Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Việt Nam

ANTĐ -Việt Nam là một điểm sáng với những tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống lại bệnh lao. Tuy nhiên việc cắt giảm các nguồn viện trợ trên hệ thống y tế các nước đang ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng chống lao tại đây.
Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Việt Nam ảnh 1

Ông Nguyễn Quang Thiều, 53 tuổi, đang chờ kết quả đọc phim X-Quang phổi của bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương. (Ảnh: Justin Mott)

Tại một bệnh viện thuộc địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), bác sĩ Bùi Xuân Hiệp, Trưởng phòng khám lao của bệnh viện rất tự hào đưa ra các sổ sách, ghi chép báo cáo và nói về công tác chống lao tại địa phương.

"Trung bình tỷ lệ điều trị khỏi của bệnh nhân lao tại quận Hoàng Mai là 90%", bác sĩ Hiệp cho biết, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Với mỗi 7 bệnh nhân được phát hiện mắc lao kháng đa thuốc thì có 4 người được chữa khỏi bệnh, 2 người tử vong - và một người "biến mất" (bỏ trị) không nắm được rõ tình hình.

Câu chuyện tương tự được lặp lại nhiều nơi trên khắp Việt Nam - quốc gia đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh lao, một trong những nơi có gánh nặng lớn về bệnh lao mà HIV không phải là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang đấu tranh quyết liệt để chiến thắng căn bệnh này. 

25 năm về trước, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả, mất mát từ cuộc chiến tranh trường kỳ, nạn đói nghèo hoành hành và chịu sự cô lập với nhiều quốc gia trên Thế giới, tại thời điểm đó, có gần 600 người mắc bệnh lao trong 100.000 người dân. Còn ngày hôm nay, con số này đã giảm xuống ít hơn 200 người mắc lao trong 100.000 người dân.

Tỷ lệ điều trị khỏi của bệnh nhân lao thường tại Việt Nam là 90% và 75% đối với bệnh nhân lao kháng đa thuốc - vượt trội so với tỷ lệ trung bình của toàn cầu (50%).

Hiện nay, công tác chống lao trên toàn cầu đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số trường hợp tử vong do lao đã giảm mạnh so với năm 2000. Bệnh lao đã được ngăn chặn và giảm đi một nửa tại 16 trên tổng số 22 nước có gánh nặng về lao, chiếm phần lớn số bệnh nhân lao trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Ban Ki-Moon - Tổng thư ký Liên Hiệp quốc cảnh báo, cuộc chiến với căn bệnh lao chúng ta mới chỉ "chiến thắng được một nửa chặng đường". Ước tính trên toàn cầu có khoảng 1,5 triệu người tử vong do lao mỗi năm.

Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Việt Nam ảnh 2

Ảnh trái: Một nhân viên phòng xét nghiệm đang vận hành thực hiện kiểm tra kết quả trên máy nuôi cấy BACTEC 960 để xác định chủng cụ thể của vi khuẩn lao. Ảnh phải: Hình ảnh bác sĩ đi giữa các khoa, phòng của Bệnh viện Phổi Trung ương.

Việt Nam là ví dụ điển hình thành công trong cuộc chiến chống lại bệnh lao

Các phòng bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ lan truyền chủng vi khuẩn lao kháng thuốc. Những bệnh nhân lao thuộc nhóm dễ tiếp cận dịch vụ y tế đã và đang được phát hiện và điều trị, tuy nhiên, số còn lại là thuộc nhóm khó tiếp cận: rất khó để kiểm soát lao trong người lao động, người nghiện ma túy gần khu vực Tam Giác Vàng, và các làng, bản khu vực miền núi, nơi phần lớn người dân không nói được tiếng Kinh và rất khó khăn trong việc tiếp cận hệ thông y tế.

Trở ngại lớn nhất tại Việt Nam đó chính là nguồn lực kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống lao đang ngày một cạn kiệt.

