Cuộc chiến không cân sức

ANTĐ - Mấy chục năm nay đã diễn ra cuộc chiến âm thầm, không kém phần quyết liệt chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Dường như đây là cuộc chiến không cân sức giữa các lực lượng chức năng và đội quân gian lận thương mại. Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo diễn ra, gần đây nhất là hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu: giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt Nam” do Cục Sở hữu trí tuệ và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính, đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, có các cơ quan quản lý nhà nước cùng các tổ chức như quản lý thị trường, công an, tòa án. Tại cuộc hội thảo, hầu hết các doanh nghiệp đều kêu rằng, họ đang rất đơn độc trong cuộc chiến chống hàng giả. Họ phải tự tổ chức điều tra, phát hiện để ngăn chặn hàng giả. Nếu chuyển vụ việc ra tòa thì phải mất 6 tháng đến một năm mới được giải quyết. Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty may lớn bức xúc: Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói nhiều, nói nữa, nói mãi vẫn thế. Hỏi kinh nghiệm đối phó của một số công ty có uy tín thì được trả lời “không làm gì được đâu!”.

Nhiều chủ doanh nghiệp có tiếng trên thương trường cũng bày tỏ sự bất lực trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu. Họ khẳng định không tiếc tiền và công sức để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Song, vừa tốn tiền, vừa tốn công sức để bảo vệ thương hiệu, họ còn gặp những phiền toái, rắc rối từ cơ quan thực thi pháp luật. Sự phối hợp với các cơ quan chức năng không đơn giản, dễ dàng. Nếu không có sự phối hợp với các cơ quan thực thi có trách nhiệm thì chống hàng gian thương là bất khả thi. Tới thời điểm này, hiếm hoi lắm mới có duy nhất Tập đoàn Cá tầm Việt Nam tự bỏ tiền ra lập trình truy cập mã code nhận diện cho từng con cá trên thị trường. Mã code được in trên thẻ cào quản lý bằng công nghệ cao trên từng con cá. Người dùng chỉ cần cào nhẹ lớp phủ bạc sẽ biết mã số. Sau đó nhắn tin, gửi đến tổng đài sẽ biết “lý lịch” con cá tầm với thông số so sánh với cá tầm Trung Quốc. Thật là một công nghệ phức tạp, tốn kém để tự bảo vệ sản phẩm của mình. Dư luận đã nói quá nhàm về tình trạng doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà. Ngoài nước, hành trình tìm công lý càng gian nan, cơ cực. Sau vụ một doanh nghiệp tư nhân sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre thắng kiện hy hữu đối tác Trung Quốc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinamit đã tốn bao tiền bạc, công sức theo đuổi đến cùng và cuối cùng mới thắng kiện một đối tác ở Trung Quốc đã cướp thương hiệu Vinamit dưới cái tên Trung Quốc. Còn hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong nước như Cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba… bị mất trắng cả thương hiệu lẫn uy tín, chất lượng trên “đất khách”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ cũng thừa nhận, vai trò hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật quá yếu trong cuộc bảo vệ bản quyền, sáng chế… của doanh nghiệp Việt. Tòa án thì chưa tích cực tham gia vào các cuộc tranh chấp giá trị sở hữu trí tuệ. Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ một thành phố lớn cho biết, nhân lực thanh tra của Sở chỉ có vỏn vẹn 7 người không đủ sức bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp phải tự cứu mình. Vậy còn hàng triệu triệu người tiêu dùng, ai cứu?