Cung Thiếu nhi Hà Nội: Xuống cấp thì rõ, tu sửa thế nào?

ANTĐ - Khánh thành từ năm 1976, sau gần 40 năm liên tục hoạt động trong vai trò là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho thiếu nhi Thủ đô, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã xuống cấp. Đứng trước nhu cầu tu sửa cấp thiết, ngày 15-11 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội với tư cách là chủ đầu tư đã tiến hành các bước nhằm cải tạo, nâng cấp công trình này. Tuy nhiên, việc nâng cấp cải tạo lại gây ra những ý kiến trái chiều, rằng với một công trình mang nhiều ý nghĩa, gắn liền với sự phát triển của Thủ đô thì nên cư xử với nó như di sản kiến trúc chứ không phải công trình xây dựng.

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Xuống cấp thì rõ, tu sửa thế nào? ảnh 1Lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội khẳng định, việc nâng cấp, cải tạo đang được thực hiện đúng quy trình

Vườn ươm tài năng nghệ thuật

Thời Pháp thuộc, đây là 2 cơ sở riêng biệt, nửa phía Bắc là Ấu Trĩ Viên (vườn trẻ), là nơi vui chơi cho trẻ con, tổ chức các hoạt động nhân đạo, hội chợ. Nửa phía Nam là CLB của người Pháp - được gọi là nhà Xéc Tây. Một căn phòng chính của khu nhà từng là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1955, nơi đây trở thành Câu lạc bộ thiếu niên.

Đến năm 1974, nước bạn Tiệp Khắc (cũ) tài trợ, việc xây dựng Cung Thiếu nhi chính thức được triển khai. Kiến trúc sư Lê Văn Lân khi ấy là Phó Viện trưởng Viện Thiết kế công trình Hà Nội được giao nhiệm vụ thiết kế tòa nhà. Sau gần 3 năm xây dựng, công trình hoàn thành, được ví như “vườn ươm tài năng nghệ thuật” của các thế hệ thiếu nhi Hà Nội, nhiều lứa nghệ sĩ cũng từ đây mà trưởng thành.

Không chỉ có thế, công trình còn được ghi nhận là một trong những kiến trúc hiện đại ngày ấy của Hà Nội do KTS Việt Nam thiết kế, người Việt Nam xây dựng. Bên cạnh đó còn nhiều chi tiết thú vị, đó là nơi có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí nghệ thuật: tranh gốm - tranh tường - tranh kính. Chính vì những lý do trên, dù chưa có một văn bản pháp lý nào chính thức công nhận, nhưng trong con mắt của giới kiến trúc sư cùng nhiều người dân Hà Nội, đây luôn là một công trình kiến trúc hiện đại của Việt Nam.

Tu sửa nhưng không thay đổi kiểu dáng kiến trúc

Trở lại với việc cải tạo, nâng cấp đang được thực hiện trong thời gian vừa qua. KTS Lê Văn Lân, người vẽ nên diện mạo của Cung Thiếu nhi Hà Nội gần 40 năm trước cho biết, việc tu bổ tôn tạo là rất cần thiết, vì bao nhiêu năm trôi qua, một số hạng mục đã xuống cấp. Nhưng điều KTS Lê Văn Lân trăn trở là: “Tu sửa thế nào để vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa, đề cụm công trình Cung Thiếu nhi xứng đáng là di tích kiến trúc của thời hiện đại”.

Theo KTS Lê Văn Lân: “Tôi nghĩ chuyện tu sửa nâng cấp này nếu có sự tham góp của tôi - và tôi nói rõ rằng tôi không lấy thù lao - thì đương nhiên phải thuận lợi, nhanh hơn, tốt hơn, giảm chi phí hơn. Tôi là người hiểu công trình  này nhất”.

KTS Lê Văn Lân lấy ví dụ, một trong những điều ông thấy đáng tiếc đó là hàng cột bê tông ốp ngoài bằng granito hiện chỉ còn vài cái nguyên trạng, còn đâu tất cả đều đã bị bóc hết lớp granito phía ngoài. Trước đây, để xây được những cột này, Hà Nội đã phải tuyển chọn những người thợ lớn tuổi, lành nghề nhất miền Bắc.