"Chương trình chống lao tại Việt Nam có hiệu quả kinh tế cao và đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng tôi luôn nhấn mạnh rằng đó mới chỉ là kết quả bước đầu, chúng tôi cần duy trì tính bền vững trước khi có thắng lợi cuối cùng!", PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết.

Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó là giảm tỷ lệ mắc lao xuống còn 20 trường hợp mắc lao trên tổng số 100.000 người –cơ bản thanh toán để bệnh lao không còn là một vấn đề y tế công cộng thì Chương trình chống lao sẽ cần phải có ít nhất 66 triệu USD mỗi năm. Hiện nay, kinh phí hiện tai của Chương trình là khoảng 26 triệu USD một năm. Có khoảng 19 triệu USD là viện trợ của các tổ chức quốc tế, với hơn 1/3 trong số đó đến từ Mỹ. PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

Viện trợ của các tổ chức có thể thấy được ở khắp nơi.

Các máy móc/thiết bị chẩn đoán hiện đại tại các phòng xét nghiệm của Bệnh viện Phổi Trung ương được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hoặc từ nguồn Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, lao, sốt rét. Trong đó 30% nguồn tài trợ đến từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Quỹ Toàn cầu – nhà tài trợ chính cho công tác phòng chống lao tại Việt Nam mới chỉ cam kết viện trợ cho đến hết năm 2017. Về phía Hoa Kỳ, trong ngân sách đề xuất cho năm tài chính 2016 cũng cắt giảm 18% ngân sách đóng góp cho Quỹ toàn cầu và giảm 19% ngân sách cho chương trình chống lao của USAID.

Các cán bộ ở đây cũng như WHO đang lo ngại rằng những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống lại bệnh lao có thể sẽ bị đảo ngược và những thành tựu chúng ta đã và đang xây dựng có thể sẽ tan vỡ với những hậu quả khó lường.

Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Việt Nam ảnh 3

Bệnh nhân và người nhà mua thuốc tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. (Ảnh: Justin Mott)

BỆNH LAO - HIỂM HỌA TỪ XA XƯA ĐANG DẦN QUAY TRỞ LẠI

Sau nhiều năm "núp sau bóng tối" của đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao đang dần trở lại và hiển nhiên trở thành một trong những kẻ giết người lớn nhất trên toàn cầu: Vi khuẩn lao trong không khí có thể dễ dàng lây lan nơi đông người tụ tập – tại trại giam, trên tàu bè, nơi hầm mỏ, các khu nhà ổ chuột,… Vi khuẩn lao sau khi được hít vào phổi, sẽ phát triển, dần phá hoại các mô, tế bào cho đến khi người bệnh có biểu hiện ho ra máu.

Theo Tổ chức y tế Thế giới, hiện nay, tử vong do bệnh lao còn cao hơn cả số tử vong do HIV/AIDS (theo số liệu WHO: 4.100 trường hợp tử vong do lao trong một ngày so với 3.300 ca tử vong do AIDS). Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh nhiễm trùng. Tỷ lệ tử vong do mắc lao và HIV đều đang có chiều hướng suy giảm, tuy nhiên số lượng tử vong do lao giảm rất chậm, đặc biệt ở khu vực Châu Á.

Tiến sĩ Mario C. Raviglione - Giám đốc Chương trình Chống lao toàn cầu của WHO cho biết: "Việt Nam đã có những thành công nhất định khi mà nhiều quốc gia khác chưa thực hiện được tốt, thành công này không chỉ là vai trò của các nguồn quỹ viện trợ. Việt Nam thành công bởi vì đây là một nước cộng sản",. Tiến sĩ Mario lý giải: "Các quốc gia xã hội chủ nghĩa huy động được nhiều nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe ban đầu: Rất nhiều bác sỹ; rất nhiều cơ sở y tế, phòng khám. Và một khi chính quyền Trung ương đã thông qua và phê duyệt thì họ sẽ bắt tay vào thực hiện ngay. Họ đưa ra các chỉ dẫn, mệnh lệnh rõ ràng."

