"Cuộc biểu tình hoa" đòi bảo vệ nữ quyền ở Nhật Bản

ANTD.VN - 4 vụ tòa xử vô tội gần đây liên quan đến các trường hợp tấn công tình dục, trong đó có 2 vụ loạn luân đã khiến phụ nữ Nhật Bản phẫn nộ và họ đã xuống đường tuần hành yêu cầu làm rõ điều đó.

Loạn luân không phải là tội ác ở Nhật Bản, nhưng có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên hơn khi biết rằng kẻ hiếp dâm cũng không bị truy tố nếu nạn nhân không chống lại đủ mạnh. Nhiều tuần qua, phụ nữ khắp Nhật Bản đã phát động “Cuộc biểu tình hoa” đòi các nhà lập pháp và thẩm phán Nhật Bản xem xét lại các lỗ hổng cho phép thủ phạm các cuộc tấn công tình dục vẫn thoát tội. 

"Cuộc biểu tình hoa" đòi bảo vệ nữ quyền ở Nhật Bản ảnh 1“Cuộc biểu tình hoa” chống phán quyết bất công đối với nạn nhân các vụ tấn công tình dục diễn ra tại Nhà ga Tokyo, Nhật Bản hôm 11-6-2019

Dư luận phẫn nộ với 4 vụ liên tiếp trắng án

Phán quyết đầu tiên trong số 4 bản án khiến dư luận bất bình được đưa ra hôm 12-3. Tòa án Fukuoka đã tuyên người đàn ông không phạm tội hiếp dâm sau khi ông này quan hệ tình dục với một người phụ nữ trong tình trạng say xỉn và nạn nhân bất tỉnh. Thẩm phán cho rằng nạn nhân không thể chống cự nhưng bởi vì cô không nói gì nên người đàn ông lầm tưởng rằng cô đã đồng ý.

Sau đó 1 tuần, tại tỉnh Shizuoka, một đối tượng bị đưa ra xét xử với cáo buộc đã ép buộc một phụ nữ mà anh ta chưa bao giờ gặp phải quan hệ với mình và gây thương tích cho nạn nhân. Anh ta được phán quyết vô tội vì người phụ nữ không chống cự một cách rõ ràng và theo quan điểm của bị đơn, anh ta không cố tình tấn công. Phiên tòa xử theo hình thức bồi thẩm đoàn và bên công tố không kháng cáo.

Vụ án thứ ba diễn ra vào ngày  26-3 và có lẽ là gay cấn nhất do liên quan đến vụ một người cha tấn công tình dục cô con gái 19 tuổi của mình. Thẩm phán Tòa án Nagoya thừa nhận rằng người cha đã lạm dụng tình dục cô bé từ khi con học cấp 2. Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng mặc dù cô con gái không đồng thuận và việc kháng cự gặp khó khăn, nhưng không thể đưa ra kết luận rằng nạn nhân sợ đến nỗi không thể từ chối. Như vậy là người cha vô tội, vì cô con gái không kháng cự đủ mạnh mẽ nên trường hợp này không phải là cưỡng hiếp.

Bản án cuối cùng, vào ngày 28-3, tại tỉnh Shizuoka, thẩm phán đã quyết định lời khai của một bé gái 14 tuổi rằng đã bị cha đẻ hãm hiếp trong 2 năm là không đáng tin cậy. Đối tượng trong vụ việc chỉ bị kết tội sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em và bị phạt 921 USD, và thực tế việc ông ta thích hình ảnh khiêu dâm trẻ em dường như không thuyết phục được thẩm phán rằng người này có thể hành động với con mình theo những tưởng tượng đó. Trường hợp thứ tư khác với tất cả những vụ án trên ở chỗ thẩm phán không cần xem xét đến yếu tố có sự đồng thuận hay không bởi vì thẩm phán đã bác bỏ hoàn toàn lời khai của nạn nhân và bất kỳ bằng chứng chứng thực nào.

Hành động đòi công lý

Sau phán quyết thứ tư đó, nhà văn Minori Kitahara, nạn nhân của tình trạng loạn luân Jun Yamamoto và nhà đấu tranh cho nữ quyền Akiko Matsuo đã quyết hành động chống lại những bất công thô thiển này. Trong số này, Minori Kitahara là người đi đầu trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng tình dục và quyền của phụ nữ ở Nhật Bản. Nữ nhà văn này đã mở cửa hàng đồ chơi người lớn dành cho nữ đầu tiên ở Nhật Bản, mang tên Love Piece Club, vào năm 1996. Cửa hàng này sau đó trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi và cô Kitahara từng bị bắt vì “phân phối các vật thể tục tĩu”. Lần này, Kitahara và những người khác muốn tạo ra một không gian an toàn cho phụ nữ để chia sẻ câu chuyện của họ. 

