Cuộc chiến bí mật của Israel chống lại chương trình tên lửa của Ai Cập (2)

ANTD.VN - 9 tháng kể từ khi Ai Cập công bố 4 vụ thử tên lửa, người Israel nhận thấy phương án ám sát tỏ ra không hiệu quả khi mà cơ quan tình báo Israel chỉ có thể kéo chậm dự án, chứ chưa nói đến phá hủy nó. Tuy nhiên, khi sử dụng “phương án mềm” bằng cách gây áp lực với Đức và mua chuộc thì tình hình thực sự khác biệt.

Cuộc chiến bí mật của Israel chống lại chương trình tên lửa của Ai Cập (2) ảnh 1Việc Ai Cập phô trương những tên lửa, khí tài hiện đại nhất của họ giai đoạn 1962-1964 đã khơi mào cho chiến dịch đặc biệt của tình báo Israel 

Chiến thuật sử dụng bom thư 

Cùng với cơ quan tình báo quốc gia Mossad, Thủ tướng Ben-Gurion quyết định cử thêm Đơn vị 188 thuộc lực lượng Tình báo Quân đội (AMAN) tham gia các chiến dịch bí mật tại nước ngoài. Trong thời gian những năm 1950, đơn vị 188 đã có một điệp viên cài sâu ở Ai Cập. Đó là Wolfgang Lotz, lai dòng máu Do Thái và người châu Âu, ngoại hình giống hệt người Đức. Với vỏ bọc là người trở về Ai Cập để mở nông trại, Lotz trở thành một nhân vật có tiếng của cộng đồng người Đức ở Cairo. Ông này đã cung cấp cho đơn vị 188 khá nhiều chi tiết về dự án tên lửa và nhân sự của nó. 

Từ tài liệu thu thập được, ông Yosef Yariv, người đứng đầu đơn vị 188 khi đó quyết định, cách tốt nhất để loại bỏ các nhà khoa học Đức là sử dụng bom thư và bưu kiện. Ông Yariv ra lệnh cho Natan Rotberg, chuyên gia chất nổ của đơn vị chế tạo loại bom thư sao cho phải đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vận chuyển của hệ thống bưu điện và chỉ nổ khi thư được mở ra.

Mục tiêu đầu tiên được gửi bom thư là Alois Brunner, từng là tướng thời Đức Quốc xã, chỉ huy một trại tập trung ở Pháp, nơi 130.000 người Do Thái đã bị sát hại. Đơn vị 188 xác định ông ta ẩn náu ở Damascus, Syria đã 8 năm dưới cái tên giả. Vào ngày 13-9-1962, Brunner nhận được một phong bì lớn. Bức thư nổ tung sau khi ông ta mở khiến Brunner mất mắt trái và thương tích nặng ở vùng mặt nhưng vẫn sống sót. 

Sau quả bom thư đầu tiên, Đơn vị 188 háo hức sử dụng phương pháp này nhằm vào các nhà khoa học Đức. Tuy vậy, cái khó ở chỗ các nhân vật này không nhận thư trực tiếp. Tình báo Ai Cập thu thập tất cả các thư từ liên quan đến dự án cũng như nhân sự tham gia tại trụ sở hãng hàng không EgyptAir rồi mới gửi về Cairo. Vì vậy, Mossad và Đơn vị 188 đã quyết định đột nhập văn phòng hãng hàng không này vào ban đêm và đặt bom thư vào các bao đựng thư.

Quả bom thư thứ hai của Israel phát nổ hôm 27-11-1962, nhưng người bị thương lại là tình nhân của một nhà khoa học Đức. Tiến hành điều tra, nhà chức trách Ai Cập phát hiện và thu giữ được vật liệu nổ trong các bao thư còn chưa giao. Ngay sau đó, tình báo Ai Cập đã thuê một chuyên gia an ninh Đức có tên Hermann Adolf Vallentin làm cố vấn an ninh cho dự án.

Hàng loạt kế hoạch ám sát thất bại

Mục tiêu tiếp theo của Giám đốc Mossad là Hans Kleinwachter cùng phòng thí nghiệm của ông này tại thị trấn Lorch ở Tây Đức, vốn được thuê để phát triển một hệ thống dẫn đường cho tên lửa. Vào ngày 21-1-1963, việc “chăm sóc” ông Kleinwachter được giao cho một đơn vị của Mossad. Điều mà tình báo Israel không biết là chuyên gia Vallentin đã lường trước được ông Kleinwachter sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Mossad. Ông này di chuyển liên tục, đi đâu cũng có người hộ tống cùng một khẩu súng phòng thân.

Ngày 20-2, trinh sát của Mossad thấy ông Kleinwachter một mình trên đường từ Lorch tới Basel, Thụy Sĩ. Nhóm ám sát quyết định hành động khi ông này trở về. Tối muộn, ông Kleinwachter mới xuất hiện. Một nhân viên Mossad đóng vai người hỏi đường để mục tiêu mở cửa kính, đúng lúc đó, một điệp viên khác nhắm về phía cửa kính bóp cò. Viên đạn làm kính vỡ, sượt qua áo của ông Kleinwachter nhưng không hiểu sao súng không nổ được nữa. Các nhân viên Mossad hò nhau chạy trốn. Ông Kleinwachter cũng rút súng bắn vào phía những kẻ ám sát mình nhưng không trúng ai và chiến dịch ám sát của Israel một lần nữa thất bại.

