Cuộc chiến không khoan nhượng chống "cát tặc"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những năm gần đây, nhu cầu về vật liệu xây dựng trong đó chủ yếu là cát ngày càng trở nên khan hiếm, đắt đỏ khiến cho “cát tặc” luôn rình rập cơ hội để ra tay… Từ núp bóng nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy để hút cát của một số doanh nghiệp thì ngay cả những cá nhân cũng lợi dụng ngày lễ, đêm tối, ngày mưa gió để oanh tạc dòng sông, khiến cho cuộc chiến chống “cát tặc” luôn trong tình thế cam go.
Những chiếc tàu được các đối tượng vận hành khai thác cát trái phép trên sông Hồng bị lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội phát hiện, bắt quả tang

Những chiếc tàu được các đối tượng vận hành khai thác cát trái phép trên sông Hồng bị lực lượng trinh sát

Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội phát hiện, bắt quả tang

“Cát tặc” lộng hành

“Lợi nhuận từ việc khai thác cát quá lớn, nên dù bị kiểm tra, xử lý gắt gao, “cát tặc” luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó, liên tiếp vi phạm. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp khi được thực hiện dự án đã bắt tay với các đối tác khác, thu tiền rồi bỏ mặc đối tác hút - bán cát. Chính vì vậy, tình trạng một số tàu hút trà trộn vào các khu vực của những công ty được cấp phép khai thác bãi nổi đã và đang khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm soát” - Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội nhìn nhận.

Trong những lần cùng trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội “săn” bắt “cát tặc”, chúng tôi được chứng kiến nhiều tình huống thể hiện sự linh hoạt, mưu trí của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng chức năng. Khác với những loại vi phạm, tội phạm khác, bắt “cát tặc” không đơn giản cứ thấy tàu vòi hút, máy nổ là bắt. Và chỉ khi cùng tham gia phát hiện, vây bắt “cát tặc” mới thấy hết được cách xử lý tình huống cực kỳ nhanh nhạy, quyết đoán và cũng không kém phần kịch tính so với các bộ phim hành động.

Có những đêm, sau khi cùng các trinh sát rà soát, quét dọc các tuyến sông Hồng và sông Đuống, dù quang cảnh trên sông tĩnh lặng như tờ, nhưng không hiểu sao Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CATP Hà Nội vẫn yêu cầu các chiến sỹ lên kế hoạch mật phục và phán đoán tình hình, khẳng định “cát tặc” chắc chắn sẽ xuất hiện có thể ra tay vào giờ “G” để chuẩn bị các phương án hành động.

Còn nhớ, đêm 2-4-2019, khi tôi nhận được điện thoại từ một trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội với thông tin vẻn vẹn: “Có việc hay đấy!”, tôi vội vàng mang theo thiết bị tác nghiệp lên đường. Chỉ sau gần 30 phút, tôi đã có mặt tại địa bàn xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Tại đây, tôi bám theo tổ công tác Đội 3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, CAH Gia Lâm và Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 3, Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra, bắt giữ chiếc tàu hút mang số hiệu: BN-0475, do đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1989, ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) điều khiển đang có hành vi khai thác cát trái phép... Trung tuần tháng 12-2019, chúng tôi cùng anh em thuộc Đội Cảnh sát Kinh tế - Ma túy, CAH Ba Vì, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng CAH Ba Vì đi “săn” cát tặc. Chỉ trong một đêm, nhiều tổ công tác đồng loạt tấn công, bắt quả tang đến 3 tàu khai thác cát trái phép.

Hiểm nguy rình rập

Với nhu cầu thực tiễn, cuộc chiến về “cát tặc” không bao giờ ngừng, cũng như những người “gác sông” chưa bao giờ ngơi nghỉ. Mỗi khi màn đêm buông xuống, đến khi bình minh ló rạng họ trở về đơn vị, về với gia đình an toàn mới thở phào nhẹ nhõm. Với những phóng viên theo dõi mảng môi trường, sau mỗi hành trình đi “săn cát tặc” cũng không kém phần nguy hiểm.

Sau nhiều ngày theo chân những người dân vạn chài dọc sông Hồng và sông Đuống, phóng viên đã mục sở thị hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra khá nhộn nhịp. Để thâm nhập, nắm bắt hoạt động của “cát tặc”, chúng tôi đã phải sử dụng nhiều loại tàu khác nhau dọc sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn các xã Kim Lan, Văn Đức, Bát Tràng và sông Đuống (đoạn thuộc địa bàn xã Phù Đổng), đều thuộc huyện Gia Lâm và chập tại khu vực Cửa Dâu (đoạn chia sông Hồng và sông Đuống, thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên) lên Ba Vì.