Cuộc tuần hành đầu tiên được tổ chức trước ga Tokyo vào ngày 11-4. Người tham gia đã cầm hoa để thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân. Những gì Kitahara chứng kiến vào ngày đầu tiên rất đáng khích lệ. Các phụ nữ đến đây từng người chia sẻ câu chuyện của mình. Họ đã âm thầm chịu đựng sau khi trải qua bạo lực tình dục. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ nói ra nỗi đau thầm kín của mình. Đối với một số người, đây là lần đầu tiên họ nhận ra rằng họ là nạn nhân, họ đã tự trách mình không dám nói. “Đó là một bầu không khí cởi mở và an toàn. Chúng tôi muốn tập trung tại một không gian rộng mở và sáng sủa để mọi người có thể thấy và thảo luận công khai về những điều đã được cho là cấm kỵ quá lâu”. 

Kể từ đó, các cuộc tuần hành đã được tổ chức tại 9 thành phố trên khắp cả nước, mỗi lần số lượng một nhiều thêm. Dần dần, nam giới cũng tham gia đoàn tuần hành với tỷ lệ khoảng 1/10. Những người biểu tình muốn luật pháp được sửa đổi để tình dục không có sự đồng thuận là một tội ác. “Cách duy nhất để đấu tranh chống lại tình trạng này là chia sẻ các câu chuyện, chia sẻ nỗi đau ở không gian công cộng. Chúng tôi phải cùng nhau đoàn kết để quyết tâm thay đổi dư luận, đoàn kết với hy vọng thay đổi hệ thống luật pháp sao cho phù hợp với cuộc sống hiện nay”, Kitahara lý giải.

Cựu luật sư hiện giờ là nhà báo Sakura Kamitani cho biết: “Nhật Bản không giải quyết thỏa đáng các vụ tấn công tình dục mà đơn giản là không có sự đồng ý của nạn nhân. Tôi cho rằng ít nhất 3 trong 4 trường hợp này, vốn thẩm phán công nhận không có sự đồng thuận, đáng lẽ phải dẫn đến các bản án có tội”. Như nữ ký giả này chỉ ra, có tín hiệu lạc quan là Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 601 vụ hiếp dâm trong nửa đầu năm 2018, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, theo National Cơ quan cảnh sát (NPA).

Đưa các vụ án ra tòa là một vấn đề khác. Các công tố viên Nhật Bản, vốn tự hào về tỷ lệ kết án 99%, nói chung vẫn “để thua” 50% các vụ liên quan đến tấn công tình dục. “Thua kiện chẳng khác nào tự diệt trừ sự nghiệp. Vì vậy, khi 4 vụ án liên tiếp liên quan đến tấn công tình dục được tuyên vô tội, bạn sẽ thấy hiệu ứng trong quá trình truy tố. Tiêu chuẩn nghiêm ngặt được đặt ra từ 3 trong 4 phán quyết đó là nạn nhân phải chống cự một cách rõ ràng. Nhưng đây là tiền lệ nguy hiểm, khiến cho các công tố viên từ đó tự trói buộc mình và cân nhắc tránh những vụ việc có xác suất không cao”, một công tố viên giấu tên phân tích.

Với Kamitani, điều này không thể chấp nhận được. “Công tố viên là những người duy nhất có thể kết tội và công chúng tin tưởng họ làm những điều đúng đắn. Tư pháp vốn là lĩnh vực rất nhạy cảm với dư luận nhưng các công tố viên cần làm đúng chức trách của họ”. Cựu luật sư này cho biết đang có ý định tham gia cuộc tuần hành sẽ được tổ chức vào ngày 11-7 tới.

Một đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, yêu cầu cải cách và cải thiện luật pháp về tấn công tình dục, hiện đã đạt được hơn 44.000 chữ ký. Câu hỏi mà người dân đặt ra rất đơn giản, cũng là câu hỏi mà các phóng viên ở Nhật Bản thường đặt ra: “Tại sao kẻ tội phạm tấn công tình dục lại không bị trừng phạt?”.

“Cho đến hiện giờ, phụ nữ đã bị buộc phải gạt nước mắt và quên những gì đã xảy ra. Nhưng lần này, họ không buông xuôi. “Cuộc biểu tình hoa” đòi nữ quyền đã tăng lên một cách tự nhiên như một phản ứng từ phán quyết của tòa án rằng nạn nhân “không chống cự đủ mạnh” và sự ủng hộ của công chúng ngày càng tăng lên. “Phong trào hoa” sẽ tiếp tục cho đến khi tòa án và nội các hành động. Bởi phụ nữ Nhật Bản đã gánh chịu đủ rồi”.

Luật sư Sakura Kamitani