"Cuộc chiến" bảo vệ quyền riêng tư

ANTĐ - Tập đoàn công nghệ Microsoft đã đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ về đạo luật liên bang cho phép giới chức nước này kiểm tra thư điện tử các khách hàng của hãng trong khi buộc hãng phải giữ bí mật với khách hàng. Google cho rằng hành động này là vi hiến.

"Cuộc chiến" bảo vệ quyền riêng tư ảnh 1

Trụ sở Tập đoàn công nghệ Microsoft

Theo đạo luật Bảo mật thông tin điện tử (ECPA) có hiệu lực từ năm 1986, các nhân viên thực thi pháp luật ở cấp độ liên bang của Mỹ không cần phải có lệnh từ tòa án cho phép khi họ muốn khai thác thông tin từ điện thoại hoặc email của người dùng.

Ra đời vào thời điểm máy tính và dịch vụ email, kể cả điện thoại di động còn chưa phổ biến, mạng xã hội thì chưa xuất hiện, sau 27 năm tồn tại, ECPA đã trở nên lỗi thời và không thể đảm bảo quyền riêng tư cho người dân Mỹ như mong đợi. Theo đơn kiện của Microsoft, trong gần 18 tháng qua, giới chức Mỹ đã yêu cầu Microsoft cung cấp thông tin khách hàng hơn 5.600 lần. Trong số đó, 2.576 lần có lệnh của tòa án không cho phép tập đoàn công nghệ tiết lộ với khách hàng. 

Không những thế, bằng cách sử dụng quy định trong Đạo luật ECPA và dưới lý do an ninh, chống khủng bố, Chính phủ Mỹ thậm chí tăng cường triển khai các cuộc điều tra nhằm vào các cá nhân và doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu trên iCloud - một dịch vụ giúp lưu trữ và tải dữ liệu về từ nguồn trực tuyến trên internet.

Microsoft khẳng định các hành động của Chính phủ đi ngược lại Điều sửa đổi thứ 4 của Hiến pháp, trong đó quy định quyền được biết của công dân và tổ chức khi chính quyền theo dõi hoặc tịch thu tài sản của họ, cùng với đó là vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Điều sửa đổi thứ 1. 

Đó là lý do nhiều hãng công nghệ lớn của thế giới như Google, Apple, Microsoft, Amazon và Facebook đã liên minh lại với nhau trong nỗ lực đòi thay đổi ECPA. Trước vụ việc của Microsoft, Tập đoàn Apple cũng từng có cuộc chiến pháp lý với Chính phủ Mỹ sau khi Cục điều tra Liên bang (FBI) đề nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone 5C của thủ phạm tấn công một trung tâm đào tạo người khuyết tật, nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên sau nhiều nỗ lực phá mật khẩu không thành. Sau đó, nhờ một bên thứ ba, FBI đã bẻ được khóa chiếc iPhone 5C và vụ kiện với Apple khép lại. 

Không chỉ giới công nghệ, nhiều chính trị gia cũng phản đối Đạo luật ECPA. Năm 2013, 3 nhà lập pháp Mỹ là Z. Lofgren, S. DelBene thuộc Đảng Dân chủ và T. Poe thuộc Đảng Cộng hòa đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật mang tên “Đạo luật bảo vệ thông tin định vị và truyền thông trực tuyến”.

Mục tiêu của nó là tăng cường bảo vệ tính riêng tư cho cơ sở dữ liệu điện tử được lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây (iCloud), yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật chỉ thu thập thông tin cá nhân của người dân khi có lệnh chính thức từ tòa án. Dự luật trên đã không được thông qua.

“Cuộc chiến” bảo vệ quyền riêng tư ở Mỹ còn đang tiếp diễn. Trở lại với vụ kiện Chính phủ Mỹ của Tập đoàn công nghệ Microsoft, trong phản ứng đầu tiên, người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã từ chối bình luận về động thái trên và chỉ cho biết chính phủ đang xem xét đơn kiện của Microsoft.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các quan chức cùng Bộ Tư pháp Mỹ chắc sẽ lại quay lại lập luận cũ rằng sửa đổi các quy định trong Đạo luật ECPA sẽ gây nguy hiểm cho công tác điều tra và làm người dân Mỹ dễ bị khủng bố tấn công.