Cùng một nguy cơ

ANTĐ - Những năm 1990, nước uống lên men của Sanzhu được coi là thực phẩm chức năng hàng đầu ở Trung Quốc, chỉ trong vòng 3 năm lượng tiêu thụ đã tăng 64 lần, đạt doanh thu 8 triệu NDT. 

Người ta thậm chí còn so sánh, mạng lưới bán hàng của Sanzhu chỉ đứng sau mạng bưu chính của nước này. Tuy nhiên, chỉ một sự kiện đã khiến công ty có lịch sử cả trăm năm với 150.000 nhân viên đó lâm vào đường cùng. Khi đó, một tờ báo đăng tin “Một người đàn ông tử vong sau khi uống 8 lọ Sanzhu”. Thông tin chưa biết thật giả thế nào, nhưng đã khiến đội ngũ bán hàng của công ty này rối loạn, ôm tiền hàng bỏ trốn, trong khi tầng lớp lãnh đạo cấp cao không hề đưa ra được biện pháp nào hóa giải nguy cơ, mỗi người một ý. Sự sụp đổ sau đó của công ty được đánh giá là do yếu tố tự thân nhiều hơn do tác động bên ngoài. 

Cùng một nguy cơ đó, nhưng Công ty Johnson của Mỹ lại càng trở nên vững chắc hơn. Năm 1981, công ty này tung ra sản phẩm thuốc giảm đau mới, thu hút rất đông khách hàng. Năm 1982, một người bệnh sau khi uống thuốc này đã tử vong, gây chấn động toàn nước Mỹ. Lượng tiêu thụ giảm mạnh tới trên 30%. Những phương án cấp bách lập tức được áp dụng, trong đó có việc đề nghị cảnh sát điều tra, cuối cùng làm rõ việc một người cố ý hãm hại bằng cách mua thuốc về, bơm thêm chất độc vào đó rồi trả lại cửa hàng. Thủ phạm nhanh chóng bị bắt, Johnson cũng chi tới 500.000USD để gọi điện tới từng hộ tiêu dùng giải thích. Một loạt sự kiện tuyên truyền sau đó được thực hiện, khiến công ty giành lại được chỗ đứng trên thị trường, thậm chí còn đạt được mức tiêu thụ cao hơn.

Bước đường cùng có thể là dấu chấm hết với người này, nhưng lại là cơ hội vươn lên với người khác, chủ yếu ở cách ứng đối thế nào.