“Cuộc chiến” phía sau những đường vân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có một “chiến dịch” không ai phải ngã xuống. Có một “chiến dịch” thầm lặng nhưng thần tốc. Có một “chiến dịch” hàng chục ngày nối đêm xuyên sáng. Ở đó, không thể kể hết sự hy sinh. Ở nơi ấy, thấm đẫm mồ hôi, cả những giọt nước mắt của không ít cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô. Thầm lặng ở từng vị trí công tác, ở từng “mặt trận” chiến đấu. “Chiến dịch” vì nhân dân phục vụ mang tên cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử. “Chiến dịch” ấy vẻ vang, tự hào bao nhiêu, thì phía sau nó lại là những câu chuyện không phải ai cũng biết!...

Vượt qua nghịch cảnh, sẵn sàng vì nhiệm vụ

Ngay khi triển khai Đề án cấp căn cước công dân gắn chíp theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngay lập tức thực hiện tập huấn cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia tăng cường. Tháng 10-2020, một nữ Đại úy Công an phường Hàng Bông được triệu tập tham gia “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động. Nhận giấy triệu tập, ban đầu nữ Đại úy ấy rất hoang mang.

Sự lo lắng ấy không phải vì nhiệm vụ, mà ở đơn vị chị công tác, không ai là không biết và thấu hiểu với hoàn cảnh của nữ Đại úy.

Trung tá Hoàng Gia Ảnh, Trưởng Công an phường Hàng Bông cho biết: “Đồng chí ấy đã ly hôn, một mình nuôi hai con còn rất nhỏ. Mặc dù chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện nhưng bản thân đồng chí không muốn vin cớ hoàn cảnh của mình để xin giảm công, bớt việc. Thậm chí, công việc được giao ở đơn vị, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất hơn cả sự mong đợi. Khi được ban chỉ huy Công an phường triệu tập tham gia “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động, tôi đã trực tiếp hỏi ý kiến đồng chí rằng nếu gặp khó khăn, tôi sẵn sàng đề xuất thay người. Nhưng câu trả lời của đồng chí khiến tôi rất bất ngờ và xúc động”.

Đại úy Bùi Thị Lan Hương, cán bộ Công an phường Hàng Bông đến tận nhà cấp căn cước công dân gắn chíp cho người cao tuổi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đại úy Bùi Thị Lan Hương, cán bộ Công an phường Hàng Bông đến tận nhà cấp căn cước công dân gắn chíp cho người cao tuổi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nữ Đại úy không từ chối nhiệm vụ. Chị xin phép được về sớm một hôm, chuẩn bị áo quần, thực phẩm cho hai con rồi chở các cháu về gửi bố mẹ đẻ ở quê, cách Hà Nội vài chục cây số. Chị rơm rớm nước mắt kể lại: “Lúc đó cũng biết sẽ phải đi nhiều, vất vả, mà không phải tôi thì ai cũng như vậy hết. Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì…, nên tôi quyết định gửi con về ông bà ngoại để bản thân an tâm công tác, tập trung tối đa sức lực, thời gian cho nhiệm vụ”.

Theo lời kể của nữ Đại úy, cả quãng đường về nhà ngoại chị dặn dò hai con đủ thứ, ba mẹ con ríu rít nhưng quãng đường gần về tới nhà khiến chị lặng thinh nhiều hơn. Chị nghĩ vu vơ, nghĩ đủ thứ chuyện, nghĩ đến những ngày xa con sắp tới, sợ mỗi khi đêm về nỗi nhớ con càng thêm khắc khoải… Bao lâu nay, hai đứa con là chỗ dựa lớn nhất để chị có thể vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong công việc và cuộc sống.

Tạm biệt bố mẹ và các con, chị quay trở lại Hà Nội. Con đường đi nhạt nhòa nước mắt. “Chưa bao giờ tôi thấy quãng đường quen thuộc lại trở nên dài và xa đến thế” - nữ Đại úy gượng cười trong sự bồi hồi. Và rồi, chị cùng các cán bộ, chiến sĩ Công an phường, đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tham gia ngay vào “chiến dịch”. Một “chiến dịch” phải toàn tâm toàn ý, phải hết lòng vì nhân dân phục vụ!

Hết lòng vì nhân dân phục vụ!

