Cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử Tổng thống Mỹ liệu có bùng nổ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Sau khi gây ra những bất ngờ đến nghẹt thở tại các bang “chiến địa”, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 lại tiếp tục làm dư luận nóng lên khi Ủy ban bầu cử Đảng Cộng hòa đòi dừng kiểm phiếu ở một số bang vì có gian lận.

Ông Donald Trump phát biểu trên truyền hình yêu cầu dừng kiểm phiếu ở các bang chiến trường

Ông Donald Trump phát biểu trên truyền hình yêu cầu dừng kiểm phiếu ở các bang chiến trường

Sức nóng từ các bang “chiến trường”

Trong một tuyên bố, ông Bill Stepien, quản lý chiến dịch của Tổng thống Donald Trump viết: “Chiến dịch của Tổng thống đã không được cung cấp quyền tiếp cận có ý nghĩa tới nhiều địa điểm kiểm phiếu để quan sát việc mở các lá phiếu và quá trình kiểm phiếu, vốn được bảo đảm bởi luật của bang Michigan. Chúng tôi đã đệ đơn kiện hôm nay lên Tòa án Michigan để tạm dừng kiểm phiếu cho đến khi được đảm bảo quyền lợi”.

Động thái tương tự cũng đã được chiến dịch của ông Donald Trump đưa ra ở các bang Pennsylvania, Wisconsin.

Trước đó, viết trên Twitter, ông Donald Trump phàn nàn: “Tối qua tôi đang dẫn trước, thường khá chắc chắn ở những bang quan trọng. Sau đó, lần lượt từng bang một, chúng bắt đầu biến mất một cách kỳ lạ khi đống phiếu rác bất ngờ được kiểm”. Theo Business Insider, chiều 4-11 theo giờ Mỹ, chiến dịch của ông Donald Trump cũng đã gửi email cho những người ủng hộ để thông báo kế hoạch thực hiện “các hành động pháp lý quan trọng ở Pennsylvania”.

Những rắc rối trên xuất phát từ các quy định liên quan đến bầu cử qua bưu điện mà Đảng Cộng hòa cho rằng dễ dẫn đến gian lận. Trước đây, hình thức này ít phổ biến. Tuy nhiên năm nay, do lo ngại lây lan của dịch Covid-19, nhu cầu bỏ phiếu qua bưu điện tăng đột biến. Khác với phương thức bầu trực tiếp, bầu cử qua bưu điện đòi hỏi thời gian kiểm phiếu lâu hơn vì phải xác định tính hợp pháp của phiếu bầu thông qua chữ ký của cử tri. Thêm vào đó, hình thức này lại được quy định rất khác nhau ở mỗi bang. Có bang chỉ cho phép bỏ phiếu vắng mặt khi có lý do như bị bệnh, đang công tác ở nước ngoài… Có bang thì gửi phiếu bầu cho các cử tri và cho phép họ thoải mái lựa chọn hình thức bầu. Đặc biệt, quy định về thời hạn nhận phiếu qua bưu điện bị Đảng Cộng hòa phản ứng mạnh nhất. Có bang yêu cầu phiếu bầu phải được gửi về cơ quan kiểm phiếu trước ngày 3-11, có bang thì cho phép chậm đến 3 ngày sau thời điểm bầu cử 3-11 miễn là có dấu bưu điện trước hoặc trong ngày diễn ra bầu cử.

Ngay trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc bỏ phiếu qua bưu điện vì cho rằng có thể dẫn đến gian lận trong quá trình kiểm phiếu. Hôm 4-11 ông đã đã tuyên bố: “Đây là một vụ gian lận lớn đối với quốc gia của chúng ta. Chúng tôi muốn luật pháp can thiệp, vì vậy, chúng tôi sẽ chuyển việc này đến Tòa án tối cao. Chúng tôi muốn dừng việc kiểm phiếu”. Rất có thể, trong những tuần trước khi kết thúc cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có thể sẽ tham gia vào một vụ kiện tụng về các hoạt động bầu cử và kiểm phiếu tại các bang “chiến trường”, đặc biệt là tại bang Pennsylvania, nơi cho phép phiếu bầu qua bưu điện được quá hạn tối đa 3 ngày sau thời điểm bầu cử 3-11.

