Cuộc chiến chống IS và những thách thức

ANTĐ - Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo chí Pháp, liên minh quốc tế chống IS không có tầm nhìn chính trị và ngoại giao thực sự. Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu sự hợp tác của các “nước lớn” trong khu vực khi rất ít quốc gia trong khu vực cam kết hỗ trợ liên minh chống IS.
Cuộc chiến chống IS và những thách thức ảnh 1

Máy bay của liên minh tiến hành không kích các mục tiêu IS

Liên minh chưa đủ khả năng tiêu diệt IS

Tính đến thời điểm hiện nay, liên minh quốc tế đã thực hiện gần 10.000 cuộc không kích (riêng Pháp thực hiện hơn 200 cuộc) nhằm vào các mục tiêu IS, nhưng vẫn chưa thể dập tắt những hoạt động của các lực lượng thánh chiến cực đoan hiện đóng quân cách Thủ đô    Damascus của Syria khoảng 200km.

Điều trớ trêu và đáng ngại là trong khi liên minh này tăng cường các đợt tấn công nhằm vào những cơ sở của IS thì hoạt động khủng bố của lực lượng này lại tăng lên khoảng 33%. Nhiều chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công của liên minh chỉ đủ để ngăn chặn sự lớn mạnh và phát triển của IS, chứ chưa đủ để kết thúc cuộc chiến. 

 Trong khi đó, khả năng liên minh gia tăng các cuộc tấn công là rất ít vì Mỹ, nước đứng đầu liên minh, đã loại trừ bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược. Điều này có nghĩa là liên minh sẽ vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích, đào tạo và trang bị cho các lực lượng Chính phủ và địa phương, chứ không có thêm bất kỳ chiến lược mới nào, như điều động bộ binh tham gia tấn công IS.

Việc huy động quân đội Iraq tham chiến là một trong những điểm mấu chốt tại một hội nghị của liên minh quốc tế diễn ra ở Paris hồi đầu tháng 6 vừa qua. Chính Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng đã chỉ ra rằng nguyên nhân thất bại của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có IS, là do thiếu sự hỗ trợ của quân đội Iraq. Bên cạnh đó, liên minh chống IS cũng phải đối mặt với nhiệm vụ “chấm dứt trò chơi hai mặt” của một số quốc gia.

Trong vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên cần nói đến. Ngày 24-7, Ankara đã tiến hành “chiến tranh chống khủng bố” bằng máy bay oanh tạc nhằm vào IS trên lãnh thổ Syria, nhưng đồng thời cũng nhằm vào các phiến quân người Kurd. Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để tấn công các lực lượng đối lập với Chính phủ hiện tại. Ngoài ra, một số quốc gia vùng Vịnh đang hỗ trợ Mặt trận Al-Nusra, một nhánh của al-Qaeda ở Syria.

Đây là một phần của lực lượng mới nổi lên ở Syria chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và IS. Tổ chức này được hỗ trợ bởi Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, các quốc gia này đã “chơi trò hai mặt” trong cuộc chiến chống IS và chỉ làm cho tình hình khu vực thêm rắc rối.

Tranh luận về chiến dịch không kích IS

Mỹ, Canada và các đồng minh Trung Đông gồm Bahrain, Saudi Arabia, Jordan và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria trong nhiều tháng qua, và mới đây Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập liên minh này. Đến nay, Pháp, Anh, Australia, Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan mới chỉ tiến hành không kích ở Iraq, nơi mà chính quyền Baghdad đã yêu cầu giúp đỡ để đối phó với các cuộc tấn công của IS, bởi họ lo ngại rằng việc tấn công IS ở Syria cuối cùng sẽ có lợi cho chính quyền al-Assad.  

 Trong bối cảnh đó, các nghị sĩ Pháp đang tranh cãi về quyết định tham gia chiến dịch không kích quân sự ở Syria, nêu lên nhiều câu hỏi mới liên quan đến thời điểm chiến dịch ném bom do Mỹ dẫn đầu nhằm vào IS sẽ kết thúc. Các nhà lãnh đạo Anh, Australia và Bỉ cũng đang xem xét mở rộng các cuộc không kích đang được tiến hành ở Iraq sang Syria, nhưng những người chỉ trích ở tất cả các nước đều đặt câu hỏi về mục đích của đề xuất mở rộng một chiến dịch vốn đã thất bại trong việc ngăn chặn bước tiến của tổ chức cực đoan này. 

