Cuộc chiến chống kỳ thị

ANTĐ - Cuộc chiến chống lại “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS đang đạt được những tiến triển đáng khích lệ song cuộc chiến chống lại sự kỳ thị đối với những người “có HIV” xem ra vẫn còn vô vàn khó khăn.

Biểu tình đòi tăng cường sự hỗ trợ để chống lại HIV/AIDS nhân Hội nghị quốc tế 

về căn bệnh này tại Washington

Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 19 về HIV/AIDS đang diễn ra từ ngày 22 đến 27-7 ở Thủ đô Washington của Mỹ, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã lên tiếng cảnh báo rằng, bất chấp các nỗ lực chống kỳ thị, tình trạng phân biệt đối xử và sỉ nhục người nhiễm HIV vẫn phổ biến trên toàn cầu. Thực tế đáng buồn này, theo ILO, đã khiến HIV vẫn tiếp tục là trở ngại lớn đối với an ninh và việc làm của người lao động mắc căn bệnh thế kỷ.

Bên cạnh cảnh báo của ILO, Mạng lưới toàn cầu những người nhiễm HIV (GNP+) đã công bố một báo cáo cho biết hiện hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động trên thế giới bị nhiễm HIV đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nặng nề. Đó có thể là việc bị ngăn chặn hoặc bị hạn chế tiếp cận các cơ hội việc làm, bị phủ nhận quyền tham gia thị trường lao động, bị buộc phải thay đổi việc làm, bị phủ nhận việc thăng tiến nghề nghiệp hay thậm chí bị sa thải hoặc không được tiếp cận các cơ hội đào tạo và nâng cao tay nghề...

Báo cáo của GNP+ dẫn ra những số liệu điều tra cho thấy, 45% số người nhiễm HIV ở Nigeria bị mất việc làm, 27% bị từ chối cơ hội việc làm trong vòng 12 tháng kể từ khi họ bị phát hiện nhiễm HIV. Cũng theo GNP+, 28% người nhiễm HIV ở Kenia buộc phải thay đổi việc làm hoặc bị từ chối các cơ hội thăng tiến; 54% trong giới chủ công ty, xí nghiệp… và 54% người cùng làm việc ở Malaysia có phân biệt đối xử và lăng mạ với người lao động bị nhiễm HIV khi phát hiện họ nhiễm HIV.

Trong báo cáo của mình, GNP+ đã nhấn mạnh tới những hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng của việc phân biệt đối xử với người lao động nhiễm HIV. Chia sẻ với GNP+, ILO cũng khẳng định phủ nhận các quyền này của người lao động nhiễm HIV không đem lại lợi ích cho thế giới việc làm mà còn phá hoại nguồn vốn xã hội, gây tác hại không kể xiết đối với các cá nhân và gây bất ổn định các gia đình, cộng đồng, giới kinh doanh và nền kinh tế quốc gia. 

Không chỉ có vậy, hiện vẫn còn 46 quốc gia trên thế giới cấm khách du lịch quốc tế “có HIV” nhập cảnh. Ngay Mỹ, nơi đang diễn ra Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS tại Thủ đô Washington, cũng mới chỉ bãi bỏ luật cấm những người bị nhiễm HIV du lịch đến nước này hồi năm 2009. 

Tình trạng phân biệt và kỳ thị với những người nhiễm HIV còn quá nặng nề đã phần nào làm dấy lên những câu hỏi đối với tiến triển mà cả thế giới đạt được trong cuộc chiến chống lại “căn bệnh thế kỷ” như số ca nhiễm HIV mới  năm 2011 đã giảm 21% so với năm 1997. Bởi thế, bên cạnh mục tiêu giảm mạnh số ca nhiễm HIV mới vào năm 2015, cộng đồng quốc tế cũng nhấn mạnh tới việc phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, trong đó có người lao động nhiễm HIV.

Nhằm bảo vệ quyền của người nhiễm HIV tại nơi làm việc, GNP+ kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của ILO đưa ra năm 2010 về HIV/AIDS và thế giới việc làm, một công cụ quốc tế đầu tiên bảo vệ quyền con người của người nhiễm HIV. Kế hoạch này yêu cầu các nước không phân biệt đối xử hoặc có hành động sỉ nhục đối với người nhiễm HIV trong các điều kiện và thời hạn hợp đồng làm việc cũng như quyền giữ nguyên việc làm hoặc nghề nghiệp.