Giám đốc Harel sau đó thực hiện các động thái đe dọa các nhà khoa học Đức và gia đình họ, bao gồm thư nặc danh dọa giết hay đột nhập lúc nửa đêm để cảnh báo. Tuy vậy, việc làm này cũng không có kết quả khả quan khi cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ một điệp viên của Mossad tên là Joseph Ben-Gal sau khi ông đe dọa con gái Heidi của nhà khoa học Đức Paul Goercke. Ben-Gal đã bị dẫn độ sang Đức sau đó bị kết án tù.

 Ngày 25-9-1963, xảy ra một vụ nổ tại khu Maadi của Cairo. Một quả bom thư gửi đến Tiến sĩ Carl Debouche đã phát nổ và làm mù mắt nhân viên bưu điện. Sự việc buộc người đứng đầu Mossad nghĩ đến kế hoạch khác.

Đầu mối đặc biệt và thành công của “phương án mềm”

Từ tháng 8-1964 đến tháng 12-1966, nhân viên của Mossad đã đột nhập các đại sứ quán Ai Cập, cơ quan thương mại của Ai Cập tại Cologne và văn phòng Intra tại Munich, chưa kể lục soát văn phòng EgyptAir tại Frankfurt không ít hơn 56 lần. Chắt lọc từ nguồn tài liệu mật khổng lồ này, Mossad xác định một nhân vật đáng ngờ là tay buôn vũ khí với Tổng thống Ai Cập Nasser và cũng thân với các nhà khoa học Đức. Đó là Otto Skorzeny, một sĩ quan chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Hitler. Ông ta tị nạn ở Francisco Franco, Tây Ban Nha. 

Điểm yếu của ông Skorzeny chính là vợ ông ta, một người đàn bà sắc sảo, thích làm đẹp và tham gia mọi chuyện của chồng. Một điệp viên của Mossad được cài để tán tỉnh bà vợ này. Đến tháng 9-1964, Mossad đã thuyết phục được Skorzeny hợp tác với điều kiện ông ta phải có một hộ chiếu hợp lệ của Áo mang tên thật của mình, một quyết định miễn trừ truy tố suốt đời có chữ ký của Thủ tướng Israel Levi Eshkol và loại bỏ ngay tên ông ta khỏi danh sách quan chức Đức quốc xã bị truy nã.

Otto Skorzeny chính là cấp trên của Vallentin thời Đức quốc xã. Ông ta đã vời Vallentin đến Madrid để dự một cuộc họp đặc biệt với các cấp dưới trước đây. Chi phí cuộc gặp mặt này do Mossad chi trả. Sau đó, ông Otto Skorzeny giới thiệu một điệp viên của Israel với Vallentin nhưng giả vờ rằng đó là người của cơ quan mật vụ Anh MI6, đang quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Ai Cập và đề nghị Vallentin trợ giúp.

Cùng thời gian này, Skorzeny mời cựu sĩ quan phát xít khác có tham gia vào dự án tên lửa của Ai Cập đến Madrid. Các thông tin được Skorzeny, Vallentin và các nhà khoa học Đức cung cấp giải quyết hầu hết các vấn đề còn bỏ ngỏ về chương trình tên lửa của Ai Cập. 

Sáng 9-12-1963, Thứ trưởng Quốc phòng Israel Shimon Peres mang theo các tài liệu đến gặp một trong những chính trị gia cao cấp của Đức, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Franz Josef Strauss. Xem những tài liệu này, ông Strauss đã đồng ý can thiệp. Ông gọi Ludwig Bolków, một nhân vật quyền lực trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Đức. Người này đảm bảo rằng các nhà khoa học và kỹ sư của công ty sản xuất máy bay Hellige sẽ có công việc tốt miễn là họ hứa sẽ không giúp người Ai Cập. Kết quả là, nhóm chuyên gia Đức không đến Ai Cập nữa, đồng nghĩa với dự án tên lửa của Ai Cập không thể hoàn thiện được. 

Đòn cuối cùng, đại diện của ông Bolków đến Ai Cập để thuyết phục các nhà khoa học đang làm ở đó về nước. Từng người một bỏ chương trình. Trong một báo cáo năm 1982, Mossad đã tổng kết chiến dịch rằng bằng việc sử dụng “giải pháp mềm”, nhờ việc Chính phủ Đức chi trả hào phóng mà các nhà khoa học đã từ bỏ dự án tên lửa với Ai Cập.

 Câu chuyện dựa trên cuốn “Tấn công và tiêu diệt trước: Lịch sử bí mật các vụ ám sát mục tiêu của Israel” phát hành năm 2018 lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của New York Times. Khi viết cuốn này, nhà báo Ronen Bergman, một chuyên gia phân tích quân sự và tình báo đã mất 7 năm thu thập 1.000 nguồn tin, từ các đời Thủ tướng Israel, cộng đồng tình báo Israel cho đến các tư liệu của các cơ quan tình báo Israel.