Các máy bay do thám của Pháp đã bắt đầu hoạt động ở Syria từ tuần trước, và theo lời của Tổng thống Pháp Francois Hollande, các cuộc không kích tại Syria sẽ nhanh chóng được tiến hành sau đó. Cuộc tranh luận ở Quốc hội hôm 15-9 không phải bàn về yêu cầu được phép tiến hành không kích tại Syria, bởi Chính phủ Pháp không cần sự thông qua của Quốc hội, mà là cơ hội để Pháp giải thích về quyết định này trước những người hoài nghi.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng Pháp sẽ “tự mình” quyết định về các mục tiêu nhắm đến. Ông biện minh quyết định can thiệp vào Syria là “hành động tự vệ” trước chủ nghĩa khủng bố. Năm 2015, Pháp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công đẫm máu có liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài. 

 Tuy nhiên, phe bảo thủ đối lập ở Pháp cũng cảnh báo rằng các cuộc không kích sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình thực địa. Ông Christian Jacob, người đứng đầu phe bảo thủ ở Hạ viện Pháp, nhấn mạnh: “Liệu một chiến dịch không kích, mà không có sự tham gia của cường quốc nào trong khu vực và không có sự ủy thác quốc tế, có mang lại lợi thế về chiến lược hay không? Hiển nhiên là chúng tôi không nghĩ vậy”. 

Mặc dù vậy, Thủ tướng Manuel Valls đã bác bỏ bất kỳ hành động can thiệp nào trên bộ. Ông nói: “Bài học ở Iraq và Afghanistan đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta sẽ cần huy động tới hàng chục nghìn quân, những người sau đó sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm lớn hơn. Và đây chính là cái bẫy bất ngờ mà các phần tử thánh chiến dành cho chúng ta, đó là: buộc chúng ta phải can thiệp trên chiến trường để rồi bị sa lầy”.

Hiện vẫn chưa rõ là các nước mới tham gia vào danh sách liên minh không kích chống IS sẽ thay đổi tình hình như thế nào khi chiến dịch này vẫn chưa thể ngăn IS mở rộng việc chiếm đóng lãnh thổ ở Syria. Ông Claude Moniquet, cựu nhân viên tình báo Pháp, nhận định: “Cuộc chiến sẽ không thắng lợi trên không. Không ai muốn can dự vào cuộc chiến trên bộ ở Syria và Iraq bởi nó sẽ khiến chúng ta bị tổn thất lớn và không ai muốn chịu trách nhiệm về những túi đựng thi thể được mang về nước”. 

Cuộc chiến chống IS và những thách thức ảnh 2

Châu Âu đang đứng trước nguy cơ lớn hơn từ các kẻ ủng hộ IS trà trộn vào dòng
người tị nạn

Châu Âu lo ngại IS trà trộn vào người tị nạn

Một thách thức khác liên quan cuộc chiến chống IS là một số tay súng của tổ chức này đã tháo bỏ trang phục của những kẻ thánh chiến để hòa vào dòng người tị nạn Syria tràn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, số người di tản từ Syria và Iraq tới châu Âu đã tăng vọt và châu Âu đã từ chối tiếp nhận thêm người tị nạn bởi họ lo sợ có “những kẻ khủng bố cải trang” trong số đó.

Chính phủ các nước dọc hai bên tuyến đường này có những đánh giá khác nhau về mối đe dọa trên. Hai quan chức cấp cao Iraq và một nhà hoạt động chính trị Syria nói rằng một nhóm nhỏ các phần tử cực đoan IS tinh nhuệ được cho là đã rời vùng chiến sự ở Iraq và Syria để hòa vào dòng người tị nạn trong những tuần gần đây. 

Các quan chức tình báo ở Pháp và Đức bày tỏ nghi ngờ, và nói rằng họ không có bằng chứng cụ thể nào. Ngày 14-9, công ty tư vấn an ninh Soufan Group nói rằng việc các tay súng IS trà trộn vào dòng người di cư là có thể xảy ra song mức độ nhiều đến đâu vẫn chưa rõ. Sự hỗn loạn trong quy trình tiếp nhận người tị nạn ở châu Âu đã làm gia tăng mối lo ngại, mặc dù các chuyên gia an ninh nói rằng châu Âu đang đứng trước nguy cơ lớn hơn từ các kẻ ủng hộ IS trong nước có trong tay các giấy tờ đi lại và phương tiện hợp pháp để lên kế hoạch cho một cuộc tấn công.

Lãnh đạo các nước phản đối việc tiếp nhận người tị nạn vẫn thường viện dẫn mối lo ngại này như một trong những lý do chính dẫn tới quyết định của họ.  Các quan chức tình báo Mỹ cũng lo ngại rằng sự phản ứng thiếu tổ chức của châu Âu sẽ cho phép các kẻ khủng bố “lách” quy trình kiểm tra. Một quan chức tình báo cấp cao Iraq nói rằng 20 tay súng IS từ Syria và Iraq, được đào tạo và tuyển chọn bởi các đặc vụ IS cấp cao, được cho là đã thâm nhập châu Âu trong những tuần gần đây để lên kế hoạch tấn công.