Cùng say với trời đất Tả Phìn

ANTĐ - Dù Sa Pa không còn là địa điểm du lịch xa lạ với những người ưa thích sự khám phá, nhưng xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai dường như là một địa chỉ còn khá mới mẻ với nhiều người. Nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 15km đường núi, Tả Phìn là bản làng của cộng đồng người Dao đỏ với nền văn hoá khá độc đáo...

Hang Tả Phìn dài hàng chục cây số, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn


Còn đó những phong tục

Trở lại Sa Pa lần này, tôi thuê một chiếc xe máy, rồi theo sự chỉ dẫn của một người dân địa phương, tôi tìm đến Tả Phìn trong một buổi sáng mùa đông tràn ngập nắng và gió của núi rừng Tây Bắc. Trên con đường trải nhựa, mất chừng 30 phút, tôi đặt chân tới bản làng gần nhất của người Dao đỏ ở Sa Pa. Phong cảnh hoang sơ với những thửa ruộng bậc thang nằm giữa lưng chừng núi khiến tôi cảm thấy mình thật sự tách biệt với thế giới ồn ào, bụi bặm bên dưới. Hình ảnh những phụ nữ Dao đỏ trong bản ngồi quây quần bên nhau, trên tay mỗi người là những cuộn chỉ, tấm vải thêu đầy màu sắc, không lúc nào họ ngừng việc, ngay cả khi trò chuyện với khách du lịch. Có một điều thú vị là họ nói tiếng Anh rất giỏi, giỏi hơn cả nói tiếng Kinh.

Qua câu chuyện với những người dân Tả Phìn, tôi được biết, từ khi khách du lịch tới đây, đời sống của bản làng đã có nhiều thay đổi. Phụ nữ đã biết mặc quần Tây theo kiểu người Kinh mỗi khi xuống phố. Thế nhưng, những bộ váy sặc sỡ sắc màu với đường chỉ thêu tay vẫn luôn được họ chưng diện vào dịp quan trọng. Đối với người Dao, mỗi sản phẩm làm ra được coi như đứa con tinh thần, qua đó nói lên tính cách của người làm ra nó. Chị Tả Tần Mẩy, người Bát Xát lấy chồng ở Tả Phìn đang cắm cúi với suốt chỉ cười hiền: “Chị phải may áo mới để mặc đi đám cưới. May áo lâu lắm, một năm mới may xong được một bộ nên phải may từ bây giờ mới kịp. Đám cưới cũng là dịp để các chàng trai, cô gái có cơ hội tìm bạn cho mình. Thế nên có người mặc tới hai bộ váy áo chồng lên nhau có ý khoe rằng: “Tôi là người chăm chỉ thêu may”.

 Chị Mẩy cũng cho biết, tục lệ cổ trong lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ đến nay vẫn được duy trì. Đến ngày cưới nhà trai mang sang nhà gái một con lợn 30kg, 5kg gà, 20kg gạo và 25 lít rượu để lễ gia tiên. Lễ cho nhà gái gồm hai đùi lợn cho bố mẹ đẻ, hai đùi lợn cho ông bà nội, anh trai chị gái con dâu mỗi người 2kg thịt lợn. Đối với những cô gái đẹp, bố mẹ đẻ được nhận lễ là 50 đồng bạc trắng, còn các cô gái có nhan sắc trung bình chỉ 30 đồng bạc trắng. Mỗi người đi đón dâu được nhà trai biếu 1,5kg thịt lợn nên mỗi lễ cưới truyền thống người Dao đỏ rất đông người đến dự. Theo phong tục, phụ nữ và đàn ông đứng độc lập theo từng nhóm quây quần xung quanh nơi diễn ra lễ cưới. Trong lễ cưới, cô dâu trùm kín khăn đỏ, đứng yên vị trí chính giữa gần 10 người phù dâu đi theo vây quanh bảo vệ. Lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ còn được gọi là lễ Rượu. Bắt đầu buổi lễ, nhà gái sẽ cử ra hai người mời rượu nhà trai. Đáp lễ, nhà trai hát bài truyền thống cảm ơn nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng. Muốn xin dâu, nhà trai phải mời rượu những người họ hàng đi theo cô dâu. Lễ cưới ngoài trời sẽ kết thúc khi phía nhà trai hoàn thành phần mời rượu. Trong lễ cưới truyền thống để cầu sự may mắn, hạnh phúc, người Dao đỏ treo một tấm vải hoa đỏ trước cửa, nơi chú rể rước cô dâu về để đuổi tà ma. Đêm tân hôn diễn ra ngoài nhà chính, sáng hôm sau mới đưa giường cưới vào phòng cưới.