Tái hiện kịch bản “thắng kiện hay thắng cử”

Nếu điều đó xảy ra, lịch sử sẽ lặp lại sự kiện diễn ra cách đây đúng 20 năm trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng viên George Bush của Đảng Cộng hòa và Al Gore của Đảng Dân chủ (ông Al Gore khi đó là đương kim Phó Tổng thống Mỹ).

Nước Mỹ rộng lớn với 50 bang, nhưng tình cờ thế nào mà kết quả chung cuộc lại phụ thuộc hoàn toàn vào 25 phiếu đại cử tri tại bang Florida. Ai giành được Florida sẽ là người chiến thắng. Khi kết quả chung cuộc ở Florida cho thấy ông George Bush dẫn trước đối thủ chỉ vài ngàn phiếu bầu, chiến dịch tranh cử của ông Al Gore đã cáo buộc có sai sót trong quá trình kiểm phiếu. Do đó họ yêu cầu quan chức 4 hạt lớn nhất Florida kiểm lại phiếu bằng tay, kéo theo một quá trình kéo dài hàng tuần.

Ba tuần sau ngày bầu cử, bang Florida tuyên bố ông George Bush thắng ông Al Gore với cách biệt 537 phiếu, tức chỉ 0,009% tổng số phiếu. Ông Al Gore tiếp tục phản đối và tòa án cấp cao nhất ở Florida phải ra lệnh kiểm lại hàng ngàn phiếu bầu bị máy đếm loại bỏ với lý do đục lỗ không hoàn toàn.

Cuộc bầu cử ồn ào chỉ khép lại khi Tòa án tối cao liên bang vào cuộc, tuyên bố dừng việc kiểm phiếu vì vi phạm các tiêu chuẩn kiểm đếm phiếu khác nhau ở các hạt khác nhau. Chủ đề này đốt nóng báo chí Mỹ trong thời gian dài, thậm chí có tờ báo mô tả sự kiện này là “thắng kiện chứ không phải thắng cử”.

Trở lại cuộc bầu cử năm nay, cuộc đua quá sít sao là nguy cơ gây tranh chấp pháp lý trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần khi một trong hai ứng viên không ai nhận thua với các cáo buộc như gian lận hay tính hợp pháp của nhiều lá phiếu bầu qua bưu điện. Theo các chuyên gia pháp lý, mặc dù có thể có những phản đối liên quan đến thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu, nhưng vẫn chưa rõ liệu những tranh chấp như vậy có quyết định kết quả cuối cùng hay không.

Ông Ned Foley, chuyên gia về luật bầu cử tại trường Đại học bang Ohio, cho biết cuộc bầu cử hiện tại không có các yếu tố có thể tạo ra tình huống như trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 giữa ông George Bush và Al Gore. “Còn rất sớm nhưng tại thời điểm hiện tại, dường như khó có khả năng Tòa án tối cao Mỹ sẽ ra phán quyết về tân Tổng thống Mỹ năm 2020” - ông Ned Foley cho hay.

Trong khi đó, Ban vận động tranh cử của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng khiếu nại ông Donald Trump ra tòa, nếu ông Donald Trump tìm cách ngăn công tác kiểm phiếu. Ông Jen O'Malley Dillon - Giám đốc ban vận động tranh cử của ông Joe Biden khẳng định, các nhóm pháp lý của ông Joe Biden đã sẵn sàng chặn đứng nỗ lực này.

Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, Hạ viện sẵn sàng quyết định người chiến thắng nếu như xảy ra tranh cãi về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Luật pháp Mỹ cũng quy định rõ trường hợp mỗi ứng viên đều nhận được số phiếu đại cử tri bằng nhau là 269, hoặc không ai giành số phiếu quá bán (270 phiếu trở lên). Theo Tu chính án thứ 12, khi đó Hạ viện sẽ chọn Tổng thống còn Thượng viện sẽ chọn Phó Tổng thống. Còn trong trường hợp Quốc hội không giải quyết được tranh chấp để công bố Tổng thống và Phó Tổng thống trước ngày 20-1-2021, Đạo luật kế vị Tổng thống quy định Chủ tịch Hạ viện sẽ giữ chức quyền Tổng thống.