"Cuộc chiến" kim tiền với dịch Covid-19

ANTD.VN - Bên cạnh mối lo về nguy cơ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) tiếp tục gia tăng ở nhiều nước, thì các khoản chi phí khổng lồ phải bỏ ra để ngăn chặn dịch bệnh cũng đang là gánh nặng với các quốc gia có dịch.

"Cuộc chiến" kim tiền với dịch Covid-19 ảnh 1Thị trường chứng khoán London sụt giảm do tác động của dịch Covid-19

Những khoản chi khẩn cấp thời dịch Covid-19

Hôm 5-3, trong một quyết định có thể coi là hiếm có trong bối cảnh đối đầu gay gắt giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, Hạ viện Mỹ với sự đồng thuận tuyệt đối của các thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng đã nhanh chóng thông qua gói ngân sách hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trị giá 8,3 tỷ USD. Khoản ngân sách này sẽ bao gồm 2,2 tỷ USD dành cho các cơ quan y tế của địa phương, tiểu bang và liên bang. 

Cùng ngày, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte thông báo Chính phủ nước này đã phân bổ 7,5 tỷ euro để hỗ trợ các gia đình và các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của  dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Nhấn mạnh đây là biện pháp đặc biệt và cấp bách, ông Conte cho rằng đây là nguồn hỗ trợ quan trọng cho phép Italia đối mặt với các khó khăn tức thời của tình trạng khẩn cấp, đồng thời khẳng định sẽ không để ai phải mất việc vì dịch Covid-19.

Tại Trung Quốc, nơi khởi phát của dịch Covid-19, chính quyền các cấp đã dành  110,48 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ USD) để chống dịch bệnh, trong đó 71,43 tỷ đã được sử dụng. Kể từ tháng 3, Bộ Tài chính Trung Quốc bắt đầu hỗ trợ ngân sách hằng tuần cho tỉnh Hồ Bắc, trong đó riêng tuần đầu tiên là 35 tỷ nhân dân tệ (5,04 tỷ USD). Ngoài Hồ Bắc, một số khu vực bị thất thu ngân sách do dịch bệnh sẽ được hỗ trợ tài chính để đảm bảo sự vận hành của chính quyền địa phương và duy trì trả lương cho các nhân viên. 

Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố thành lập riêng một quỹ y tế phối hợp giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang, trị giá 1 tỷ AUD (tương đương 660 triệu USD), trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống dịch Covid-19. Chính phủ liên bang sẽ đóng vai trò hỗ trợ một nửa chi phí cùng với các tiểu bang và đây là khoản ngân sách độc lập, tách biệt với các khoản tài trợ y tế khác mà nước này đã có kế hoạch dành cho những bệnh viện và hệ thống y tế quốc gia. 

Trên quy mô toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết dành gói tài chính khẩn cấp hàng chục tỷ USD để giúp các quốc gia thành viên cần hỗ trợ do tác động của Covid-19. Theo bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF, 50 tỷ USD sẽ được giải ngân nhanh thông qua các cơ chế cung cấp tài chính khẩn cấp, trong đó 10 tỷ USD dành để hỗ trợ không lãi suất cho những nước nghèo nhất. Trong khi đó, WB cho biết sẽ “hỗ trợ ngay lập tức” 12 tỷ USD cho các nước đang phải đối phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe do dịch Covid-19.

Kịch bản nào nếu bùng phát đại dịch?

Sự gia tăng đột ngột của các ca nhiễm và tử vong ở Italia, Iran và Hàn Quốc làm dấy lên nhiều quan ngại rằng Covid-19 có thể trở thành đại dịch toàn cầu. Trong quá khứ, “đại dịch cúm thế kỷ” bùng phát ở Tây Ban Nha hồi năm 1918 đã khiến 50 triệu người thiệt mạng và làm GDP toàn cầu giảm 5%. Theo đánh giá của các chuyên gia WB, một đại dịch tương tự do virus Corona nếu bùng phát có thể dẫn đến hàng triệu người tử vong và làm giảm 1% GDP toàn cầu. 

Dù Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng dịch Covid-19 hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát trên phạm vi toàn cầu và việc sử dụng từ “đại dịch” là chưa phù hợp, nhưng tác động về mặt kinh tế thì nước nào cũng có thể cảm nhận rõ. 17 năm trước đây, dịch SARS khiến thế giới thiệt hại 40 tỷ USD. Còn theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thuộc Hãng tư vấn Oxford Economics, thiệt hại do dịch Covid-19 sẽ lớn hơn rất nhiều.  

Hồi tháng 1-2020, IMF khá lạc quan khi đưa ra dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới của năm 2020 là 3,3%. Thế nhưng mới đây, IMF đưa ra nhận định rằng, Covid-19 là “mối đe dọa nghiêm trọng” có thể làm chậm đà tăng trưởng toàn cầu xuống dưới mức 2,9% của năm ngoái. Mức độ tác động thế nào còn tùy thuộc vào kịch bản diễn biến tiếp theo của Covid-19, dịch càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn.

Còn theo đánh giá của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), mức độ thiệt hại với nền kinh tế toàn cầu có thể dao động trong phạm vi từ 77 tỷ đến 347 tỷ USD, tương đương 0,1% đến 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nếu kịch bản ở mức vừa phải diễn ra, tức là khi các hành vi và biện pháp phòng ngừa sau 3 tháng dịch bệnh bùng phát như cấm đi lại và các hạn chế đã được áp dụng vào cuối tháng 1 bắt đầu được nới lỏng, thiệt hại toàn cầu sẽ khoảng 156 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP toàn cầu. Trong đó, riêng Trung Quốc thiệt hại khoảng 103 tỷ USD.

Với Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý 1-2020, tăng trưởng GDP năm 2020 dự báo sẽ là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong trường hợp dịch được khống chế trong quý 2-2020, tăng trưởng sẽ ở mức 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý 1-2020. Chính vì thế, bên cạnh việc chống dịch và dập dịch Covid-19, các nước đều phải tính đến các kịch bản để giảm thiểu  những tác động bất lợi đối với sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế.