“Cuộc chiến” giữa hai “ngôi sao”

ANTĐ - Vợ chồng cùng giỏi giang, thành đạt thường được xem như “cặp đôi hoàn hảo”. Tuy nhiên, sự hoàn hảo có thể khiến cho hai “ngôi sao” không ai chịu ai, rất dễ làm nảy sinh xung đột, đến mức khó hàn gắn. 

Con gà tức nhau tiếng gáy

Anh Trần Minh Quang và chị Nguyễn Ngọc Anh (quận Tây Hồ) gặp nhau khi cùng đi… buôn đất. Anh có kinh nghiệm hơn nên giúp chị “nhòm ngó” được những mảnh đất có tiềm năng. Còn chị bằng tài ngoại giao tháo vát, duyên dáng cũng môi giới được nhiều giá hời. Anh tung, chị hứng, cả hai tạo hành một cặp đôi hoàn hảo cả trên thương trường lẫn tình trường. Cơn sốt đất đai những năm 2009-2010 đã đem về cho anh chị món lợi nhuận khổng lồ. Tình yêu cũng tỷ lệ thuận với lợi nhuận. 

Sau khi cưới nhau, anh chị tiếp tục sát cánh bên nhau, cùng đầu tư và kinh doanh bất động sản. Để tiện việc huy động vốn, hai vợ chồng tách ra thành lập hai công ty. Vợ buôn đất còn chồng nhắm vào chung cư, mỗi người một khoảng trời rành mạch. Những tưởng “nước giếng không phạm nước sông” thì hai vợ chồng sẽ ổn thỏa, hạnh phúc. Nhưng bất đồng xảy ra khi thị trường “chung cư” của anh bị đóng băng, tụt giá. Anh mon men nhìn ngó vào khoảng sân của vợ, cũng hô hào đội ngũ nhân viên chuyển sang bất động sản. Anh còn lên giọng chỉ ra một loạt những “sai lầm” của vợ mà theo anh “nếu vào tay ông” thì thu lợi lớn lâu rồi. Chị chê anh liều lĩnh, rủi ro lớn. Anh phán chị “đàn bà trí ngắn, không biết nhìn xa trông rộng”. 

Thế là giữa anh chị xảy ra cuộc chạy đua ngấm ngầm. Anh mua mảnh đất, ngày mai chị mua mảnh to hơn. Chị bán ra hai đồng anh cũng cố gắng  đẩy giá lên hai đồng và 5 xu. Có lúc, chị còn phát hiện anh đã “đi cửa sau” để hớt tay trên một mảnh đất đã vào “quy hoạch” của chị. Tối đấy xảy ra cuộc tranh cãi lớn, chị gọi anh là đồ hèn hạ, còn anh cũng văng vào mặt chị đủ lời cục súc. Gia đình biến thành chiến trường sặc mùi tiền bạc. Hai đứa con nhỏ sợ hãi, hết nhìn bố lại nhìn mẹ. 

Còn trường hợp chị Lê Hồng và anh Phạm Khang (Khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa) - hai trí thức, lại khác. Anh chị đều là cán bộ nghiên cứu các vấn đề xã hội ở hai viện khác nhau. Hai anh chị luôn lấy nhau làm gương, cùng giúp nhau học tập, nghiên cứu. Khi chồng làm lên Phó Giáo sư thì vợ cũng nhoai nhể làm Tiến sĩ. Lúc chồng thành Giáo sư thì vợ cũng là Phó Giáo sư. Nhưng chính từ lúc đó, hai vợ chồng càng ngày càng nhiều mâu thuẫn. Mỗi vấn đề xã hội đều được hai vợ chồng đưa lên “mâm cơm” tranh cãi nảy lửa, mỗi người một quan điểm. Anh Khang chê vợ “đành hanh như con gà mái, không biết dịu dàng, không biết làm vợ”. Còn chị Hồng chê chồng gia trưởng, tụt hậu, không thức thời. Anh Khang lại chê vợ “Tiến sĩ vườn”, không thể hiểu biết bằng người đi nghiên cứu sinh bên Tây như anh. 

