Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội:

Cuộc chạy đua thông tin ở tâm điểm của thế giới

ANTD.VN - Thủ đô Hà Nội của Việt Nam là tâm điểm chú ý của cả thế giới khi là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện vô cùng quan trọng này, gần 3.000 phóng viên quốc tế đã “đổ bộ” tới Hà Nội, khảo sát địa bàn và lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng để “săn” tin Hội nghị cũng như các hoạt động bên lề.

Yêu cầu là phải cập nhật thông tin đầy đủ, sớm nhất có thể song hầu như giới phóng viên quốc tế khi được hỏi ai cũng nhắc đến khó khăn tác nghiệp trong Hội nghị lần này khi mọi thông tin và các sự kiện đều được giữ kín đến phút chót. Đây cũng là khó khăn chung với ngay cả phóng viên của Việt Nam.

Cuộc chạy đua thông tin ở tâm điểm của thế giới ảnh 1Đông đảo phóng viên luôn trong tâm thế sẵn sàng để đón bắt mọi thông tin và khoảnh khắc cho mỗi sự kiện

Lịch trình kín bưng và thay đổi phút chót

Mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên chính thức diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2 nhưng trước đó nhiều ngày, cánh phóng viên đã bám sát ở một vài khách sạn được dự đoán là sẽ là nơi ăn, nghỉ hay diễn ra hoạt động giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jung-un. “Điểm nóng” ở Thủ đô Hà Nội những ngày này là các Khách sạn J.W Marriott, Metropole, Hôtel du Park Hanoi... hay có lúc là Đại sứ quán Triều Tiên, nơi có lực lượng an ninh dày đặc và rất nhiều phóng viên túc trực bên ngoài.

Mọi thông tin đều kín bưng, địa điểm họp ở đâu, khi nào họ gặp nhau đều được giữ bí mật và thông báo rất sát giờ. Ngay như khi Hội nghị bước sang ngày thứ hai, lịch dự kiến là 14h ngày 28-2 hai bên sẽ ký Tuyên bố chung, 15h30 Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ họp báo tại Khách sạn J.W Marriott. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, Thư ký Báo chí Nhà Trắng thông báo bữa ăn trưa giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hôm đó bị hủy, buổi họp báo đột nhiên bị đẩy lên sớm 2 tiếng. Ngay cả trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng, cánh phóng viên vẫn không biết kết quả hội nghị như thế nào. Kết quả, chưa có thỏa thuận nào được ký kết, nhưng rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra vì nội dung bàn thảo không chỉ là mối quan tâm của cánh phóng viên mà cả thế giới đang hướng về Hội nghị lần này.

Một bất ngờ không thể không nhắc đến là cuộc họp báo lúc nửa đêm 28-2 của đoàn Triều Tiên tại Khách sạn Melia mà đoàn đang lưu trú. Chỉ một số báo được Đại sứ quán Triều Tiên gửi giấy mời riêng là vào được cuộc họp báo này. Một nhà báo của Đài MBS cho biết, họ rất bất ngờ trước thông tin này và không kịp trở tay. Nhận được tin, hàng chục phóng viên lao đến khu vực Khách sạn Melia nhưng phải đứng đợi bên ngoài dưới trời mưa nặng hạt do phải chờ trải qua công tác kiểm tra an ninh nghiêm ngặt hoặc không có giấy mời.

Thời điểm đó, kể từ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng tổ chức họp báo và lên máy bay về nước ngay trong chiều 28-2. Sau gần 10 tiếng đồng hồ, rạng sáng 1-3, giờ Việt Nam, tức là vào lúc giữa trưa ở bên kia bán cầu, Triều Tiên mở cuộc họp báo đột xuất. 

Tại cuộc họp báo bất ngờ này, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã phát biểu khoảng 10 phút và không trả lời bất cứ câu hỏi gì thêm. Tham dự họp báo của phái đoàn Triều Tiên còn có bà Choe Son Hui, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên chuyên trách khu vực Bắc Mỹ. Bà Choe Son Hui đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên vốn đang rất nóng lòng có thêm thông tin, nhưng hoàn toàn bằng tiếng Triều Tiên và không có bất kỳ phiên dịch nào ở đó. Thế mới thấy, ở những hội nghị quốc tế có tính quan trọng này, ngôn ngữ có thể là một rào cản và phóng viên cần phải chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống.

