Cung Trí thức Hà Nội: Vắng như chùa bà Đanh

ANTĐ - Dù khánh thành cách đây một năm, với kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng hiện tại Cung Trí thức Hà Nội luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Bên ngoài và bên trong Cung Trí thức Hà Nội


Chưa hấp dẫn khách

Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ hội có trụ sở làm việc, thành phố Hà Nội đã cho xây dựng Cung Trí thức nhằm phát huy nguồn tri thức quý báu của các chuyên gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Cung Trí thức Hà Nội có vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trên diện tích rộng 6.668m2, khánh thành tháng 10-2010 với 2 khối nhà (16 tầng và 3 tầng), tổng diện tích sàn gần 16.000m2 tại khu đô thị Cầu Giấy. Ngoài diện tích văn phòng, Cung còn có thư viện, phòng truyền thống, phòng hội thảo, hội trường, khu làm việc, căng tin... đảm bảo chỗ làm việc cho 1.500 người. Công trình này được xem như món quà có ý nghĩa lớn của thành phố dành cho giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm đi vào hoạt động đến nay, phần lớn diện tích công trình vẫn đang trong tình trạng bỏ trống.

Có mặt tại Cung Trí thức, chúng tôi thấy đối lập với vẻ lộng lẫy, hoành tráng bên ngoài, ở bên trong chỉ lác đác vài nhân viên, phần lớn các phòng làm việc đều rất vắng. Thậm chí, một số tầng diện tích mặt bằng trống trơn. Trên các cánh cửa vẫn còn dán giấy có dấu niêm phong của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Ông N.V.T - đại diện một hội có tên trong danh sách được thuê địa điểm tại Cung Trí thức Hà Nội lo lắng: “Từ trước đến nay, để duy trì hoạt động chúng tôi phải thuê địa điểm tại nhà dân.

Do kinh phí hạn hẹp nên điều kiện làm việc của hội cũng rất chật chội, thiếu thốn và không ổn định, nay đây mai đó. Nhưng từ khi biết thành phố triển khai xây dựng Cung Trí thức chúng tôi rất phấn khởi vì nghĩ rằng chẳng bao lâu sẽ có văn phòng làm việc khang trang, sạch sẽ, ổn định lâu dài. Tuy vậy, giá thuê địa điểm tại đây là trở ngại không nhỏ. Đành rằng so với một số toà nhà khác, số tiền 100.000đ/m2 giá thuê là không cao nhưng không phải đơn vị nào cũng có khả năng chi trả vì trên thực tế một số hội, hiệp hội không có nguồn thu.

Chúng tôi rất mong thành phố xem xét, miễn giảm tiền thuê mặt bằng cho những đơn vị khó khăn thực sự về tài chính, tạo điều kiện cho họ có nơi làm việc tại Cung Trí thức Hà Nội”…

Từ chối ký hợp đồng

Được biết, thành phố đã phê duyệt danh sách các hội, hiệp hội được chuyển trụ sở tới đây nhưng hiện chỉ có một số hội chuyển tới làm việc tại Cung. Cũng có đơn vị tuy được mời đến làm hợp đồng nhưng có công văn đề nghị xin không thuê diện tích với lý do là đã có cơ sở làm việc ổn định, vị trí Cung Trí thức không thuận tiện cho hoạt động, giao dịch của họ nên họ không có nhu cầu thuê. Một số đơn vị khác dù đã được Ban quản lý Cung gửi công văn mời đến làm thủ tục hợp đồng thuê văn phòng, nhưng vẫn chưa đến hoàn thiện thủ tục.

 Theo đại diện một Chi nhánh quản lý Cung Trí thức TP Hà Nội - Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, hiện đã có 43 đơn vị đăng ký thuê địa điểm tại Cung Trí thức, trong đó có 35 đơn vị đã nộp hồ sơ, 20 đơn vị chuyển đến đây làm việc. Bên cạnh một số hội tuy có trong danh sách được thuê địa điểm nhưng từ chối vì “không có nhu cầu” thì vẫn có không ít hội muốn thuê thêm diện tích. Do thẩm quyền cho thuê diện tích tại Cung Trí thức thuộc thành phố nên dự kiến sau một thời gian nữa, khi các đơn vị đã chuyển về tương đối đầy đủ, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội sẽ kiểm tra, tổng hợp và báo cáo tình hình cụ thể với thành phố để xin ý kiến chỉ đạo. Hiện giá thuê sàn tại đây là 100.000 đồng/m2/tháng, giá này do thành phố quy định. Các đơn vị thuê diện tích chưa phải trả tiền một số dịch vụ như bảo vệ, thang máy, dọn vệ sinh. Theo thông tin ban đầu, một số đơn vị dù muốn dọn đến nhưng do chưa có kinh phí thanh toán nên còn ngần ngại. Những trường hợp này có thể làm đơn xin miễn giảm tiền thuê mặt bằng gửi thành phố để được xem xét, giải quyết.

Một công trình xây dựng hoành tráng về quy mô, sâu sắc về ý nghĩa nếu không được sử dụng có hiệu quả sẽ không đạt được mục đích đề ra ban đầu, gây lãng phí không nhỏ về vật chất.