Cuộc chiến không tiếng súng

ANTĐ - Bên cạnh các vấn đề toàn cầu hay song phương nóng bỏng như an ninh, chống khủng bố, thao túng tiền tệ... an ninh mạng là một trong những chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tên lửa Patriot PAC-3 đang được Mỹ bố trí ở Nhật Bản đã bị tin tặc 
có xuất xứ Trung Quốc xâm nhập để đánh cắp

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 28-5 cho biết, an ninh mạng sẽ là một trong những chủ đề chính được Tổng thống Obama đưa ra thảo luận trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-6 tại California (Mỹ). Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trên cương vị đứng đầu 2 cường quốc.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa nhà lãnh đạo nước này với Tổng thống Obama “rất quan trọng cho việc phát triển lâu dài quan hệ Mỹ-Trung một cách vững chắc và tốt đẹp, cũng như cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và quốc tế”. Bởi thế, vấn đề an ninh mạng được đưa vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại California cho thấy đây đang là chính sách lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc trong tương lai.

Đáng chú ý là thông báo ngày 28-5 của Người phát ngôn Nhà Trắng được đưa ra ngay sau khi nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng Khoa học Quân sự Mỹ (DSB) công bố báo cáo cáo buộc tin tặc có xuất xứ từ Trung Quốc đã tấn công kho dữ liệu của hơn 20 hệ thống vũ khí hiện đại nhất nước Mỹ. Báo cáo mật của DSB cho biết, các chương trình bị đánh cắp liên quan đến hệ thống vũ khí hiện đại như hệ thống phòng thủ chống tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu chiến và máy bay không người lái. 

Dữ liệu bị đánh cắp liên quan tới các loại vũ khí xương sống của Mỹ hiện bố trí khắp thế giới như tên lửa Patriot    PAC-3, hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo Aegis, máy bay chiến đấu F/A-18, trực thăng Black Hawk, máy bay tiêm kích tàng hình F-35... Việc đánh cắp những thông tin này, theo các chuyên gia là 1 mũi tên trúng 2 đích, vừa có thể sử dụng để phá hoạt động của vũ khí Mỹ khi xảy ra xung đột vừa sao chép nhằm phát triển công nghệ sản xuất vũ khí của Trung Quốc.

Báo cáo của DSB càng làm nóng cuộc chiến an ninh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến nó có nguy cơ trở thành cuộc chiến không tiếng súng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này. Trước đó chưa đây 1 tuần, ngày 22-5, Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ công bố một báo cáo điều tra khẳng định, tin tặc Trung Quốc là thủ phạm chính đánh cắp trên quy mô lớn các phần mềm tin học và nhiều sản phẩm khác do Mỹ phát triển, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này hơn 300 tỷ USD mỗi năm. 

Không dừng lại ở việc cáo buộc chung chung, sau khi Công ty An ninh mạng Mandiant Corp của Mỹ công bố kết quả điều tra kéo dài nhiều năm khẳng định quân đội Trung Quốc có hẳn một đơn vị chiến tranh mạng đóng ở Thượng Hải mang mã số “Đơn vị 61398” (Unit 61398) với hàng nghìn nhân viên chuyên thực hiện các cuộc tấn công và đánh cắp dữ liệu trên mạng, giới chức Mỹ đã nhiều lần nêu thẳng vấn đề tin tặc với Bắc Kinh. Theo Washington, tin tặc nếu được hậu thuẫn từ các chính phủ có thể gây chiến tranh mạng với hậu hoạ được ví như một “Trân Châu cảng” trên mạng với nước Mỹ. 

Vấn đề tin tặc sẽ lần đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung và nếu không tìm được tiếng nói chung để giải quyết chắc chắn nó sẽ trở thành cuộc chiến mới giữa hai nước.