Cuộc chiến Syria: Khi IS là quân xanh

ANTĐ - Syria “bỗng dưng” được quan tâm trong cơn bão di cư đang quét qua châu Âu. Nhưng cũng thật bất ngờ khi cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này đột ngột được đẩy lên cao trào.

Cuộc chiến Syria: Khi IS là quân xanh ảnh 1Các tay súng nổi dậy thuộc lực lượng FSA ở Syria

Chuyển hướng sang IS

Syria được dư luận chú ý bởi quốc gia đang chìm trong nội chiến này là nơi xuất phát của phần người di cư đang đổ vào châu Âu. Theo thống kê chính thức của Liên hợp quốc, cùng với Afganistan và Iraq, những người đến từ Syria chiếm tới 9/10 trong tổng số 250.000 người di cư được phát hiện tới “cửa ngõ” Hy Lạp trong năm nay. Trong khi những tranh cãi vẫn tiếp tục thì không ít ý kiến đã “đổ lỗi” cho IS là một trong những thủ phạm gây ra làn sóng người chạy trốn. Việc hướng sự chú ý sang IS không chỉ giúp giảm bớt “gánh nặng” cho các nước châu Âu cùng với Mỹ trước những lời chỉ trích gây ra cuộc xung đột tại Syria, vốn là nguyên nhân thực sự khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, mà còn tạo ra cái cớ hợp lý để các nước này tiếp tục tăng cường can thiệp vào Syria.

Hôm 7-9, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết một máy bay không người lái của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã tiêu diệt 3 phần tử IS ở Syria, trong đó có 2 đối tượng là người Anh. Đây là lần đầu tiên London tiến hành không kích IS tại Syria. Vụ không kích này được thực hiện hôm 21-8 ở khu vực Raqqah của Syria nhưng phải mất nửa tháng sau mới được Chính phủ Anh công bố! Sau Anh, Pháp đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay trinh sát đầu tiên tới Syria để chuẩn bị cho các cuộc tấn công có thể triển khai nhằm vào IS. Quân đội Pháp cho biết 2 máy bay được trang bị máy quay phim đã rời khỏi một căn cứ tại Vịnh Ba Tư để thực hiện nhiệm vụ và đã trở về an toàn. Tổng thống Pháp François Hollande biện hộ rằng các vụ tấn công khủng bố chống lại nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, đã được lên kế hoạch từ Syria.

Mới đây nhất, hôm 9-9, Australia thông báo Mỹ đã đề nghị nước này mở rộng chiến dịch không kích nhằm vào các phần tử IS từ Iraq vào Syria. Hồi cuối tháng Tám vừa qua, một đồng minh khác của Mỹ trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lần đầu tiên tham gia các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria. Bản thân Mỹ thì tuyên bố đang tìm cách cải tổ lực lượng nổi dậy được phân loại là “ôn hòa” tại Syria và mục tiêu mà Washington nêu ra cũng là để chống IS. Thư ký Báo chí của Lầu Năm Góc Peter Cook dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khẳng định việc huấn luyện và trang bị cho phe nổi dậy ôn hòa ở Syria, cũng như việc cử họ tham chiến chống IS, là một chiến lược đúng đắn.

Mục tiêu giả

Mỹ và các đồng minh đột ngột thay đổi chiến lược đối với Syria, với IS là lý do chủ yếu được đưa ra, trong bối cảnh có thông tin Nga cũng tăng cường hoạt động quân sự ở Syria. Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 5-9 đã nói với hãng tin Reuters rằng chính quyền Mỹ phát hiện ra “một số bước chuẩn bị đáng lo ngại”, bao gồm việc vận chuyển các khối nhà làm sẵn cho hàng trăm người tới một sân bay ở Syria, một dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị triển khai thiết bị quân sự hạng nặng ở đây. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “bóng gió” với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng nếu thông tin về việc tăng cường hoạt động quân sự là chính xác, thì điều này có thể làm leo thang chiến tranh và nguy cơ đối đầu với liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đang không kích IS ở Syria.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga ngày 9-9 tuyên bố Moskva có thể xem xét hỗ trợ bổ sung cho Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời thừa nhận các chuyên gia quân sự nước này đang có mặt tại đây để giúp đỡ quân đội Syria sử dụng những thiết bị kỹ thuật quân sự do Nga cung cấp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga đã cung cấp vũ khí và thiết bị kỹ thuật quân sự cho Syria từ trước đây theo hợp đồng giữa hai nước và thỏa thuận này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục ủng hộ Damacus và kêu gọi thống nhất nỗ lực chung (bao gồm nước ngoài, các nước láng giềng của Syria, tất cả đại diện trong liên minh đối lập và những bên liên quan) trong cuộc chiến chống IS. Bản chất của việc thống nhất này là việc trao đổi thông tin giữa các bên liên quan chủ chốt để giảm nguy cơ nảy sinh sự đối đầu bất ngờ. Moskva đã chia sẻ sáng kiến này với Washington.