Cuộc chạy đua thông tin ở tâm điểm của thế giới ảnh 2Quang cảnh buổi họp báo lúc nửa đêm 28-2 của đoàn Triều Tiên tại Khách sạn Melia, Hà Nội

Chủ động trong mọi tình huống

Để chạy đua “săn” tin, một số đài truyền hình lớn như Yonhap (Hàn Quốc), NHK (Nhật Bản), CNN (Mỹ)... đã mang đầy đủ trang thiết bị để có thể làm bản tin, ghi hình được ở mọi lúc, mọi nơi, nhằm bám sát sự kiện. Mỗi đơn vị truyền thông đều có thế mạnh riêng và luôn sáng tạo để có được những hình ảnh, thông tin chất lượng nhất về sự kiện chính trị hàng đầu thế giới.

Đơn cử, MBC - 1 trong 3 đài lớn nhất của Hàn Quốc cử khoảng 100 nhân viên đến Việt Nam dịp này. Các phóng viên của MBC đã lên kế hoạch tác nghiệp từ cách đây 2 tháng. Trước hội nghị nửa tháng, hơn chục nhân viên của đài được cử sang Việt Nam khảo sát địa điểm, khách sạn, phương tiện đi lại… Nhiều phóng viên và cư dân mạng thích thú chia sẻ hình ảnh “trường quay dã chiến” trên nóc Khách sạn Daewoo (360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) với khung hình phông nền là cuộc sống thường ngày của Hà Nội. Tương tự, Đài KBS của Hàn Quốc sang đây 90 người, họ đã phải chia nhau rải rác tại nhiều địa điểm tại Hà Nội và liên tiếp túc trực từ 6h sáng.

Hào hứng khi được tham gia tác nghiệp ở một sự kiện lớn như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, hầu hết phóng viên đều có sức khỏe, ngoại ngữ và nghiệp vụ tốt để phục vụ yêu cầu tác nghiệp. Chuyên nghiệp và thân thiện là điều dễ nhận ra ở các phóng viên tham dự Hội nghị lần này. Với họ, “săn” tin là bất kể trời mưa hay sự cản trở nào. Chỉ để ghi lại một bức ảnh hoặc một đoạn clip về một yếu nhân, hơn 20 phóng viên từ các Hãng thông tấn Hàn Quốc, Nhật Bản chực trước cổng một nhà khách từ 6 giờ sáng đến 8-9 giờ tối. Nếu phải bám hiện trường thì lúc mệt có thể ngả lưng tại chỗ nhưng không được rời vị trí. Không có studio ghi hình, các biên tập viên dựng studio “dã chiến” ngay bên ngoài địa điểm sự kiện. Nếu thấp thì bắc ghế hay bắc thang lên cho cao để lấy được cảnh nền đẹp nhất…

Cuộc chạy đua thông tin ở tâm điểm của thế giới ảnh 3Nữ phóng viên Hee-jun Christine Park – đài Arirang (Hàn Quốc) với nụ cười thường trực trên môi khi dẫn bản tin tại hiện trường là đường phố Hà Nội

Cuộc chạy đua thông tin ở tâm điểm của thế giới ảnh 4Những “trường quay dã chiến” với cảnh nền là cuộc sống thường ngày sống động của Hà Nội

Cuộc chạy đua thông tin ở tâm điểm của thế giới ảnh 5Phóng viên Harris (Reuters) với lỉnh kỉnh đồ nghề mang theo 

Chuyên nghiệp và thân thiện là điều dễ nhận ra ở các phóng viên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội. Với họ, “săn” tin là bất kể trời mưa hay sự cản trở nào. Chỉ để ghi lại một bức ảnh hoặc một đoạn clip về một yếu nhân, hơn 20 phóng viên từ các Hãng thông tấn Hàn Quốc, Nhật Bản chực trước cổng một nhà khách từ  6 giờ sáng đến 8-9 giờ tối. Không có studio ghi hình, các biên tập viên dựng studio “dã chiến” ngay bên ngoài địa điểm sự kiện. Nếu thấp thì bắc ghế hay bắc thang lên cho cao để lấy được cảnh nền đẹp nhất…