Cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma sẽ được đưa vào sách giáo khoa mới

ANTD.VN - Nhân 30 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, thầy giáo Trần Trung Hiếu, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ với Báo An ninh Thủ đô về sự kiện này dưới góc độ một nhà giáo dạy Lịch sử trong trường phổ thông.

“Với góc độ là giáo viên dạy sử đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước, tôi cho rằng, việc nhắc lại sự kiện này đối với học sinh là rất nên, rất cần thiết. Trong bối cảnh phức tạp lịch sử lúc bấy giờ và nhiều năm sau đó, vì nhiều lý do tế nhị mà sự kiện Gạc Ma không được các cơ quan truyền thông nhắc tới.

Trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử phổ thông hiện hành, vấn đề chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây - Nam được nhắc tới chưa nhiều, còn quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... lại không hề có 1 dòng nào!

Qua 25 năm công tác, tôi đã từng được dạy qua 2 bộ chương trình và nội dung SGK. Dù có những đổi mới, bổ sung, chỉnh sửa trong những lần tái bản, nhưng chương trình và SGK hiện hành vẫn chưa đề cập tới nhiều sự kiện liên quan đến việc Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam (như sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988...).

Hiện nay, những kiến thức như vậy thầy không phải dạy, trò không phải học và đương nhiên cũng không nằm trong phạm vi của các đề thi quốc gia.

Điều này khiến cho chính những đồng nghiệp dạy môn Sử phổ thông chúng tôi ở nhiều trường THPT, THCS, khi hỏi đến kiến thức này cũng rất mơ hồ. Nhắc đến các sự kiện và kiến thức như thế, tôi không hề né tránh mà cần nói rõ bản chất các sự kiện đó cho học trò của mình.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu cho rằng cần phải đưa sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa để thế hệ trẻ biết đến như bài học về bảo vệ chủ quyền đất nước

Tôi cho rằng, nếu né tránh những sự thật đó, tức là mình đã không hoàn thành trách nhiệm của một giáo viên Sử và cao hơn nữa, đó là như cảm thấy mình có lỗi trước lịch sử, trước các bậc tiền nhân và hậu thế và cả có lỗi với học trò!

Hơn nữa, khi nhắc lại sự kiện này, không phải chúng ta muốn khơi sâu nỗi đau trong nhân dân, khơi dậy mối thù hằn dân tộc, làm ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước ta với với các quốc gia láng giềng. Phương châm của tôi khi dạy Sử cho học trò của mình là không phải dạy những gì mình có, mà dạy những gì học trò muốn nghe, muốn biết và cần thiết.

Không cần phải liệt kê sự kiện, nhồi nhét kiến thức. Chỉ cần viết đúng, viết đủ và tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử. Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng, thuộc chủ quyền quốc gia dân tộc mà từ thời các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền và khai thác đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép suốt 30 năm.

Cũng chính từ sự kiện Gạc Ma, 30 năm qua, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm xương máu qua thực tế lịch sử của dân tộc khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày mà lợi ích các quốc gia luôn đan xen nhau cực kỳ phức tạp.

Từ sự kiện bi hùng từ Gạc Ma 30 năm trước, thêm một lần chúng ta phải khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế bao giờ cũng luôn song hành với nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi mong muốn học sinh được biết đến sự kiện này để thế hệ trẻ tri ân tới những chiến sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước và hiểu rõ nhiệm vụ còn hết sức khó khăn trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn ra nhiều biến đổi khó lường liên quan đến các cường quốc.

Từ đó, khi nhận thức sâu sắc nguyên nhân, bản chất và hệ quả của sự kiện này, thế hệ trẻ sẽ có ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm, vai trò của công dân trước sự đe dọa về vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia từ các cường quốc lân bang.

Trong thế giới đa chiều đan xen nhiều lợi ích ấy, một thành ngữ hiện đại được tất cả các quốc gia thừa nhận từ sự “sàng lọc” qua thực tiễn lịch sử là: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Điều cốt lõi là chúng ta cần hiểu rõ bạn - thù và phải luôn đặt lợi ích dân tộc lên trước hết.

Giá trị lớn nhất từ các sự kiện, kiến thức lịch sử là rút ra bài học lịch sử cho hiện tại và cho cả tương lai. Thế hệ đi sau cần phải biết, hiểu để tôn vinh, tưởng nhớ, biết ơn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chúng ta cần rút ra bài học từ sự kiện này để “dập tắt muôn đời chiến tranh”, để nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc luôn được sống trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Với quan điểm trên, từ góc độ là giáo viên Sử, tôi đã nhiều lần lên tiếng đề xuất đưa sự kiện này vào SGK mới. Tin vui sau 30 năm biến cố Gạc Ma là Chương trình giáo dục môn Lịch sử phổ thông mới sẽ chính thức đưa sự kiện này cũng như bổ sung đầy đủ hơn sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989)... vào chương trình giảng dạy môn Lịch sử với học sinh THCS và THPT.

Chương trình giáo dục môn Lịch sử hiện đang được lấy ý kiến chuyên gia và dự kiến sẽ được Bộ GD&ĐT công bố vào thời gian sớm nhất.