Cuộc cắt giảm nhân sự liên bang chưa từng có ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nước Mỹ đang rung chuyển trong cuộc cắt giảm lực lượng lao động liên bang với quy mô chưa từng có nhằm loại bỏ chi tiêu lãng phí của chính quyền. Tuy nhiên, nỗ lực này của Tổng thống Donald Trump đang gặp phải nhiều sự chỉ trích.

Hàng loạt chiến dịch cắt giảm quy mô lớn

Trong những ngày qua, nhiều thư điện tử (email) với nội dung liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng đã được gửi đến nhiều nhân viên tại Bộ Giáo dục, Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA), Cơ quan Bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB) và Cơ quan Quản lý dịch vụ (GSA). Các email gửi cho ít nhất 45 người đang trong thời gian thử việc tại SBA nêu rõ: “Cơ quan thấy rằng bạn không đủ điều kiện để tiếp tục làm việc do năng lực, kiến thức và kỹ năng của bạn không phù hợp với nhu cầu hiện tại và khả năng của bạn không đủ để tiếp tục làm việc tại cơ quan”. Khoảng 100 nhân viên thử việc tại GSA cũng nhận được email chấm dứt hợp đồng vào ngày 12-2.

Biểu tình bên ngoài Văn phòng quản lý nhân sự tại Thủ đô Washington để phản đối chiến dịch sa thải của chính quyền liên bang và yêu cầu ông Elon Musk từ chức

Biểu tình bên ngoài Văn phòng quản lý nhân sự tại Thủ đô Washington để phản đối chiến dịch sa thải của chính quyền liên bang và yêu cầu ông Elon Musk từ chức

Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của ông Donald Trump cắt giảm nhân sự liên bang. Ngay sau khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump đã đề ra một chiến lược toàn diện nhằm tinh gọn bộ máy hành pháp. Một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược này là cắt giảm ngân sách và giảm số lượng nhân viên chính phủ, đặc biệt là ở những cơ quan không có tính chiến lược hoặc thiếu hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu này, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), do tỷ phú công nghệ Elon Musk đứng đầu. Ông Elon Musk đã công khai tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương 1/3 ngân sách liên bang.

Hôm 11-2 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp giao cho DOGE thực hiện một đợt cắt giảm quy mô lớn đối với lực lượng lao động dân sự liên bang gồm 2,3 triệu người. Theo sắc lệnh, các lãnh đạo cơ quan được chỉ đạo “phối hợp và tham vấn với DOGE để cắt giảm lực lượng lao động liên bang với quy mô lớn, phù hợp với luật pháp hiện hành và chỉ tuyển dụng vào các vị trí thiết yếu”. Mỗi cơ quan sẽ bổ nhiệm một “trưởng nhóm DOGE” để giám sát các quyết định tuyển dụng.

Sắc lệnh cũng yêu cầu sau khi lệnh đóng băng tuyển dụng hết hiệu lực, các cơ quan chỉ được tuyển dụng tối đa 1 nhân viên mới bù đắp cho 4 nhân viên rời khỏi hệ thống, ngoại trừ các vị trí liên quan đến an ninh công cộng, thực thi luật nhập cư và pháp luật. Theo một số tổ chức nghiệp đoàn lao động Mỹ, nhiều cơ quan chính phủ liên bang đã bắt đầu đẩy nhanh tiến trình cắt giảm nhân sự, chủ yếu là những nhân viên mới được tuyển dụng đang trong thời gian thử việc. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, hiện có khoảng 280.000 nhân viên dân sự được tuyển dụng cách đây chưa đầy 2 năm và hầu hết vẫn đang trong thời gian thử việc.

Trước đó, chính quyền của ông Trump cũng đã gửi email đến tất cả nhân viên liên bang, đề nghị họ có thể từ chức trước ngày 6-2 để nhận được toàn bộ lương và phúc lợi đến hết ngày 30-9. Nhà Trắng mong muốn khoảng 5 - 10% số nhân viên liên bang sẽ chấp nhận đề nghị, tương đương 100.000 - 200.000 người. Mục đích là nhằm tiết kiệm 100 tỷ USD ngân sách nhà nước. Tính đến thời hạn chót, khoảng 75.000 nhân viên liên bang Mỹ đã đăng ký nhận 8 tháng lương và nghỉ việc để tránh bị sa thải.

Đặc biệt, hôm 7-2, toàn bộ nhân viên do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tuyển dụng trực tiếp trên toàn cầu đã bị cho nghỉ hành chính. Trang web của USAID khép lại với dòng chữ “Cảm ơn sự phục vụ của quý vị” mà không còn bất kỳ thông báo nào khác. Tòa nhà USAID tại Thủ đô Washington đóng cửa và chuyển sang làm việc từ xa. Sự kiện này được đánh giá như một “quả bom nguyên tử mini” quét sạch hơn 63 năm hoạt động của USAID trong sứ mệnh kiến tạo một “thế giới tự do”.

