Cuộc cải cách gian nan

ANTĐ - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa lên tiếng hối thúc các thành viên nhanh chóng thông qua kế hoạch cải tổ cơ cấu bỏ phiếu và quản trị để tăng hiệu quả hoạt động của thể chế tài chính đa phương này. 

Ra đời ngày 1-3-1947, IMF đóng vai trò hỗ trợ tín dụng cho các nước thành viên để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội khắc phục thâm hụt trong cán cân thanh toán quốc tế, giải quyết những khó khăn tài chính bất thường xảy ra do ảnh hưởng của thiên nhiên hoặc ổn định giá những mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược và điều chỉnh quan hệ tiền tệ giữa các nước hội viên. 

Với tư cách là một trong những tổ chức lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, IMF đã thể hiện khá tốt vai trò của mình, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng châu Á vừa rồi. Nguồn vốn cứu trợ kịp thời cùng những giải pháp do IMF đưa ra đã giúp những quốc gia bị ảnh hưởng nhất như Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan dàn xếp các chương trình cải cách kinh tế có khả năng phục hồi lòng tin, từng bước vượt qua khủng hoảng. 

Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng tài chính gần đây trên thế giới cũng làm bộc lộ nhiều bất cập trong nỗ lực trợ giúp của IMF. Theo quy định, IMF chỉ cho vay với điều kiện là thành viên đó sử dụng tiền vay hiệu quả. Vì vậy nước đi vay phải tiến hành các cải cách nhằm xoá bỏ nguồn gốc của khó khăn thanh toán và chuẩn bị nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, chương trình này đòi hỏi chính phủ nước đi vay phải giảm chi tiêu dịch vụ, tư nhân hoá, giảm thuế nhập khẩu, giảm trợ cấp chính phủ. Điều này làm các công ty nước ngoài dễ dàng kiểm soát nền kinh tế nước đi vay cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bên trong các nước đó.

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil ngày càng có vai trò trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên theo truyền thống, tiếng nói quyết định trong IMF vẫn thuộc các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh... Thông thường, chức Chủ tịch IMF đầy uy quyền là sự mặc cả giữa Mỹ và châu Âu, và thường là do người Pháp đảm nhiệm. 

Thế mới nảy sinh những chuyện như nhiều chính trị gia châu Âu muốn mượn chân lãnh đạo trong IMF làm bàn đạp cho các địa vị chính trị quốc gia tiếp theo. Điển hình là cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, người ấp ủ tham vọng sẽ trở thành Tổng thống Pháp trước khi phải từ chức do scand tấn công tình dục.

 Nhằm giải quyết bất cập trên, năm 2010, các nước thành viên IMF tính đến chuyện sẽ trao nhiều quyền hơn cho các thành viên mới nổi trong tổ chức này, cụ thể là châu Âu sẽ phải nhường 2 ghế lãnh đạo trong IMF cho các nước phát triển. Các nền kinh tế đang nổi đầy năng động, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Mexico, sẽ có tiếng nói lớn hơn trong tiến trình hoạch định chính sách của IMF. 

Kế hoạch triển khai gói cải cách 2010 phải diễn ra trước thời điểm hội nghị thường niên vào tháng 10-2012. Tuy nhiên do những bất đồng về cách thức tiến hành, kế hoạch trên vẫn dậm chân tại chỗ, buộc IMF phải lên tiếng thúc giục các nước thành viên. Xem ra cuộc cải cách này còn gian nan vì nó tác động không chỉ tới IMF mà còn cả nền kinh tế thế giới.