Cùng lúc lĩnh 2 tội khi uống rượu say, cậy phá cây ATM

ANTD.VN - Đỗ Chí C (SN 1984) đi uống rượu về vào lúc nửa đêm. Do gặp trời mưa, C đã vào cây rút tiền tự động (ATM) của ngân hàng để trú. Tại đây, khi quan sát không thấy có người, C đã nảy sinh ý định cạy phá cây ATM để trộm cắp tiền. Khi đang dùng một cục bê tông để đập cây ATM và tìm cách mở khóa két sắt thì bị bảo vệ phát hiện, tri hô, khiến C phải bỏ chạy. Qua trích xuất camera, C đã bị cơ quan công an bắt giữ. Ngân hàng xác định cây ATM do hành vi đập phá của C đã hư hỏng một số thiết bị có tổng trị giá 150 triệu đồng. Kiểm tra thực tế số tiền bên trong két sắt tại thời điểm C cạy phá cây ATM có 450 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định số tiền mặt trong két của cây ATM chưa bị mất. Vấn đề đặt ra là với hành vi trên, Đỗ Chí C đã phạm tội gì?

Cùng lúc lĩnh 2 tội khi uống rượu say, cậy phá cây ATM ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội Cố ý làm hư hỏng tài sản

Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy hành vi của Đỗ Chí C mặc dù nhằm mục đích trộm cắp tài sản nhưng đã cố ý cạy phá và làm hư hỏng, mất giá trị sử dụng của cây ATM, xâm phạm đến tài sản của ngân hàng gây thiệt hại trị giá 150 triệu đồng. Do đó theo tôi, C phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Tuy mục đích ban đầu của C khi đập phá máy ATM là để trộm tiền, tuy nhiên theo tôi, C không phạm tội Trộm cắp tài sản bởi tội này có cấu thành vật chất, tài sản phải chiếm đoạt được và có định lượng. Mặc dù bên trong máy ATM tại thời điểm C định trộm cắp có 450 triệu đồng, nhưng cơ quan điều tra đã xác định số tiền chưa bị mất. Như vậy C chưa lấy được số tiền của ngân hàng, nghĩa là chưa dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu. Số tiền trong cây ATM vẫn thuộc quyền sở hữu của ngân hàng nên C hoàn toàn không phạm tội Trộm cắp tài sản.

Phạm Mạnh Hùng (Bảo Thắng - Lào Cai)

Phạm tội Trộm cắp tài sản 

Theo tôi, Đỗ Chí C đã có hành vi lén lút, lợi dụng đêm tối để trộm cắp tài sản, xâm phạm quyền sở hữu của ngân hàng với giá trị chiếm đoạt là 450 triệu đồng. Hậu quả của hành vi phạm tội mà C gây ra là làm hư hỏng cây ATM gây thiệt hại 150 triệu đồng. Tuy nhiên mục đích của C là nhằm trộm cắp tài sản nên để lấy được tiền trong cây ATM thì bắt buộc đối tượng phải cạy phá, làm hư hỏng cây ATM. Tôi cho rằng những hành vi này của C chỉ nhằm phục vụ cho mục đích ban đầu là trộm cắp tiền ở cây ATM. Vì thế không thể coi đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Việc Đỗ Chí C chưa trộm cắp được số tiền mặt có trong cây ATM là do bị bảo vệ phát hiện nên bỏ chạy, do đó theo tôi C vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản trong trường hợp phạm tội chưa đạt với giá trị chiếm đoạt là 450 triệu đồng.

Tô Minh Hoàng (Sơn Trà - Đà Nẵng)

Chỉ bị xử phạt hành chính

Đặc điểm của tội Trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt và phải có sự dịch chuyển trực tiếp tài sản ra khỏi vị trí ban đầu. Hành vi chiếm đoạt của C không thực hiện được vì bị bảo vệ phát hiện và tri hô nên không thể xác định giá trị tài sản mà C định chiếm đoạt là bao nhiêu.

Vì C chưa tác động trực tiếp đến tài sản, mà chỉ mới tạo điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nên theo tôi C chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Và do không thể chứng minh được C sẽ chiếm đoạt bao nhiêu tiền nên không thể xác định được khung hình phạt mà T sẽ được áp dụng thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hay không.