Thế giới thần bí trong hang động

Nhẩm đi nhẩm lại câu chào bằng tiếng Dao mà cô bé Tần Sử Mẩy dạy cho tôi lúc sáng khi bước chân đến Tả Phìn, Pường tọi! (xin chào!), gặp ai tôi cũng chào một cách hớn hở khiến cô bé cứ nhìn tôi tủm tỉm. Thấy một ngôi nhà gần đường treo cành lá to ở cửa, như đọc được suy nghĩ của tôi, cô bé giải thích: “Gia đình đang nấu rượu nên phải treo cành lá để mọi người đừng bước vào. Vì tục lệ ở đây, sợ người lạ bước vào khi đang đỏ lửa thì sẽ làm mẻ rượu có vị chua. Rượu ở đây rất đậm và dễ say lắm đó”. Ngay lúc ấy, thấy bảng chỉ dẫn vào hang Tả Phìn khiến tôi muốn khám phá ngay lập tức. Một cô bé cầm đèn pin mời tôi thuê làm người dẫn đường. Lò dò từng bước, theo sự chỉ đường nhiệt tình của cô bé người Dao tôi bước vào trong hang, cảm giác lạnh và kỳ thú đến ám ảnh, bởi nhiều nhũ đá vôi lóng lánh phản quang mỗi lần ánh đèn chiếu vào.

Đó là những chùm ánh xạ màu rất kỳ ảo. Tiếng vọng từ vách hang vọng lại cùng tiếng kêu tí tách của những hạt nước rơi từ trên cao khiến tôi cảm giác đang lạc vào một thế giới thần bí. Một ngọn gió lùa từ khe nào đó trong ngách hang lạnh buốt và rít lên như tiếng khóc của con trẻ. Cứ ngỡ hang Tả Phìn chỉ giống như những cái hang quen thuộc mà tôi đã từng qua, nhưng càng vào sâu bên trong tôi có cảm giác trong hang như có thần linh trú ngụ, luôn trị vì làm át đi cảm giác lo sợ những điều xấu xa đang ẩn nấp trong cõi trần gian...

“Hang động Tả Phìn có rất nhiều bí ẩn. Đây là một nơi có nhiều giá trị nghiên cứu, khảo cổ và tham quan du lịch... cần được giữ gìn và bảo vệ”, một cán bộ xã đã nói với tôi như vậy. Cũng theo vị cán bộ này muốn đi hết hang phải mất chừng 2 ngày vì nhiều ngóc ngách và các bậc uốn lượn kéo dài hàng chục cây số, ra tận Lào Cai. Có thể nói đây là hang động dài và tạo cảm giác kỳ lạ nhất. Dường như nó bắt nguồn do con suối Tả Chảy, ngày đêm uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh, tạo nên vẻ đẹp đầy bí ẩn. Mặc dù rất muốn khám phá nhưng tôi cùng vài người khách du lịch đành phải quay trở lại vì cảm giác sờ sợ đi mãi không đến đích. “Nếu đi tiếp sẽ không thể quay về vào buổi chiều được”, cô bé người Dao dẫn đường thật thà nói với tôi. Nhìn các cô bé khoác trên mình những tấm áo thổ cẩm rực rỡ trong ánh nắng nhuộm một màu vàng óng ả đổ dài trên những khuôn mặt tươi rói, tất cả cứ lung linh như điệu nhảy vào mùa say đắm và bồng bềnh trong đám mây bay lang thang trên sườn núi. Ánh mắt của các cô bé người Dao lúng liếng, bủa giăng như muốn níu giữ tôi ở lại.