Đến đây thì câu chuyện phần nào được hé mở. Nếu mục tiêu thực sự là tiêu diệt IS ở Syria thì hẳn người Mỹ phải thấy mừng khi Nga vào cuộc. Không có lý do gì để Mỹ và các đồng minh “độc quyền” trong cuộc chiến này. Phân tích thái độ và phản ứng có phần quyết liệt của Mỹ, có thể nhận thấy người Nga đang cản trở một kế hoạch nào đó của phương Tây ở Syria. Và, có lẽ đó vẫn là một kế hoạch cũ mà họ theo đuổi từ lâu song chưa được hoàn tất: lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong hoàn cảnh này, Nga vốn là một đồng minh thân cận của Syria, có những động thái (dù bằng lời nói hay hành động) để ngăn chặn kế hoạch của Mỹ là điều dễ hiểu. Như vậy, IS không hẳn là mục tiêu giả, song chỉ đóng vai phụ trên sân khấu lớn là cuộc chiến Syria.

Phương án tập dượt

Những diễn biến này càng củng cố nhận định rằng cuộc khủng hoảng Syria chưa thể sớm chấm dứt. Trở ngại lớn nhất hiện nay chính là sự chia rẽ sâu sắc của cộng đồng quốc tế liên quan đến tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây đã nhắc lại lập trường của Moskva rằng ông Assad là nhà lãnh đạo hợp pháp, đồng thời nói rằng quan điểm đối lập của Mỹ là “phản tác dụng”.

Quan điểm của Nga được củng cố bằng thực tế ở Libya và Iraq, những đất nước đang bị chia rẽ và bị khủng bố hoành hành sau khi Mỹ và đồng minh tiến hành can thiệp lật đổ. Ngược lại, Mỹ vẫn kiên quyết cho rằng việc Tổng thống Syria Assad tiếp tục nắm quyền đã kích động chủ nghĩa cực đoan và căng thẳng trong khu vực. Với lý do này, Mỹ khẳng định sự cần thiết phải có sự chuyển giao chính trị và rằng điều đó không chỉ cần thiết cho người dân Syria, mà còn là phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại lực lượng cực đoan. 

Cho đến nay, dù kiên quyết rằng ông Assad phải ra đi, song Mỹ chưa đề cập tới một kế hoạch cụ thể về phương pháp cũng như thời gian nhằm thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, các bước đi của Mỹ dường như đều nhằm thực hiện kế hoạch duy nhất là lật đổ Tổng thống Syria. Báo chí Mỹ mới đây dẫn lời một cựu quan chức cấp cao nước này thừa nhận Mỹ đã vũ trang cho người Syria trong một chiến dịch của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong nhiều năm với sứ mệnh là chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Điều này khác xa với những gì Mỹ tuyên bố rằng huấn luyện lực lượng ôn hòa để chống lại IS.

Theo báo chí Mỹ, hiện có hơn 2 nhóm nổi dậy ôn hòa người Syria, tổng cộng khoảng 200 người, đang được huấn luyện tại nhiều địa điểm ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Mỹ đã chi 500 triệu USD cho chương trình này, và các quan chức cho biết tính đến cuối tháng 5-2015, gần 42 triệu USD đã được sử dụng. Mục tiêu ban đầu của Mỹ là huấn luyện 5.400 tay súng trong năm đầu tiên.

Cuộc chiến chống IS có thể là phương án “tập dượt” của Mỹ cùng các đồng minh. Ai dám chắc những chiếc máy bay chiến đấu mang theo hàng tấn bom đạn và tên lửa bay vào không phận Syria sẽ chỉ tấn công các mục tiêu của IS. Mỹ đã công khai rằng sẽ sử dụng không lực để bảo vệ các nhóm nổi dậy ôn hòa ở Syria. Dù được gắn mác “ôn hòa” thì thực tế đây vẫn là lực lượng chống Chính phủ Syria. Điều này đồng nghĩa với việc các máy bay của liên quân gồm khoảng 20 nước do Mỹ dẫn đầu sẽ không loại trừ các mục tiêu của quân Chính phủ Syria. Khi phương án tập dượt thành thục, kết hợp với lực lượng chống đối được Mỹ hậu thuẫn mạnh lên, một cuộc can thiệp tương tự kịch bản Libya hay cuộc xâm lược Iraq sẽ được lặp lại.