Nên theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho người phạm tội thì C được loại trừ trách nhiệm hình sự. Còn hành vi đập phá cây ATM để lấy trộm tiền, theo tôi hành vi này chỉ là hành vi đi liền trước hành vi chiếm đoạt, là phương pháp để C đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản của mình, nên C không phạm tội Cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo tôi C chỉ bị xử lý hành chính và phải bồi thường thiệt hại dân sự đối với việc gây ra thiệt hại khi phá cây ATM.

Ngô Hải Hà (Thái Thuỵ - Thái Bình)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào các tình tiết trong vụ việc có thể thấy, mặc dù Đỗ Chí C chưa hoàn thành việc trộm cắp, chưa lấy được số tiền trong máy ATM nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Theo Điều 15 Bộ Luật Hình sự 2015: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”. Phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra đối với loại tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, trong đó người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa thực hiện trọn vẹn, hay chưa hoàn thành tội phạm đó vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội; người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.

Khi thực hiện hành vi trộm cắp, mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm được tài sản. Mục đích này bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội Trộm cắp tài sản. Do đặc điểm của tội Trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút. Điều này được thể hiện rất rõ trong vụ việc này là C lợi dụng đêm tối, xung quanh không có ai nên đã thực hiện hành vi trộm cắp của mình bằng cách dùng cục bê tông để đập phá cây ATM. Trong lúc đang tìm cách mở két sắt thì bị bảo vệ phát hiện, C đã bỏ chạy.

Dù chưa lấy được tài sản, nhưng C đã có ý định và mục đích trước khi thực hiện hành vi của mình, việc C không lấy được tiền là vì lý do khách quan và nằm ngoài ý chí của C. Vậy nên dù cho C có chưa chiếm đoạt được tiền trong cây ATM nhưng vẫn bị coi là đã phạm tội Trộm cắp tài sản trong trường hợp phạm tội chưa đạt. C nhận thức rõ là trong máy ATM có tiền, mặc dù không biết cụ thể là bao nhiêu và đã lén lút đập máy ATM với mục đích là trộm cắp số tiền trong máy. Chỉ khi bị phát hiện C mới không thể tiếp tục thực hiện được hành vi trộm cắp tài sản. Trên thực tế bên trong máy ATM có 450 triệu đồng, nếu không bị phát hiện thì có thể C đã trộm cắp được số tiền trên. Do đó, hành vi của C thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Khi thực hiện hành vi trộm cắp tiền ở máy ATM, C đã dùng cục bê tông đập phá máy ATM gây thiệt hại số tiền 150 triệu đồng. Theo tinh thần Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội xâm phạm sở hữu thì: “Đối với các tội có quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng, thì việc xác định hậu quả thiệt hại về tài sản không phải căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng, vì giá trị tài sản này đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt. Hậu quả phải là thiệt hại về tài sản xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng”.

Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng có cấu thành vật chất, tài sản hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng phải có định lượng. Trong vụ việc này C đã có hành vi đập phá làm máy ATM hư hỏng một số thiết bị với tổng thiệt hại là 150 triệu đồng. Xét về mặt chủ quan, trong tình huống này C nhận thức rõ hành vi của mình sẽ làm hư hỏng tài sản nhưng vẫn cố ý phá hủy máy ATM để trộm cắp tiền. 

Không thể cho rằng mục đích của C là nhằm trộm cắp tài sản nên để lấy được tiền trong cây thì bắt buộc đối tượng phải cạy phá, làm hư hỏng cây ATM vì đối với tội này thì cho dù phá hủy tài sản của người khác vì bất cứ mục đích gì (thù tức cá nhân, để thực hiện tội phạm khác, phá chơi không có mục đích…) nhưng nếu là cố ý thì đều phạm tội. Vì vậy, trong trường hợp này C phạm vào tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. 

Như vậy trong vụ việc này Đỗ Chí C đã phạm 2 tội là tội Cố ý làm hư hỏng tài sản và tội Trộm cắp tài sản. 

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng, Văn phòng luật sư Hùng Mạnh