ do những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cũng như sự can thiệp ngấm ngầm của chính quyền vào hoạt động kinh tế. Một cuộc khảo sát do CNBC - Kênh tài chính lớn nhất của Mỹ, thực hiện trong tháng 2-2019 cho biết cứ 5 tập đoàn có trụ sở tại Bắc Mỹ thì một cho rằng Trung Quốc đã đánh cắp các bí mật thương mại của họ. Còn theo Ủy ban Quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, mỗi năm kinh tế Mỹ thiệt hại tới 600 tỷ USD vì các vụ đánh cắp này, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Việc Chính phủ Trung Quốc “chống lưng” cho các doanh nghiệp nước này nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, dù rất kín đáo, cũng bị phát hiện. Có thể đưa ra ví dụ với Tập đoàn Huawei. Theo ước tính, trong vòng 10 năm, Huawei được nhận tới 11 tỷ NDT (1,6 tỷ USD) trợ cấp Chính phủ với lý do “vì những đóng góp cho sự phát triển công nghệ cao” ở Trung Quốc. Nhiều kỹ sư hàng đầu của Huawei được nhận tiền thưởng thông qua các chương trình của Chính phủ.

Ngoài ra, còn rất nhiều hình thức trợ giúp kín khác. Chẳng hạn, chính quyền thành phố Đông Quản ở Quảng Đông bán 127ha đất cho Huawei xây khuôn viên mới với giá chỉ bằng 1/10 giá thị trường với lý do “đất sử dụng cho mục đích nghiên cứu chứ không phải kinh doanh”. Các nhân viên làm việc cho Huawei từ 3 năm trở lên và đáp ứng một số tiêu chuẩn thì có thể mua căn hộ với giá bằng 1/3 giá thị trường. Các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc còn cung cấp các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp từ những nước đang phát triển để mua sản phẩm của Huawei…

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Claire Reade, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ cho rằng, chỉ riêng với Huawei, các nước có thể mang các vấn đề như tập đoàn này được “mua đất với giá thấp hơn giá thị trường, nhận các khoản trợ cấp nghiên cứu và phát triển lớn, được tài trợ xuất khẩu” ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)  để phản đối vì những chính sách đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước họ.

Có thể thấy rất nhiều mâu thuẫn khiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khó có thể hạ nhiệt. Tác động tiêu cực từ cuộc đối đầu này thế giới bắt đầu cảm nhận. Theo ông Kasper Rorsted, Giám đốc điều hành của hãng sản xuất đồ thể thao Adidas nổi tiếng của Đức, “tất cả các bên đều thua” nếu cuộc chiến tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra. Riêng ông Donald Trump thì vẫn tin tưởng vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và cho rằng lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc sẽ giúp ích cho nền kinh tế Mỹ.

Mỹ chính thức ban hành lệnh cấm 5 công ty Trung Quốc

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc khi Washington công bố một loạt quy định mới chính thức cấm các cơ quan Chính phủ mua thiết bị của 5 công ty Trung Quốc. Những quy định nói trên thực thi lệnh cấm được báo trước trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng thông qua hồi tháng 8 năm ngoái.

Theo đó, các cơ quan Chính phủ Mỹ bị cấm mua hàng hóa và dịch vụ của 2 công ty sản xuất thiết bị viễn thông là Huawei và ZTE, 2 công ty sản xuất camera giám sát là Hikvision và Dahua, cùng 1 công ty sản xuất thiết bị không dây là Hytera.

Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ thứ ba tuần sau. Ngoài ra, Mỹ cấm các cơ quan nước này kinh doanh với bất kỳ công ty nào trên thế giới sử dụng sản phẩm do 5 công ty Trung Quốc nói trên sản xuất. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ tháng 8-2020. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khi Washington mới đây cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.

      Tuấn Anh (Theo NHK)