Bên cạnh đó, chính quyền của ông Trump còn triển khai chương trình nghỉ hưu sớm (VERA), dành cho nhân viên từ 50 tuổi có ít nhất 20 năm công tác hoặc bất kỳ độ tuổi nào với tối thiểu 25 năm làm việc. Tuy nhiên, không phải tất cả nhân viên Chính phủ đều đủ điều kiện tham gia chương trình nghỉ việc này. Theo danh sách do Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) Nhà Trắng công bố, những người làm việc trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc gia (CIA, NSA, Bộ Quốc phòng), kiểm soát không lưu, y tế và an toàn công cộng, thực thi pháp luật (FBI, Cục Điều tra an ninh nội địa) và Bộ Cựu chiến binh đều không đủ điều kiện để nộp đơn. Trong khi đó, phần lớn các nhân viên khác, đặc biệt là những người thuộc các cơ quan dân sự như Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục hay Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), đều có thể tham gia nếu muốn tận dụng cơ hội này.

Tinh giản bộ máy hay phá hủy chính phủ?

Những bước đi trong chiến lược cắt giảm bộ máy mà Tổng thống Donald Trump cho là “quá cồng kềnh và cản trở” chương trình nghị sự của mình đang được đẩy nhanh. Tuy nhiên, trong khi chính quyền đương nhiệm mô tả đây là “cơ hội hiếm có” để tái cơ cấu bộ máy Chính phủ, các nỗ lực này của ông Donald Trump đang vấp phải một loạt các vụ kiện từ các nghiệp đoàn lao động cũng như sự chỉ trích từ chính giới.

Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ (AFGE), nghiệp đoàn lớn nhất đại diện cho các nhân viên liên bang, đã khởi kiện, cho rằng Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) Nhà Trắng không có thẩm quyền đưa ra đề nghị nghỉ việc hành chính có lương và phúc lợi với các nhân viên chính phủ. AFGE cũng cảnh báo các nhân viên liên bang không đồng ý với đề nghị này vì nếu chấp nhận, họ sẽ bị bỏ rơi. 5 nghiệp đoàn Mỹ, trong đó có Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô, Liên đoàn nhân viên kho bạc quốc gia, Liên đoàn quốc gia của nhân viên liên bang cũng đệ đơn kiện lên tòa án liên bang tại Washington để chặn kế hoạch của ông Trump mà họ cho rằng sẽ khiến hàng trăm nghìn nhân viên liên bang mất việc.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội, bà Everett Kelly, Chủ tịch Liên đoàn Công chức Chính phủ Mỹ, đã chỉ trích mạnh mẽ: “Những gì đang diễn ra không phải là tinh giản bộ máy, mà là phá hủy chính phủ”. Đại diện Đảng Dân chủ Gerry Connolly đã lên tiếng chỉ trích ông Donald Trump: “Ông ấy là ai mà có thể phá hoại các cơ quan liên bang?”. Hàng trăm người đã biểu tình phản đối kế hoạch tái cấu trúc của ông Donald Trump. Ông Poole, 41 tuổi, chuyên gia hệ thống hướng dẫn tại Căn cứ Không quân Hill (Utah), chia sẻ: “Chính quyền đã mô tả chúng tôi là những người vô dụng, bất tài, năng suất thấp, thậm chí là kẻ thù của nước Mỹ”.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận. Hành động của ông Elon Musk khiến đảng Dân chủ và các nhóm giám sát chính phủ kinh ngạc và lo ngại. Họ đặt câu hỏi liệu Bộ trưởng có vi phạm luật liên bang hay không. Luật này trao cho Quốc hội quyền lực cuối cùng để thành lập hoặc bãi bỏ các cơ quan liên bang và lập ngân sách cho họ, yêu cầu công khai các hành động của chính phủ và cấm các cá nhân thực hiện các hành động có thể mang lại lợi ích cá nhân.

Ít nhất 4 vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang liên quan đến thẩm quyền của ông Elon Musk và các động thái của chính quyền mới. Một số cựu quan chức chính phủ cấp cao và ngay cả những người thích những gì Elon Musk đang làm cũng bày tỏ cảm giác bất lực về cách giám sát ông Musk. Một số người hy vọng Quốc hội sẽ thay đổi tình hình. Còn nhà sử học Douglas Brinkley mô tả, ông Elon Musk là một “kẻ đơn độc” với không gian hoạt động vô hạn. Ông lưu ý: “Không có một cơ chế nào để Elon Musk phải chịu trách nhiệm. Đây là điềm báo về sự hủy hoại các thể chế cơ bản của chúng ta”.