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Chúng tôi quán triệt tới từng cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phải cẩn thận, tỉ mỉ, tránh tối đa sai sót nhưng hết sức thần tốc, theo kịp tiến độ mà Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã đề ra. Áp lực lớn, các cán bộ, chiến sĩ trên từng “mặt trận” công tác phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần nên sự hy sinh thầm lặng này rất đáng được ghi nhận, biểu dương”.

Nói về nữ Đại úy trong câu chuyện kể trên - cán bộ, chiến sĩ của mình, Thượng tá Bùi Văn Đang cũng nhiều lần khen ngợi trong cuộc họp với lực lượng chuyên trách trong “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp. “Đồng chí đã vượt qua hoàn cảnh đặc biệt để hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tổ công tác do đồng chí làm kíp trưởng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về số hồ sơ cấp” - Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.

Là kíp trưởng nên Đại úy Bùi Thị Lan Hương, cán bộ Công an phường Hàng Bông (Hà Nội) luôn thể hiện vai trò, gương mẫu đi đầu trong công tác

Là kíp trưởng nên Đại úy Bùi Thị Lan Hương, cán bộ Công an phường Hàng Bông (Hà Nội) luôn thể hiện vai trò, gương mẫu đi đầu trong công tác

Ngày 1-1-2021. “Chiến dịch” bắt đầu. “Cán bộ, chiến sĩ cấp căn cước công dân gắn chíp làm việc ngày đêm không nghỉ. Có những thời điểm chỉ kịp ăn vội chiếc bánh mỳ, bánh bao, hộp mỳ tôm đổ nước sôi cho nhanh để quay lại với nhiệm vụ” - nữ Đại úy chia sẻ.

Vì được lựa chọn làm kíp trưởng, nên đồng chí luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công việc. Trung tá Trần Thị Mai Ngọc, Tổ trưởng Tổ cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động tâm sự: “Nữ Đại úy của chúng tôi dù có hoàn cảnh đặc biệt nhưng chưa bao giờ than thân trách việc. Đồng chí là một kíp trưởng gương mẫu. Nếu buổi sáng, ca làm việc bắt đầu từ 7h thì đồng chí luôn đến trước 30 phút để kiểm tra máy móc, thiết bị. Sau khi hết ca, đồng chí cũng là người ở lại cuối cùng để hoàn thiện toàn bộ hồ sơ”.

Ngày 1-3-2021. Cao điểm bắt đầu. Bộ Công an giao chỉ tiêu mỗi máy một ngày phải cấp cho 300 hồ sơ. Thế nhưng, kíp của nữ Đại úy Công an phường Hàng Bông luôn dẫn đầu với 400, thậm chí 450 hồ sơ. Theo kế hoạch, ca tối sẽ làm việc đến 22h, nhưng kíp của nữ Đại úy có ngày làm tới 5h sáng hôm sau.

“Chưa bao giờ đồng chí để người dân đến đợi rồi lại về, cứ có công dân là thực hiện nhiệm vụ. Hết lòng vì nhân dân phục vụ!” - Trung tá Trần Thị Mai Ngọc kể lại - “Chúng tôi vẫn thường xuyên động viên cán bộ, chiến sĩ của mình. Bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào cũng thực hiện mệnh lệnh một cách chu toàn nhất, như chính kíp trưởng của họ đáp rằng, người dân đến rồi về, người dân phải chờ đợi còn mệt hơn ấy. Tất cả đều không làm vì thành tích, mà vì nhân dân phục vụ”.

Nữ Đại úy tâm sự: “Thật ra lúc ấy điều tôi nghĩ đến nhiều nhất là các con. Bình thường ba mẹ con có nhau, giờ gửi con về quê, nhớ lắm chứ! Nên lúc tham gia “chiến dịch”, chỉ biết làm và làm, làm để quên đi nỗi nhớ con và cũng muốn hoàn thành “chiến dịch” một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để sớm được gặp con. Với tôi, công việc là niềm vui, các con là động lực”.

Có những thời điểm chỉ kịp ăn vội chiếc bánh mỳ...

Có những thời điểm chỉ kịp ăn vội chiếc bánh mỳ...

Cẩn thận trong từng hồ sơ, tỉ mỉ trong từng giây lấy đường vân trên tay công dân, nhưng điều khiến các cấp lãnh đạo ghi nhận ở nữ Đại úy của mình chính là sự cố gắng quên mệt mỏi và sự thầm lặng hy sinh. Có những ngày cấp căn cước công dân đến 4, 5h sáng, đáng lẽ ca sau sẽ được nghỉ ngơi để kíp khác thay phiên, nhưng nếu như kíp trưởng của ca sau ốm, mệt thì nữ Đại úy ấy sẵn sàng nhận nhiệm vụ thay.