Phương pháp để tiếp cận bệnh lao tốt nhất là điều trị theo phác đồ

Phần lớn các bệnh nhân lao thường - không mắc lao kháng thuốc đều có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn nếu họ tuân thủ phác đồ điều trị chuẩn kéo dài 6 tháng với đơn thuốc 4 loại kháng sinh hàng ngày.

Tại Việt Nam, phác đồ điều trị chuẩn được hướng dẫn từ cấp Trung ương tới tất cả các cấp của hệ thống y tế. Bệnh viện Phổi Trung ương giám sát việc thực hiện tại tuyến tỉnh của 64 tỉnh thành; tuyến tỉnh giám sát triển khai trên 845 bệnh viện quận huyện và tuyến huyện giám sát triển khai ở  11.065 trạm y tế xã và khu vực.

Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Việt Nam ảnh 4

Ảnh trái: Một kỹ thuật viên Khoa Vi sinh và Labo lao chuẩn Quốc gia, BV Phổi Trung ương đang phân loại các mẫu đờm. Ảnh phải: Chiếc đồng hồ do tổ chức CDC trao tặng cho Bệnh viện Phổi Trung ương. (Ảnh: Justin Mott)

Chuỗi cung ứng thuốc chống lao; gót chân “Asin” của nhiều quốc gia, được triển khai rất tốt tại Việt Nam. Trong một tuần đi thăm các phòng khám ở thành thị hay nông thôn, không có bệnh nhân hay y tá nào thông báo xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị lao.

Tại các trạm y tế xã phường, chỉ có một vài phòng nhỏ để khám bệnh, một tủ thuốc nhỏ cho bệnh nhân và một khu đỗ xe – khá phổ biến như các đồn cảnh sát, trạm cứu hỏa tại Hoa Kỳ.

Trạm y tế xã điều trị khá nhiều loại bệnh, nhưng vai trò của họ đối với điều trị bệnh nhân lao khá đơn giản: Các bệnh nhân lao hàng ngày đến lĩnh và uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của các y tá. Mỗi liều thuốc đã uống sẽ được y tá đánh dấu vào một thẻ màu vàng.

"Phần lớn các bệnh nhân tuân thủ điều trị và không có phàn nàn gì", một bác sĩ chia sẻ.

Khi nhiều quốc gia nghèo trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh lao, thì Việt Nam, cũng là một nước nghèo, đang làm rất tốt.

Trong công viên, cây cối được cắt tỉa gọn gàng, phòng vệ sinh công cộng sạch sẽ và cảnh sát có mặt nhiều nơi.

"Tuy nhiên, có một số bệnh nhân không tuân thủ quy trình uống thuốc đầy đủ và rất khó để thuyết phục họ" - Bác sĩ Hiệp đã kể về trường hợp một bệnh nhân nghiện heroin lây nhiễm lao kháng thuốc cho chính mẹ của mình nhưng đã bỏ trốn không điều trị.

Bên cạnh đó vẫn còn một số thiếu hụt về vấn đề cách ly bệnh nhân lao tại Việt Nam. Thời điểm những năm 1990 khi dịch lao kháng thuốc bùng phát ở thành phố New York, các cơ quan chức trách đã ra lệnh giam giữ các bệnh nhân lao kháng thuốc trong trường hợp họ từ chối hay không uống thuốc chống lao. Vì vậy rất hiếm có bệnh nhân không tuân thủ điều trị và do đó không có sự đe dọa lớn về lây lan trong cộng đồng.

"Nhưng ở Việt Nam thì chúng tôi không thể làm được điều tương tự. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không đủ chỗ để điều trị cho những bệnh nhân mong muốn được ở lại điều trị tại bệnh viện" - Bác sĩ Lê Minh Hòa - Trưởng khoa Nội II tại BV Phổi Hà Nội cho biết. Hơn nữa, việc giúp đỡ các bệnh nhân mắc lao kháng thuốc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh nhân phải dùng thuốc trong suốt 2 năm, một số loại thuốc phải tiêm, truyền, thuốc có một số tác dụng phụ có thể xảy ra như điếc, rối loạn tâm thần và suy thận. Bệnh nhân phải nằm viện điều trị trong một không gian chật hẹp, thậm chí nằm viện hàng tháng, đến khi không còn ho khạc ra vi khuẩn lao.

Các phòng bệnh đầy các bệnh nhân lom khom, cô độc trong bộ quần áo pajama, chờ đợi đến khi được thông báo sức khỏe ổn định để có thể xuất viện về nhà và điều trị ngoại trú tại bệnh viện quận/huyện.

Nếu tình trạng bệnh ngày càng trở nên tồi tệ hơn thay vì tiến triển tốt, tiên lượng của bệnh nhân sẽ rất nặng nề. Bệnh lao siêu kháng thuốc sẽ phải uống thuốc có độc tính cao hơn với chi phí điều trị cao hơn đến 25 lần. Một thực tế buồn đó là đa số các bệnh nhân mắc lao siêu kháng thuốc đều tử vong.

Chị Phạm Thị Tuy - 25 tuổi, là một nhân viên y tế đã không may phơi nhiễm lao kháng thuốc. Phải điều trị 2 năm tại bệnh viện, cô tỏ ra khá mệt mỏi vì ảnh hưởng của thuốc cũng như việc cả ngày chỉ xem phim và điện thoại di động tại giường bệnh.

"Tôi chỉ đến bệnh viện khám khi thấy đau tai và mãi không khỏi, cho đến khi được xét nghiệm và kết luận là tôi đã bị mắc lao" –  chị Tuy cho biết.

Chị Tuy tâm sự và hy vọng người chồng sắp cưới sẽ chờ đợi chị cho đến khi khỏi bệnh, sức khỏe hồi phục hoàn toàn. Cô đột nhiên nhìn bác sỹ Hòa: 

"Biết đến khi nào tôi có thể khỏi bệnh và liệu tôi vẫn có thể có con như bình thường được không?"

Bác sĩ Hòa đáp lại ân cần: "Có! Em hoàn toàn có thể có con như bình thường". Chị Tuy như được xoa dịu nỗi lòng và nở nụ cười lạc quan ẩn sau chiếc khẩu trang y tế.

Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Việt Nam ảnh 5

Bác sĩ Hoàng Thị Phượng – Trưởng khoa Lao hô hấp, BV Phổi Trung ương khám cho bệnh nhân Lê Thùy Linh (trái) 16 tuổi và bệnh nhân Đỗ Bích Ngọc 29 tuổi. Cả hai đều ở Hà Nội và mắc lao phổi. (Ảnh: Justin Mott)
HẠN CHẾ VỀ NGUỒN LỰC

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy hiện Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam đang hoạt động với nguồn ngân sách eo hẹp.

Trong khi các phòng thí nghiệm cần được đầu tư trang thiết bị hiện đại, trên 64 bệnh viện tuyến tỉnh chỉ có 60 máy chẩn đoán nhanh, tức là chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu. Giá mỗi chiếc máy được nhập về Việt Nam chỉ là 17.000 USD, bằng 1/10 giá bán lẻ tại Mỹ. 

Đáng lo ngại hơn là tình trạng quá tải tại bệnh viện. Con số 07 bệnh nhân một phòng không phải là cảnh hiếm thấy tại bệnh viện. Có nghĩa là mỗi phòng bệnh sẽ có đến 14 người. Cảnh tượng người nhà bệnh nhân phải ngủ trên sàn nhà, hành lang để chăm lo cho người thân rất phổ biến. Bên cạnh đó, cửa sổ và cửa ra vào đều được mở để không khí lưu thông, khi bệnh nhân mắc lao ho, vi khuẩn sẽ có khả năng lây lan trong không khí. Trong tiết trời lạnh giá tại Hà Nội, nhiều bệnh nhân như bà Phạm mặc áo khoác trùm đầu ở trên giường; còn tại thành phố Hồ Chí Minh, người bệnh đổ mồ hôi trong cái nóng oi bức.

Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy, Phó trưởng khoa Lao Hô hấp tại Bệnh viện Bệnh Phổi Trung ương, cho biết, trong 5 năm qua, tại khoa đã có 04 y tá nhiễm lao. Tiến sĩ Thúy đã bày tỏ mong muốn của mình về việc bệnh viện cung cấp các bộ lọc không khí ôzôn, quạt gió và mặt nạ tốt hơn tuy nhiên vì nguồn ngân sách eo hẹp nên không đáp ứng được được đầy đủ nhu cầu của y, bác sĩ.

Cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Việt Nam ảnh 6

Hình ảnh Bác sĩ Hoàng kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Lê Văn Khuyên, 60 tuổi đến từ Thanh Hóa và mắc lao phổi. (Ảnh: Justin Mott)
Công tác chống lao tại các vùng sâu vùng xa ở Việt Nam còn gặp khá nhiều khó khăn. Tại tỉnh Sơn La, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chỉ nói tiếng H'Mong, ay tiếng Thái.

Theo bác sĩ Tống Văn Hiếu, Trưởng trạm y tế phường Quyết Thắng, tỉnh Sơn La, thì việc tìm kiếm và điều trị cho bệnh nhân vùng sâu vùng xa là rất khó khăn. Do trình độ dân trí thấp, một số người lại tin nguyên nhân mắc bệnh lao là do ảnh hưởng của sương mù hay bụi, khói mỏ vàng nên chỉ dùng các bài thuốc dân gian để điều trị.

Còn ở các thành phố lớn, một số bệnh nhân có thu nhập tài chính cao có xu hướng đến khám tại các bệnh viện tư để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên những bác sĩ tại đây thường bỏ qua bốn loại thuốc lao phổ thông và không giám sát chặt chẽ quá trình điều trị, uống thuốc của người bệnh. Dược sĩ bán thuốc kháng sinh không có đơn kê của bác sĩ, vì vậy một số bệnh nhân chỉ uống thuốc khi họ thấy cần phải uống. Kết quả theo như Bác sỹ Nguyễn Ngọc Phát, Trưởng phòng khám tại một quận huyện tại TP.HCM cho biết: Khoảng 1/3 ba số bệnh nhân của ông đã bị kháng thuốc bởi vì họ đã khám chữa lao tại phòng khám tư uống thuốc quá ít, sai liều, hoặc dùng không đúng thuốc. Một số trường hợp ngay cả khi bệnh nhân tuân thủ theo phương thức điều trị vẫn bị kháng thuốc.

Ông Hoàng Văn Toàn, một người nông dân nhiễm lao phổi trông tiều tụy hơn nhiều so với tuổi 49, đang ngồi co quắp trong một tấm chăn tại giường bệnh của bệnh viện Bệnh Phổi Hà Nội. Ông đã uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh vẫn chưa khỏi hoàn toàn. Căn phòng trống trơn, không có truyền hình hay bất kỳ phương tiện thông tin nào khác. "Tôi chỉ nói chuyện với vợ tôi," ông nói rồi hất đầu hướng về phía người phụ nữ đang ngồi trên chiếc giường tạm trống đối diện.

"Mỗi ngày tôi đều dành 3 tiếng để đi bộ trước lúc bình minh". Ông nói thêm, chỉ tay ra ngoài cửa sổ một công viên gần đó. Khi được hỏi về việc bắt buộc phải đeo khẩu trang khi giao tiếp với người thân xung quanh, ông hóm hỉnh đáp: “Mình có bệnh thì phải đeo. Tôi thấy hàng ngàn người đi xe máy đều đeo khẩu trang kìa!"

“Điều gì làm ông buồn nhất khi biết mình mắc lao?”

Ông suy nghĩ một hồi rồi trăn trở: “Căn bệnh này vẫn còn nguy hiểm quá, tôi chỉ lo cho con cháu của mình khi đến thăm thôi...”

“Liệu ông có tin chắc mình sẽ chữa khỏi bệnh lao không?”

Ông trả lời rất dứt khoát: "Có chứ! Vì tôi là một người lính Việt Nam! Tôi đã từng chiến đấu với rất nhiều kẻ thù nên không có lý do gì để tôi có thể đầu hàng căn bệnh này!"