Cuộc chiến bí mật của Israel chống lại chương trình tên lửa của Ai Cập (1)

ANTD.VN - Nhiều năm sau nạn tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Cơ quan Tình báo Mossad của Israel biết được Ai Cập đang phối hợp với các nhà khoa học Đức nghiên cứu, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cho rằng đây là một nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, Israel đã mở một chiến dịch bí mật ám sát những người có liên quan đến chương trình nói trên. 

Sáng 21-7-1962, người dân Israel tỉnh dậy cùng cơn ác mộng tồi tệ. Báo chí Ai Cập đồng loạt đưa tin về việc thử nghiệm thành công 4 tên lửa đất đối đất. Hai ngày sau đó, quân đội Ai Cập đã trình diễn tên lửa này tại Cairo. Khoảng 300 nhà ngoại giao nước ngoài đã chứng kiến sự kiện này. Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tự hào tuyên bố rằng quân đội Ai Cập giờ đây có khả năng bắn vào bất kỳ điểm nào ở “phía Nam Beirut”. Điều đó rõ ràng là, Israel đang trong tầm ngắm của Ai Cập.

Ngày hôm sau, một bản tin phát thanh tiếng Do Thái từ “Đài Tiếng nói Sấm truyền từ Cairo” có trụ sở ở Ai Cập đã phân tích: “Những tên lửa này nhằm mục đích mở cánh cửa tự do cho người Ả-rập, chiếm lại vùng đất đã bị người Do Thái chiếm đóng”.

Cuộc chiến bí mật của Israel chống lại chương trình tên lửa của Ai Cập (1) ảnh 1Tên lửa Ai Cập trong một cuộc diễu binh ở Cairo mùa Hè năm 1964

Thiếu sót lớn nhất của Cơ quan Tình báo Mossad

Vài tuần sau, người Israel biết được rằng một nhóm các nhà khoa học Đức đóng một vai trò thiết yếu trong việc phát triển những tên lửa này. Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc 17 năm trước đó và đột nhiên hình ảnh của các nhà khoa học Đức hiện diện cho một mối đe dọa mới - vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tay ông Nasser - người mà Israel coi là Adolf Hitler của Trung Đông.

Ngay sau khi tin tức lan truyền, bầu không khí khủng hoảng bao trùm. Nạn tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng bởi Israel là một đất nước nhỏ bé, luôn đứng trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố cùng sức ép của các quốc gia Ả-rập xung quanh nên quốc gia này sợ rằng họ có nguy cơ bị hủy diệt. Vậy mà, Cơ quan Tình báo Mossad của Israel lại không hề nắm được tin tức gì về dự án tên lửa của Ai Cập chỉ vài ngày trước khi họ bắt đầu công bố thử nghiệm.

Cơ quan Tình báo Mossad được lập ra ngay sau khi Israel thành lập vào năm 1948 với nhiệm vụ theo dõi và bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ bên ngoài và thực thi những chiến dịch tuyệt mật từ năm 1982. Mossad ghi nhận: “Dự án tên lửa của Ai Cập năm 1962 là một trong những sự việc nghiêm trọng và đáng tiếc nhất trong lịch sử của cộng đồng tình báo Israel”. 

Liên tiếp thông tin gây sốc Giám đốc Mossad Isser Harel đặt toàn bộ cơ quan lên mức độ báo động cao. Các điệp viên ngay lập tức bắt đầu đột nhập vào các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Ai Cập tại một số Thủ đô châu Âu để thu thập tài liệu. Họ cũng tuyển mộ được một nhân viên văn phòng chi nhánh Thụy Sĩ của EgyptAir - một công ty được sử dụng làm bình phong cho các cơ quan tình báo của Ai Cập.

Ngay sau đó, Mossad đã có được sự hiểu biết sơ bộ về chiến lược của Cairo. Dự án Ai Cập do 2 nhà khoa học nổi tiếng là Eugen Sänger và Wolfgang Pilz khởi xướng. Trong chiến tranh, họ đã đóng vai trò quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu quân sự Peenemünde. Năm 1954, họ gia nhập Viện Nghiên cứu Vật lý Động cơ phản lực ở Stuttgart. Ông Sänger đứng đầu cơ quan uy tín này. Ông Pilz và 2 chuyên gia kỳ cựu khác là Paul Goercke và Heinz Krug làm các Trưởng phòng. Nhưng cảm thấy không được trọng dụng sau chiến tranh, nhóm này đã tiếp cận chính quyền Ai Cập vào năm 1959 rồi đưa ra đề nghị sẽ tuyển mộ và chỉ đạo một nhóm nhà khoa học để phát triển tên lửa đất đối đất tầm xa. 

Tổng thống Ai Cập Nasser đồng ý ngay và bổ nhiệm một trong những cố vấn quân sự thân cận nhất của ông, Tướng Isam al-Din Mahmoud Khalil, cựu Giám đốc tình báo không quân và là Giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển của quân đội Ai Cập đứng ra điều phối chương trình. Ông Khalil khi đó thiết lập một hệ thống riêng dành cho các nhà khoa học Đức khi họ tới Ai Cập lần đầu tiên vào tháng 41960.