Một hai ngày đầu, việc quan sát, ghi hình tương đối thuận lợi, nhưng sau đó, khi thuyền của chúng tôi vừa tới đoạn gần cầu Nhật Tân (hướng ngược sông về Chèm), bỗng xuất hiện một chiếc xuồng máy đeo bám, quan sát khá lâu rồi tăng ga chuyển hướng vào bờ (đoạn thuộc địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Chia sẻ thắc mắc của chúng tôi, anh Nguyễn Văn H. (người lái thuyền, quê Bắc Ninh) nói, người không biết cứ nghĩ trên sông ai làm gì thì làm, nhưng không phải như vậy. Hàng ngày, hàng giờ có bao con thuyền xuôi ngược trên sông đều bị “hoa tiêu” của dân “cát tặc” nắm bắt chặt chẽ. “Hoa tiêu” được sử dụng chuyên cảnh giới, thông báo tình hình, thấy “động” sẽ báo cho “cát tặc” rút lui hoặc dừng hút cát. “Những người chuyên đánh cá như chúng tôi, bình thường đi thế này thì không sao, nhưng chỉ cần bỏ đồ ra hành nghề ở khúc sông khác là các thuyền cá ở khu vực đó xúm lại ngay. Trên sông cũng có bến bãi, xếp “lốt” theo thứ tự. Chính vì thế, chỉ cần một tàu lạ đi qua là sẽ bị nhận dạng ngay”, anh H. chia sẻ.

Được anh H. tư vấn, chúng tôi quyết định thay đổi phương án, đi theo những chiếc thuyền nhỏ chỉ sử dụng cho 1 - 2 người của dân vạn chài sát bờ sông. Nếu người yếu tim chắc không đi nổi. Vì thuyền nhỏ, mỗi lần đi qua tàu lớn, hoặc thuyền máy chạy qua là lại chòng chành, chao đảo như muốn hất văng chúng tôi xuống nước. Tuy nhiên, sử dụng thuyền này, dù tầm quan sát bị hạn chế nhưng tránh được sự săm soi của “hoa tiêu” và “cát tặc”.

Mới đây, khoảng giữa tháng 8-2020, khi nắm thông tin có nhóm khoảng 5 tàu liên tục hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sát chân cầu Vĩnh Tuy (thuộc địa bàn giáp ranh giữa phường Long Biên, quận Long Biên và phường Bạch Đằng thuộc quận Hai Bà Trưng), sau vài lần tìm hiểu, chúng tôi đã quyết định thuê một chiếc thuyền cá của ông Trần Văn T. làm nghề ngư phủ trên sông Hồng để tác nghiệp. Với những kinh nghiệm của nhiều năm “săn cát tặc”, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận được mục tiêu và những đoạn clip quay được hoạt động của “cát tặc” đã đưa phóng viên vào nhiều tình thế nguy hiểm, thậm chí cả tính mạng nếu như không tỉnh táo xử lý tình huống.

Khoảng 22h đêm 15-8-2020, vẫn bằng hình thức cải trang làm ngư phủ giống ông T., với bộ đồ đơn giản chúng tôi khá tự tin bắt đầu hành trình “săn cát tặc”. Khi chiếc thuyền đánh cá của phóng viên áp sát 3 chiếc tàu hút tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy để ghi hình, bất ngờ nhiều tiếng sáo từ bên bờ sông thuộc phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng vang lên. Cùng lúc, một chiếc thuyền nhỏ của đám “cát tặc” xuất hiện, hùng hổ lao tới. Trên thuyền có 2-3 đối tượng chiếu đèn quan sát.

Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước nên cả lái thuyền và phóng viên vẫn tỉnh bơ, coi như đang đi thả lưới chạy sát thuyền qua tàu. Sau khi quan sát không phát hiện được điều gì bất thường, chiếc tàu bỏ về sát những chiếc tàu hút, còn thuyền cá của phóng viên cũng nhân cơ hội tăng hết công suất, nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trên đường về, người lái thuyền kể, trong một lần cách đấy khoảng 2 tháng, hai vợ chồng ông điều khiển thuyền sát những chiếc tàu trên, buông lưới không may mắc phải “phụ kiện” của chiếc tàu hút. Khoảng 20 phút sau, bỗng nhiên xuất hiện đến 3 chiếc thuyền chở hàng chục người đến túm tóc cả hai vợ chồng ông, hỏi han khá kỹ. “Sau khi “xác minh” chỉ là sự không may nên ông để lưới mắc phải tàu hút cát, các đối tượng vẫn đe dọa: “May cho nhà chúng mày, nếu hôm nay sự việc không như vậy thì cả hai vợ chồng mày sẽ làm mồi cho cá!” - ông T kể. Chống “cát tặc” là một cuộc chiến không khoan nhượng để bình yên trở lại trên những tuyến sông.