Cuộc chiến chống “thế giới ngầm”

ANTĐ - Cho dù công cuộc phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm và bạo lực trong xã hội tất cả các quốc gia trên thế giới đã đạt được nhiều thành công song đây vẫn là một cuộc chiến đầy cam go.

Cuộc chiến chống “thế giới ngầm” ảnh 1Cảnh sát Costa Rica truy bắt tội phạm có tổ chức ngay trên đường phố

Đại hội đồng LHQ khóa 69 ngày 25-2 đã tổ chức một phiên họp toàn thể ngay tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ) để thảo luận các biện pháp ngăn chặn tình trạng tội phạm và bạo lực, phục vụ công cuộc phát triển trên phạm vi toàn cầu. Đại sứ và đại diện của 193 quốc gia thành viên LHQ đã tham gia cuộc thảo luận chuyên đề này để đánh giá về tình hình tội phạm toàn cầu hiện nay cũng như tìm tiếng nói chung và giải pháp nhằm đối phó hiệu quả hơn với “thế giới ngầm”.

Phát biểu tại phiên họp, Giám đốc điều hành Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) Yury Fedotov cho biết, trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã khá thành công trong việc giảm bớt tình trạng tội phạm và bạo lực. Tuy nhiên, theo ông Fedotov, tại các quốc gia nghèo, nơi người dân có thu nhập thấp, số vụ giết người trong một thập kỷ qua lại tăng đáng kể, có nơi tăng tới 10%. 

Tính riêng trong năm 2013, số vụ giết người có chủ ý tại những quốc gia có thu nhập thấp cao hơn 2,5 lần so với những quốc gia khá giả về kinh tế. Theo người đứng đầu cơ quan chuyên trách về phòng chống tội phạm của LHQ, điều đó cho thấy luôn có mối quan hệ giữa đời sống kinh tế, mức độ phát triển của các quốc gia với tình trạng tội phạm.

Những đánh giá trên được đưa ra giữa lúc tình hình tội phạm toàn cầu vẫn rất phức tạp, bên cạnh những loại tội phạm truyền thống như cướp của giết người, buôn ma túy, buôn người… xuất hiện những loại tội phạm mới gây ra những tổn thất không hề nhỏ như tội phạm mạng, tội phạm môi trường… Trong khi Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cùng Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đánh giá tội phạm liên quan đến môi trường khiến thế giới thiệt hại tới 213 tỷ USD/năm thì các chuyên gia an ninh mạng ước tính tội phạm mạng gây thiệt hại tới 600 tỷ USD mỗi năm.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc điều hành UNODC cho rằng, giảm bớt tối đa tình trạng tội phạm, bạo lực, củng cố hệ thống pháp luật và tăng cường sức mạnh cho các cơ quan bảo vệ pháp luật... đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Chống tội phạm trước hết phải chặn đứng mọi biểu hiện bóc lột giữa người với người, toàn xã hội phải tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc chiến chống tham nhũng, tạo thêm công ăn việc làm, nhất là cho lớp trẻ, để giúp họ tránh xa các loại tệ nạn như nghiện hút và hoạt động bạo lực.

Ông Fedotov cho biết, UNODC sẽ sớm đề xuất các kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện những mục tiêu giảm bớt tội phạm, coi đây là những đóng góp thiết thực vào Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 của LHQ, trong đó đặc biệt chú ý tới bảo đảm công bằng và an ninh cho mọi xã hội, gắn với việc giảm bớt tình trạng tội phạm, đấu tranh chống nạn ma túy, khủng bố và tham nhũng trên phạm vi toàn cầu... LHQ cũng tổ chức hội nghị toàn cầu lần thứ 13 về tội phạm tại Thủ đô Doha của Qatar từ ngày 12 đến 19-4 tới nhằm trao đổi thông tin và các biện pháp phòng chống tội phạm giữa các quốc gia thành viên, hướng tới mục tiêu tất cả mọi người, dù sống ở bất cứ đâu, cũng luôn được sống trong bình yên, hạnh phúc.