Cùng vạch mặt đối tượng xấu gây bất ổn bằng thông tin sai sự thật

ANTD.VN - Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ động, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ Bộ tới Công an các đơn vị, địa phương. Toàn lực lượng đã vào cuộc một cách quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh.

Cùng vạch mặt đối tượng xấu gây bất ổn bằng thông tin sai sự thật ảnh 1

Không để đối tượng xấu lợi dụng

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, toàn quân và dân ta đã luôn đồng lòng với một quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19, lực lượng công an nhân dân với nỗ lực và quyết tâm cao nhất tham gia đóng góp tích cực trên mọi mặt của công tác phòng, chống dịch bệnh, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. 

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm...

Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ như việc các đối tượng phản động, chống đối đã xuyên tạc “bệnh nhân thứ 17 - Nguyễn Hồng Nhung chỉ là “con dê tế thần” để giúp Chính phủ Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, hợp thức hóa cho việc bùng phát bệnh dịch không phải do người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gây ra”.

Tung tin bịa đặt số người bị nhiễm bệnh lên tới gần 500 người ở 12 tỉnh/thành phố và hàng chục người đã tử vong vì nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để đưa những thông tin thiếu xác thực, phỏng đoán theo quan điểm cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Ví dụ như việc, các đối tượng đã tung tin sai lệch việc bệnh nhân thứ 17 tham dự khai trương hãng thời trang Uniqlo tại phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội (thực chất bệnh nhân đã được cách ly từ ngày hôm trước); xuyên tạc chính quyền đã chuẩn bị lò hỏa thiêu cho các địa phương; các tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh bị cách ly, cô lập hoàn toàn; hình ảnh chụp lại màn hình từ của một tài khoản Facebook được cho là của cô gái nhiễm bệnh với dòng trạng thái: “Bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe và xin lỗi người dân cả nước”…

Toàn dân đoàn kết, đồng lòng

Theo thống kê, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Tựu trung, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích bán hàng online…

Đáng chú ý, thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn USD để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh…

Trước tình hình trên, lực lượng công an đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội (KOL).

Để chung tay chống lại dịch bệnh Covid-19, bên cạnh nỗ lực của lực lượng công an nhân dân trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội. 

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Người nổi tiếng cần chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Cùng vạch mặt đối tượng xấu gây bất ổn bằng thông tin sai sự thật ảnh 2

Trong thời gian qua, có một con virus kinh khủng đã lan tràn trong đời sống của chúng ta, vào tận bữa cơm các gia đình, cuộc nói chuyện của bạn bè... và gây ra sự căng thẳng, lo sợ, thậm chí hoảng loạn: đấy là fake news (tin giả). Những tin tức theo kiểu “nghe nói là”, “chỗ này căng lắm”, “ở kia toang rồi”, “người này như thế này, người như thế kia”... được tung lên từ các trang cá nhân để câu view, gieo rắc nỗi sợ hãi, thậm chí bán hàng online là một thứ virus có sức tàn phá ghê gớm. Nó khiến chúng ta bi quan, chán nản, hoảng sợ và lây lan sang thêm những người khác nữa. 

Nguồn cơn của fake news đến từ cơn hoảng loạn tập thể của cộng đồng. Nó phản ánh nỗi sợ hãi của mọi người về một điều gì đó mà họ không kiểm soát được. Ngày trước, fake news sinh ra khi không có nhiều thông tin chính thống. Bây giờ, khi Việt Nam minh bạch tất cả thông tin về dịch thì tin giả vẫn không chết. Suy ra, càng đa dạng thông tin thì càng nhiều tin giả. Đó là một phép thử đối với dân trí và thái độ ứng xử xã hội của từng người. Trong việc này, tôi đánh giá là ở xã hội mình, trình độ ứng xử như vậy là rất thấp. Và thật thất vọng khi không ít trí thức cũng là người tạo ra tin giả, hoặc lan tỏa nó, hoặc bàn luận về nó một cách công khai. 

Tôi đề nghị, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay với tin giả trên mạng xã hội, kể cả xử lý hình sự. Bên cạnh đó, những người có ảnh hưởng  xã hội, các diễn viên, nghệ sĩ, các cầu thủ nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt hãy dành một chút thời gian cùng tham gia công tác chống dịch Covid-19 bằng việc lên tiếng trước nạn tin giả. Hãy cùng thể hiện trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, góp sức vào việc nâng cao sức khoẻ tinh thần của người Việt trên mạng xã hội.