Tại thời điểm này, ông thấy nó vẫn tốt, tốt hơn bất kỳ cái nào làm mới bây giờ. Hiện đã bóc đi gần hết lớp granito và trơ lõi bê tông rồi, bóc ra thì ốp cái gì vào? Mà có ốp mới thì đó cũng là vật liệu của năm 2015, chứ không phải của năm 1974.

Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, PV Báo An ninh Thủ đô cũng đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội và được biết, Cung Thiếu nhi đã xuống cấp nghiêm trọng, hồ sơ triển khai từ năm 2009, đến bây giờ dự án mới được phê duyệt. Lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội khẳng định, việc sửa chữa, cải tạo đang được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

“Khi KTS Lê Văn Lân có ý kiến tham góp thêm cho công trình thì Thành đoàn Hà Nội, với tư cách là chủ đầu tư, cũng như Ban Quản lý dự án và đơn vị thi công đã mời KTS Lê Văn Lân tham vấn. Trên cơ sở đó, Thành đoàn Hà Nội cũng tiếp thu một số ý kiến chúng tôi cho là hợp lý. Ví dụ một số hạng mục KTS Lê Văn Lân cho là còn tốt thì không nên thay đổi, tuy nhiên chúng tôi cho rằng do công nghệ xây dựng giờ đã hiện đại hơn nên nếu tu sửa thì cần đồng bộ, để đảm bảo hài hòa mỹ thuật. Còn kết cấu không có gì thay đổi so với trước cả” - ông Trần Anh Tuấn khẳng định. 

Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết, sẽ không có chuyện thay đổi kiểu dáng kiến trúc, kết cấu công trình mà chỉ cải tạo nội thất, bóc vữa, lát nền, thay cửa cũ đã xập xệ và vật liệu được lựa chọn sử dụng phù hợp với công trình.  

Bà Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia: 
“Cung Thiếu nhi Hà Nội - một công trình có giá trị”

Nếu một công trình không có giá trị kiến trúc thì chúng ta có thể sửa thế nào tùy chủ nhà. Tuy nhiên, với Cung Thiếu nhi Hà Nội, nó đang thực sự được nhìn nhận như một công trình có giá trị kiến trúc của một thời. Vì thế, toàn bộ việc sửa chữa cần tôn trọng nguyên tắc bảo tồn, giữ lại, tận dụng vật liệu gốc, thậm chí là thay mới vật liệu gốc cũng phải hạn chế. 

 KTS Đào Ngọc  Nghiêm - Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố:
“Minh chứng một giai đoạn phát triển của Thủ đô”

Cung Thiếu nhi Hà Nội được coi như địa điểm lịch sử, minh chứng một giai đoạn phát triển của Thủ đô, trong đó thiếu nhi được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Vấn đề ở chỗ, khi cải tạo phải tiến hành các thủ tục nên trao đổi với tác giả để thực hiện quyền tác giả.

Trong trường hợp không thể thống nhất được thì quyền quyết định thuộc về cơ quan quản lý. Quan điểm của tôi là đối với các hạng mục nhỏ và tạm bợ thì có thể bỏ đi, tu sửa sân vườn, nhưng không nên làm thay đổi kiến trúc chính. Hiện ở Hà Nội mới chỉ có các quy định về bảo vệ các công trình xây dựng trước năm 1954, còn giai đoạn 1954-1986 thì chưa hề có, mặc dù giai đoạn này việc xây dựng rất nhiều và nó cũng cho ra đời nhiều công trình kiến trúc có giá trị.

Ví dụ trường Đại học Thủy Lợi, trụ sở Bộ Xây dựng, cổng Công viên Thống nhất, Tổng cục Thống kê, Cung Thiếu nhi... Tôi nghĩ đã đến lúc, cần đưa các công trình kiến trúc có giá trị này vào danh mục gìn giữ và bảo vệ. Cải tạo, tu sửa là việc cần thiết nhưng phải giữ được nguyên trạng và phù hợp với quy định quản lý hiện hành.