Cung ứng thực phẩm dịp Tết: Bộ bảo thiếu, Bộ nói đủ

ANTĐ - Theo tính toán của Bộ Công Thương, thịt lợn, thực phẩm chính cung cấp trong dịp Tết Nhâm Thìn sắp tới có thể thiếu từ 20.000-30.000 tấn. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT thì khẳng định, thịt cho trong nước sẽ không thiếu, thậm chí giá cả còn không “sốt” như hồi giữa năm.

Bộ NN&PTNT khẳng định không thiếu thịt dịp Tết

Cung đủ cầu tiêu dùng

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời điểm hiện nay, mỗi tháng mức tiêu thụ thịt trong cả nước vẫn đang duy trì ở mức 262.000 tấn thịt lợn và khoảng 62.000-63.000 tấn thịt gà. “Trong tháng 10, giá thịt lợn và gà có giảm mạnh nhưng hiện nay đang bình ổn trở lại. Với giá cả như hiện nay, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có thể chấp nhận được”, ông Sơn nói.

Song, tại cuộc họp bàn về cung ứng và bình ổn giá thực phẩm tết mới đây, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng từ 15-20% so với thời điểm bình thường, khoảng hơn 40.000 tấn. Trong khi hiện nay, sản lượng thịt cả nước chỉ tăng thêm được 10.000-15.000 tấn, như vậy nguồn cung thịt trong nước sẽ thiếu hụt từ 20.000-30.000 tấn. Chưa kể, gần đây đang xuất hiện tình trạng thịt lợn xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng mạnh. Đại diện Bộ Công Thương đưa ra dẫn chứng, lượng thịt xuất khẩu qua biên giới trong 4 tháng cuối năm 2011 đã lên tới 2.800 tấn. Đặc biệt, trong tháng 11 vừa qua tăng đột biến lên tới 936 tấn, cao gấp 3 lần so với hồi tháng

3-2011.

Trong khi đó, hôm 22-12 một lần nữa ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, thực phẩm và đặc biệt là thịt lợn cung ứng cho thị trường dịp giáp tết và sau tết, sẽ không thiếu. “Tôi không hiểu Bộ Công Thương tính toán như thế nào mà cho rằng sẽ thiếu từ 20.000-30.000 tấn thịt cho dịp cuối năm. Bộ NN&PTNT chúng tôi  khẳng định rằng, thịt lợn cho dịp cuối năm không thiếu”, ông Giao nói.

Ông Giao cho biết, chăn nuôi phát triển tương đối tốt, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Tất cả các sản phẩm đều tăng, gà tăng 15%, lợn tăng gần 6%, trâu bò tăng 8%, trứng sữa từ 10-12%. Thậm chí, các chuyên gia trong ngành đánh giá, chưa năm nào, Việt Nam lại nhập khẩu gà giống bố mẹ nhiều như năm nay, hơn 2 triệu con.

Giá không “sốt”

Trước thông tin sẽ thiếu thịt cho thị trường vào cuối năm, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các tỉnh, thành kiểm tra lại lượng thịt dự trữ tại các kho. Sau khi kiểm tra tất cả các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm thì hiện tại, cơ số trữ hàng để chuẩn bị cho dịp tết trong các kho của doanh nghiệp đều đầy ắp, có nơi vượt lên rất mạnh. Ở TP Hồ Chí Minh có mặt hàng lượng dự trữ tăng lên tới 250% so với nhu cầu, còn phần lớn là tăng

100-150%. “Nếu thiếu thịt cho tiêu dùng trong nước vào dịp cuối năm, Bộ NN&PTNT hoàn toàn nhất trí với việc nhập khẩu.

Song, nếu nhập khẩu thì phải kiểm soát chặt chẽ, để thịt đã nhập khẩu về phải đảm bảo chất lượng, không thể để xảy ra tình trạng như vừa qua, nhập thịt “bẩn” vào nước”, ông Giao đề nghị. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, mức tiêu thụ thịt vào dịp tết trên cả nước cũng không  còn tăng đột biến, như năm 2010, mức tăng chỉ 10-15%, khi thị trường mở cửa bán từ ngày mùng 1, mùng 2 tết, người dân cũng không còn mua tích trữ nhiều. Con số dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt tăng 25-30% của Bộ Công Thương có thể chưa sát thực tế tiêu dùng hiện nay. Do vậy, về tổng thể, cung đáp ứng đủ cầu, thậm chí, giá cả sẽ chỉ giữ ở mức như hiện tại, hoặc tăng nhẹ từ 2-3%, sẽ không đột biến như hồi giữa năm. Giá thịt gà ra tết sẽ giảm, bởi nuôi gà hiện nay chỉ từ 35-40 ngày là được xuất chuồng. Thêm vào đó, cần phải điều tiết, phân phối hợp lý, để không xảy ra tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu gây “sốt” giá cục bộ.