Và hãy cho hàng triệu người hâm mộ, những người theo dõi các bạn trên Facebook thấy bạn thực sự muốn nâng cao sức khoẻ cộng đồng bằng việc chống lại tin giả, chống lại sự hoang mang không cần thiết. Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 của phòng chống dịch Covid-19, cần nhiều nguồn lực từ xã hội hơn. Những người nổi tiếng không thể ngồi đó và tiếp tục đưa những thứ làm ảnh hưởng đến cuộc chiến này.

Nhà văn Di Li: Tin giả hot vì nó có vẻ bí mật

Cùng vạch mặt đối tượng xấu gây bất ổn bằng thông tin sai sự thật ảnh 3

Không chỉ Việt Nam, tâm lý đám đông nước nào cũng vậy, rất sính nghe tin giả. Họ thích vì nó có vẻ bí mật. Là tin hot, họ sẽ có cảm giác như đây là những tin chỉ họ có được. Còn tin tức chính thống thì không quý bằng do ai cũng biết. Thật không may, có những tin tức lan truyền trước khi truyền thông đưa tin, nó cũng đúng sự thật, chứ nếu tất cả đều sai 100% thì người ta sẽ nghi ngờ. Vì vậy, tin giả nương vào đó mà lộng hành, thật giả không biết thế nào. Người đưa tin giả có “khoái cảm” mình là chủ nguồn tin quý, là nhân vật quan trọng.

Đôi khi chỉ vì họ hóng một tin ở đâu đó lúc trà dư tửu hậu, rồi về “chế biến” lại, tam sao thất bản. Tin giả trên mạng xã hội  giống hệt những chuyện phiếm được “buôn” trong nhóm các bà, các cô. Qua miệng cả trăm người, nó không còn chính xác được nữa. Tin giả thì luôn gây hại cho xã hội. Và người tin vào tin giả, lan truyền tin giả cũng góp phần vào sự lộn xộn đó. Nó gây hoảng loạn xã hội và nhiễu loạn thị trường. Đáng lẽ người dân tập trung vào lo phòng bệnh thì chỉ mải đọc tin giả rồi hoang mang, rồi cứ đi bàn bạc trao đổi mất thời gian vô ích.

Để khống chế tin giả, tôi nghĩ, giờ đã có luật định, ai tung tin giả sẽ bị xử phạt thật nặng. Tuy nhiên, có những loại tin giả ngấm ngầm rò rỉ trong các nhóm kín chứ không công khai trên mạng thì rất khó phạt. Tôi chỉ mong người dân tỉnh táo khi đọc những tin này và nên tiếp nhận thông tin trên báo chí chính thống để tránh bị mắc lỡm. 

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Hãy có trách nhiệm khi dùng mạng xã hội

Cùng vạch mặt đối tượng xấu gây bất ổn bằng thông tin sai sự thật ảnh 4

Trong thời buổi nhà nhà, người người dùng mạng xã hội đã tạo điều kiện cho những tin giả được đẩy đi nhanh hơn, xa hơn và hậu quả của nó chính là việc tạo ra tâm lý hoang mang cho người dân. Gần đây nhất là người Hà Nội đã có một ngày thứ bảy đầy âu lo khi các siêu thị, chợ, hết veo hàng hóa chỉ trong vài giờ. Giá cả được đẩy lên cao gấp 2, gấp 3 ngày thường nhưng vẫn “cháy hàng”. Sức mua lên tới 600%, người ta chen chúc nhau đi mua mì tôm, rau, thịt… để về chất đầy tủ lạnh.

Thế mới biết, tin thì giả nhưng thiệt hại cho đời sống là thật. Bên cạnh các biện pháp do các cơ quan chức năng áp dụng để hạn chế tin giả, tôi nghĩ mỗi người trước khi bấm bàn phím nên suy nghĩ xem, những dòng mình viết ra có ảnh hưởng tới ai không, có làm ai bị tổn thương không? Nếu không có thông tin chính xác, không xác minh được nguồn tin thì tốt nhất đừng viết ra. Hãy chọn biện pháp im lặng thay vì khuấy động dư luận. Beethoven có nói, những khoảng lặng trong âm nhạc cũng là âm nhạc. Để có bản nhạc hay, người nhạc sĩ, nghệ sĩ cần thời gian suy nghĩ. Phát ngôn hay viết ra những dòng tin cũng vậy.

Thanh Xuân (Ghi)