Một lần, chị Hồng phát hiện anh Khang đang làm đề tài nghiên cứu từ ý tưởng của chị. Thế là chị nộp đơn, kiến nghị với cơ quan chồng. Tuy anh Khang không bị cơ quan xử lý gì nhưng tình cảm hai vợ chồng sứt mẻ đến mức không thể hàn gắn, họ thống nhất ly thân, ai làm việc nấy. 

Dây chun kéo căng về hai phía

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết, khi hai vợ chồng cùng giỏi giang thì tính cách cũng sẽ mạnh mẽ tự tin, hiếu thắng và luôn cho rằng mình đúng. Họ thường đem chuyện làm ăn, kinh doanh lên bàn ăn, thậm chí vào phòng ngủ. Khi đó, gia đình rất dễ bị “châm ngòi nổ” để biến thành chiến trường. Trong khi, hôn nhân và gia đình cần có nghệ thuật mềm dẻo, cần có những câu chuyện tâm tình, chia sẻ tình cảm mới có thể thắt chặt được quan hệ .

Khi hai vợ chồng cùng kinh doanh, cùng thành đạt trong một lĩnh vực thì không khỏi “nhòm ngó” nhau. Chồng chỉ đạo vợ, vợ kiểm soát chồng, đồng thời dễ nảy sinh sự phê phán, chê trách nhau về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn. Chồng ỉ thế “làm chồng” nên hay lớn tiếng chê vợ “đàn bà trí ngắn”, không nhìn xa trông rộng. Điều này dễ chạm tự ái của những nữ trí thức lanh lợi, hoạt bát, tự chủ. Họ dễ “phản pháo” chồng bằng những luận điểm lạnh lùng, cứng nhắc. Chồng thấy vợ cứ “gân cổ cò” lên cãi lại, không chịu “tương kính như tân” thì cho rằng vị thế làm chồng của mình lung lay nên bực bội. Vợ thấy chồng liên tục phê phán mình thì cảm giác chồng không còn tin tưởng, tôn trọng nên cũng đau buồn, chua chát. 

TS. Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group) cho biết, cuộc chiến giữa hai vợ chồng giống như việc hai người cầm hai đầu một dây chun và kéo căng về hai phía. Nếu một bên nhường nhịn buông ra thì cả hai sẽ không ai bị đau. Nhưng nếu vì hiếu thắng mà kéo mãi thì dây chun đứt và cả nhà đều đau. Vì thế, nếu vợ chồng mà đối đầu với nhau “ăn thua” lấy được thì sẽ chẳng ai lợi lộc gì cả. 

Cũng có lúc, xung đột không chỉ vì các vấn đề đang tranh cãi, mà vì cảm xúc và trạng thái của người trong cuộc. Một người vợ cảm thấy tình yêu của chồng nhạt bớt, sự quan tâm với vợ con không còn nhiều thì cảm thấy bị đe dọa, bực bội và sẵn sàng gây chiến vì những lý do không đâu. Mà căn cớ dễ “nổi máu” nhất chính là lĩnh vực anh ta cho là sẵn có và là sở trường của anh ta. Rồi khi xâm phạm vào nghề nghiệp, vào niềm tự hào “đàn ông” thì cuộc chiến sẽ không có hồi kết thúc. Cuộc chiến mà cả hai cùng thua cuộc. 

Vợ chồng thành đạt có thể rất hiểu nhau nhưng đồng thời tính cách sẽ hiếu thắng, cố chấp, luôn cho rằng mình đúng, mình hay. Vì thế, muốn gia đình êm ấm thì mỗi người đều phải biết nhường nhịn, buông tay. Giữa cuộc tranh cãi, chỉ cần một người cười xoà, rút lui thì người kia cũng chẳng “thua đủ” nữa.