“Cuộc chiến” chống đại dịch ở Philippines: Sai một ly, đi một dặm!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với hơn nửa triệu ca mắc và gần 12.000 ca tử vong vì Covid-19, Philippines được đánh giá là có những bước đi sai lầm trong kiềm chế đại dịch. Ngoài việc triển khai chậm chạp các chương trình thử nghiệm, truy vết và kiểm dịch, những thiếu sót trong chỉ đạo cũng góp phần dẫn đến tình trạng dịch bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.

Sau khi Philippines ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì Covid-19 vào ngày 1-2 năm ngoái, Tổng thống Rodrigo Duterte đã trấn an người dân Philippines: “Mọi thứ đều tốt… thực sự không có gì phải sợ hãi về dịch bệnh này”. Nạn nhân đầu tiên ấy là một người đàn ông 44 tuổi đến từ Vũ Hán, thành phố Trung Quốc. Vào thời điểm đó, nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật Bản và Australia đã đóng cửa hoặc sắp đóng cửa biên giới của họ đối với những người đến từ Trung Quốc, nhưng ông Duterte vẫn chế giễu những lời kêu gọi ông làm điều tương tự. Một năm sau, Philippines và dân số 108 triệu người vẫn đang phải vật lộn để đối phó với tỷ lệ lây nhiễm gia tăng và kinh tế bị tàn phá, mặc dù Vùng Thủ đô Manila là một trong những khu vực bị phong tỏa chặt nhất và lâu nhất trên thế giới.

Nhân viên y tế Philippines diễn tập cấp cứu trong tình huống bệnh nhân phản ứng bất lợi sau khi tiêm vaccine Covid-19

Nhân viên y tế Philippines diễn tập cấp cứu trong tình huống bệnh nhân phản ứng bất lợi sau khi tiêm vaccine Covid-19

Lý do luôn “chậm và muộn”

Trong khi các quốc gia khác - bao gồm cả các nước láng giềng châu Á của Philippines là Singapore và Indonesia, đã chạy đua để tiêm chủng cho người dân thì Manila vẫn đang gặp khó khăn trong việc cung cấp vaccine. Gần đây, các thượng nghị sĩ đã liên tục đặt câu hỏi tại sao Chính phủ không thể nói rõ khi nào sẽ bắt đầu tiêm chủng. Đài truyền hình địa phương News5 TV đưa tin rằng, trong cuộc họp với các quan chức tuần trước, thậm chí ông Duterte có vẻ bối rối không biết khi nào vaccine sẽ được nhập về.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 17-2, cựu thư ký của Tổng thống về kế hoạch kinh tế xã hội Ernesto Pernia, người đã từ chức vào tháng 4-2020, bày tỏ sự thất vọng của mình về sự chậm chạp của Chính phủ trong xử lý đại dịch. “Lẽ ra chúng ta phải quyết liệt từ sớm nhất là vào tháng 2 như Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu chống dịch vào tháng 3, nên luôn muộn và chậm”, ông Ernesto Pernia nói.

Năm ngoái, ông Duterte đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 dưới quyền của Bộ trưởng Y tế, nhưng biên chế của lực lượng này là một số cựu tướng lĩnh thay vì các chuyên gia y tế. Ông cũng đã bổ nhiệm các sĩ quan quân đội, lãnh đạo các bộ phận ứng phó với đại dịch.

Tiến sĩ Anthony Leachon, cựu cố vấn cấp cao của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Tổng thống Duterte cho biết, chính phủ đã mất quá nhiều thời gian để thực hiện các lệnh cấm đi lại và thiết lập các cơ sở xét nghiệm, cách ly. Sau đó, họ rơi vào tình trạng không đủ dụng cụ xét nghiệm, việc truy vết cũng hạn chế. Ông Leachon, người đã bị sa thải năm ngoái, giải thích rằng mục tiêu của bất kỳ Chính phủ nào trong đại dịch là “làm phẳng đường cong”, tức là làm chậm tốc độ lây nhiễm để ngăn chặn hệ thống y tế của đất nước rơi vào cảnh quá tải. “Để làm phẳng đường cong, bạn cần phải thiết lập các cơ sở xét nghiệm, truy vết, cách ly và kiểm dịch. Nhưng Philippines chỉ mới bắt đầu thực sự làm điều đó vào tháng 8 năm ngoái”.

Nới lỏng hạn chế từ ngày 1-3

Tuần qua, dù số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới cả nghìn người, Chính phủ Philippines bất ngờ thông báo sẽ mở cửa trở lại các rạp chiếu phim để giúp phục hồi kinh tế đất nước. Không cần hỏi ý kiến các thị trưởng thành phố, chính quyền Trung ương cũng tuyên bố một số nơi công cộng sẽ được phép mở cửa trở lại vào ngày 1-3. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên dỡ bỏ các hạn chế quá sớm. “Biện pháp đẩy lùi đại dịch Covid-19 quan trọng nhất hiện nay là tiêm chủng, đặc biệt là các nhân viên y tế. Đó phải là ưu tiên quốc gia cao nhất. Ngay cả khi các địa điểm kinh doanh được mở cửa trở lại, nếu chúng ta không thể tiêm chủng cho nhân viên chăm sóc sức khỏe của mình, Philippines sẽ sớm phải áp đặt lại các hạn chế do ngành y tế quá tải”, nghị sĩ Joey Salceda, đồng thời là nhà phân tích kinh tế cảnh báo.

Khó khăn mới đã xuất hiện. Hàng nghìn liều vaccine từ Trung Quốc bị giao hàng muộn hơn và Chính phủ Philippines vẫn phải lên chương trình thuyết phục người dân tiêm chủng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ở vùng đô thị Manila, chỉ có 3 trong số 10 cư dân sẵn sàng tiêm chủng. Theo cựu Bộ trưởng Y tế, Tiến sĩ Esperanza Cabral Cabral, Chính phủ “lẽ ra có thể làm được nhiều hơn trong việc truyền đạt cho người dân lý do những việc Chính phủ đang làm và những gì họ nên làm cho chính mình”. Khi được đề nghị đánh giá cách xử lý của Chính phủ đối với đại dịch cho đến nay, bà Esperanza Cabral cho rằng: “Họ nói rằng họ đã làm những gì tốt nhất có thể và tôi không nghi ngờ điều đó… Nhưng phải xem xét kết quả đó khi so sánh với các quốc gia khác”.

Một cuộc khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore cho thấy rằng, trong số tất cả những người được hỏi ở Đông Nam Á, người Philippines là người không đồng tình nhất với phản ứng đại dịch của Chính phủ, với tỷ lệ 53,7%.