Vào cuối năm 1961, các ông Sänger, Pilz và Goercke chuyển đến Ai Cập và tuyển được khoảng 35 nhà khoa học và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm của Đức tham gia. Các cơ sở ở Ai Cập bao gồm khu thử nghiệm, phòng thí nghiệm và khu nhà ở cao cấp dành cho các chuyên gia nước ngoài được trả lương cao. Tuy nhiên, nhà khoa học Heinz Krug vẫn ở Đức, duy trì công ty gọi là Intra Commercial, lập cơ sở của nhóm châu Âu.

Sau khi nắm được cơ bản tình hình, Mossad liên tiếp nhận được tin tức xấu. Ngày 16-8-1962, Giám đốc Mossad tìm gặp Thủ tướng Israel bấy giờ là ông David Ben-Gurion, mang theo một túi tài liệu mật được sao chụp 2 ngày trước ở Zurich. Thủ tướng Israel bị sốc. Tài liệu đó từ ông Krug gửi cho người quản lý dự án ở Ai Cập năm 1962, nó cũng bao gồm danh sách các nguyên liệu cần thiết ở châu Âu để sản xuất 900 quả tên lửa. Tài liệu làm dấy lên nỗi sợ hãi trong giới chuyên gia Israel rằng mục đích thực sự của người Ai Cập là trang bị cho các tên lửa đầu đạn phóng xạ và hóa học.

Cuộc chiến bí mật của Israel chống lại chương trình tên lửa của Ai Cập (1) ảnh 2Hình ảnh nhà khoa học Đức Heinz Krug trong tài liệu tình báo Israel 

Điệp vụ thủ tiêu nhà khoa học Đức đầu tiên

Thủ tướng Israel triệu tập khẩn cấp các quan chức quốc phòng. Tại cuộc họp này, Giám đốc Mossad Harel cho biết, cơ quan tình báo đã phát hiện ra điểm yếu của các dự án tên lửa: Những tên lửa này không thể sản xuất đại trà, hơn nữa không có các nhà khoa học Đức, dự án sẽ không thể thực hiện được. Kế hoạch của ông Harel là bắt cóc hoặc loại bỏ những nhà khoa học Đức này.

17h30 ngày 10-9-1962, một người tự giới thiệu là Saleh Qaher gọi điện thoại đến nhà của chuyên gia Heinz Krug ở Munich. Người này nói ông ta gọi đến theo lệnh của Đại tá Said Nadim, phụ tá của Tướng Khalil và rằng phải gặp ông Krug “ngay lập tức, về một vấn đề quan trọng”. Qaher nói thêm, Đại tá Nadim đang đợi ở Munich.

Ông Krug không thấy gì bất thường nên chấp nhận lời mời. Nhưng ông không biết được rằng Qaher, mật danh Oded lại là nhân viên Mossad. Sinh ra và lớn lên ở Iraq, người này theo phong trào chủ nghĩa phục hưng Do Thái hoạt động ngầm tại đây rồi bỏ trốn kịp thời khỏi Iraq năm 1949 khi suýt bị bắt. Hôm sau, Oded đón ông Krug tại văn phòng Intra bằng chiếc taxi để tới gặp Đại tá Nadim ở một biệt thự ngoại ô.

Khi họ tới nơi, ông Krug bước vào nhà, cửa đóng lại còn Oded, theo kế hoạch vẫn đứng ngoài. Có 3 người đã đợi sẵn, họ đánh phủ đầu rồi trói ông Krug lại. Một điệp viên của Mossad nói  với ông Krug bằng tiếng Đức: “Ông là tù nhân. Hãy làm theo những gì chúng tôi bảo, nếu không ông sẽ chết”. 

Krug hứa sẽ làm theo. Nhà khoa học này được đặt trong một khoang bí mật của chiếc xe Volkswagen cùng toàn đội, trong đó có Giám đốc Mossad Harel, tiến về biên giới Pháp. Tới thành phố biển Marseille, ông Krug được uống thuốc an thần và đưa lên chiếc máy bay của hãng El Al về Israel như thể là một bệnh nhân. 

Tại Israel, ông Krug bị giam trong một nhà tù bí mật. Sau thời gian câm lặng, ông này bắt đầu hợp tác, thậm chí tình nguyện trở về Munich làm điệp viên cho Mossad. Cuối cùng, sau khi đã moi được tất cả thông tin từ nhân vật này, Mossad thấy rằng nếu để ông Krug trở lại Munich sẽ rất nguy hiểm, ông ta có thể trình báo nhà chức trách Đức. Giám đốc Mossad chọn cách dễ dàng hơn, ra lệnh đưa ông Krug đến một nơi hoang vắng hạ sát sau đó dùng máy bay bỏ xác xuống biển. 

Nạn tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng bởi Israel là một đất nước nhỏ bé, luôn đứng trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố cùng sức ép của các quốc gia Ả-rập xung quanh nên quốc gia này sợ rằng họ có nguy cơ bị hủy diệt. Vậy mà, Cơ quan Tình báo Israel Mossad lại không hề nắm được tin tức gì về dự án tên lửa của Ai Cập chỉ vài ngày trước khi họ bắt đầu công bố thử nghiệm. 

Còn nữa