"Cuộc chiến chống Covid-19 giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế"

ANTD.VN - Báo Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời một số chuyên gia nhận định Việt Nam đã hành động quyết liệt để ngăn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và khả năng điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

"Cuộc chiến chống Covid-19 giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế" ảnh 1Đội ngũ y tế của Hà Nội khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng bất kể ngày hay đêm. Ảnh: Lam Thanh

Nhiều hoạt động sản xuất có thể sẽ chuyển sang Việt Nam

Ông Julien Brun, đối tác quản lý tại công ty tư vấn đa quốc gia về đầu tư thị trường mới nổi CEL có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ lâu, Việt Nam đã là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc. Thành tích chống dịch của Việt Nam cho tới nay sẽ giúp Hà Nội tăng thêm uy tín. 

Mặc dù các nhà máy sản xuất quần áo và giày dép xuất khẩu ở Việt Nam đang phải vật lộn với tình trạng hủy đơn hàng loạt, song về lâu dài, nhiều hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực khác có thể sẽ chuyển sang Việt Nam. Về nguồn lực, Việt Nam khó có thể so sánh với Singapore hay Hàn Quốc, do đó, Việt Nam mới chỉ tiến hành xét nghiệm được 210.000 người, một con số khiêm tốn so với số dân, song lại cao so với mức độ bùng phát dịch.

Điều quan trọng để ngăn chặn bùng phát ổ dịch lớn ở Việt Nam là quy định kiểm dịch mạnh mẽ với việc lập các cơ sở cách ly cho hàng chục nghìn người trong các doanh trại quân đội, ký túc xá đại học và các cơ sở khác của nhà nước. Đầu tháng 4-2020, khi Việt Nam ghi nhận chưa tới 250 ca mắc bệnh, gần 45.000 người đã được đưa đi cách ly tập trung. Con số này hiện giảm xuống còn khoảng 11.000 người, trong khi có hơn 40.000 người tự cách ly tại nhà.

Về phần mình, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak trụ sở tại Singapore nhận định:  “Việt Nam đã hành động rất sớm và quyết liệt”. Việt Nam sớm nhận ra tính chất nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Theo tờ Wall Street Journal, 3 tháng sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Việt Nam cho tới nay có thể nói đã đánh bại được Covid-19. Các cửa hiệu và nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 23-4, sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế đi lại kéo dài trong 3 tuần. Các quán cà phê, ăn sáng ở Hà Nội đã bắt đầu có khách lui tới. Các dịch vụ gọi xe bắt đầu hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, trường học và các quán karaoke vẫn đóng cửa. Hiện một số khu vực vẫn đang bị cách ly và chưa trở lại nhịp sống bình thường. Quy định nới lỏng giãn cách xa hội ở mỗi địa phương là khác nhau. Ở một số thành phố lớn, các cuộc tụ họp từ 20 người trở lên vẫn bị cấm.

Việt Nam vô cùng sáng suốt trong cách xử lý vấn đề

Cũng liên quan đến chiến dịch chống dịch Covid-19 của nước ta, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao công tác ứng phó Covid-19 của Việt Nam. Chuyên gia Nga nhận định với thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, Việt Nam đã cho thấy rõ hệ thống quản lý hoạt động rất hiệu quả.

Trong bối cảnh Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về hiệu quả chống đại dịch Covid-19, giới chuyên gia tiếp tục đi sâu phân tích những yếu tố giúp Việt Nam thành công. Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Quốc gia St.Petersburg (Nga) nhận định với thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, Việt Nam đã cho thấy rõ hệ thống quản lý hoạt động rất hiệu quả.

Chuyên gia Nga cho rằng nghệ thuật quản lý là sử dụng các nguồn lực hạn chế để giải quyết các vấn đề cụ thể, và ở đây Việt Nam rất nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của virus với tất cả các nỗ lực đều nhằm phòng tránh đến mức tối đa nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh.

Theo Giáo sư Kolotov, cơ sở của hệ thống quản lý này đã được phát triển trong các cuộc kháng chiến trước đây ở Việt Nam, tiềm năng huy động sức dân được duy trì và được sử dụng đầy đủ trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống này được hiện đại hóa, cải tiến, có sử dụng các công nghệ thông tin và Internet.

Ông Kolotov nêu rõ điều chính yếu trong hệ thống này là khối đại đoàn kết toàn dân, tính kỷ luật cao và nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình huống này. Chính quyền cung cấp cho người dân vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của chính quyền.

Chuyên gia Kolotov nhấn mạnh Việt Nam đã tập trung mọi nỗ lực để tạo ra một hệ thống rõ ràng, mạch lạc và minh bạch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và phát hiện sớm các ca nhiễm. Hệ thống này đã nhận được sự ủng hộ của người dân.

Trong khi đó, ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế tại Mekong Economics, chia sẻ cách Việt Nam đối phó với dịch Covid-19 lần này đã cho thế giới thấy “Việt Nam vô cùng sáng suốt trong cách xử lý vấn đề”. Ông Fred Burke, nhà điều hành Công ty luật Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh (công ty tư vấn cho chính phủ về các quy định đầu tư nước ngoài) thì nhận định Việt Nam đã đối phó với dịch SARS, dịch cúm gia cầm và nhiều cuộc khủng hoảng tài chính khác nhau, nên với đại dịch Covid-19 “Việt Nam biết rằng cần hành động nhanh và triệt để”. Theo ông, Việt Nam đang trong “tâm thế tốt” để phục hồi nhanh.