“Thật sự chúng tôi cảm thấy rất ái ngại, vì bản thân nữ Đại úy của chúng tôi hay các đồng chí khác đều được tăng cường nhưng luôn lăn xả vào công việc” - Trung tá Trần Thị Mai Ngọc chia sẻ thêm. Không chỉ thế, nữ Đại úy còn luôn thể hiện vai trò gương mẫu của một kíp trưởng. Chị thường xuyên chuẩn bị đồ ăn, nước uống cho thành viên tổ công tác của mình. Bản thân phải hy sinh rất nhiều, nhưng chị còn gác lại những tâm tư để động viên cán bộ, chiến sĩ trong tổ. Nỗ lực. Cố gắng. Tận tụy. Tất cả đã khiến công việc dường như trôi nhanh hơn.

Chỉ mong ngẩng đầu lên là thấy bình minh

Tham gia cấp căn cước công dân lưu động, nhịp sinh học thay đổi, cán bộ, chiến sĩ đều gầy rộc hẳn đi. Nữ Đại úy kể: “Trước cố gắng giảm cân mãi cũng không được, thế mà sau “chiến dịch” này giảm hẳn 4 cân”. Nói vậy là có thể thấy, trong sự lạc quan ấy hẳn có rất nhiều cố gắng đề vượt qua khó khăn, vất vả của tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô. Riêng với nữ Đại úy, chị chỉ mong làm hết việc, ngẩng đầu lên là thấy bình minh. Chị sợ những hôm trở về nhà lúc rạng sáng, căn nhà vắng tanh, mọi thứ chìm vào thinh không...

Rất nhiều ngày như thế, vì quá tủi thân mà chị bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Chị bảo: “Tôi chỉ ước có một ai đó thấu hiểu, yêu thương, có thể là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Tôi ước những khi mỏi mệt ấy sẽ nhận được những dòng tin nhắn động viên, ước có người chờ đợi tôi trở về thì dù ăn bát cơm nguội cũng hạnh phúc. Nhiều đêm mưa gió, rét mướt, lại mong có ai đó đợi để đón mình về!”...

Với Đại úy Bùi Thị Lan Hương, công việc là niềm vui, các con là động lực

Với Đại úy Bùi Thị Lan Hương, công việc là niềm vui, các con là động lực

Những ngày trong tuần, hoàn thành xong ca của mình, nữ Đại úy lại tranh thủ trở về đơn vị giải quyết những công việc còn dang dở. Cuối tuần, đáng lẽ chị có thể ngủ thêm một chút lấy sức cho ca làm đêm, nhưng vì quá nhớ con, nên ngay cả khi kết thúc ca lúc rạng sáng, chị cũng một mình đi xe về quê thăm con ngay. Quãng đường về với chị lại chưa bao giờ phấn chấn đến như thế.

Có hôm về tới nơi con còn đang say ngủ, chị chui vào giường nằm cạnh, ôm chặt hít hà lũ nhỏ rồi ngủ lúc nào không biết. Có hôm chị trở về, cánh cổng vừa mở, con nhìn thấy mẹ liền chạy tới ôm trầm không rời. Chị tâm sự: “Cứ hôm nào về nhà là hai đứa trẻ không rời mẹ, tôi ngồi ở đâu là cháu chạy tới đó ngồi cạnh. Thằng bé út còn bảo: “Mẹ cho con ngồi lòng mẹ ăn cơm, con thèm lắm!”. Cứ như thế, chị và đồng đội dẫn đi qua “chiến dịch”.

Hàng chục ngày đêm - đó là những tháng ngày không quên của những cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô tham gia “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp, nhưng sẽ là những ngày sẽ in dấu mãi trong tâm trí của chị - nữ Đại úy Công an phường Hàng Bông. Sự nỗ lực, cố gắng của chị được đơn vị ghi nhận, đánh giá cao. Nhưng chắc hẳn điều khiến chị từ hào nhất đó là bản thân đã vượt qua được những ngày thiếu thốn tình cảm mẹ con, vượt qua được hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị là Đại úy Bùi Thị Lan Hương, cán bộ Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.