Cùng lính cứu hỏa giành giật sự sống trước tử thần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với những chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy (PCCC), họ luôn phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho các nạn nhân mắc kẹt trong các sự cố cháy nổ, sập nhà. Mệnh lệnh cứu người là sợi dây vô hình hối thúc, khiến người lính sẵn sàng quên hiểm nguy .

Cuộc điện thoại lúc rạng sáng

Chuông điện thoại của tôi bất ngờ reo vang lúc rạng sáng 4-8-2016, đó là số gọi đến của Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Hà Nội. Khi đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn còn là đơn vị riêng chưa thực hiện tinh gọn, sáp nhập vào CATP Hà Nội. Đại tá Nguyễn Trường Sơn thông báo rất ngắn gọn: “Có vụ sập nhà ở ở phố Cửa Bắc, Cảnh sát PCCC đang huy động triển khai cứu người”.

Điện thoại tắt phụt, tôi nhanh chóng lấy đồ nghề phóng đến hiện trường tác nghiệp. Trước mắt tôi là đống ngổn ngang bê tông, gạch đá. Trong ánh sáng nhập nhoạng, đèn xe cứu hỏa, cứu thương nháy chớp liên hồi càng làm cho khung cảnh hiện trường thêm căng thẳng, hối thúc… Đại tá Nguyễn Trường Sơn thông báo với tôi thông tin này là do tôi được cơ quan phân công “bám” lực lượng PCCC&CNCH. Đây là lực lượng vốn được coi là “rắn” trong việc tiết lộ thông tin khi chưa có kết quả rõ ràng nên việc ban đầu tiếp cận họ không dễ dàng gì. Nhưng do mối thâm tình, gần gũi từ những dòng tin nhỏ về hoạt động của đơn vị, cho đến các sự kiện chữa cháy, cứu nạn tôi đều nhập cuộc nên mối quan hệ dần trở nên thân thiết, tin cậy. Kể từ khi đó, mỗi lần có thông tin cháy nổ, cứu nạn… những người lính cứu hỏa đều gọi cho tôi sớm nhất.

Trở lại sự kiện sập nhà tại số 43 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội, đó là một ngôi nhà 3 tầng cũ. Khi công trình bên cạnh đào móng xây dựng đã khiến nó bị ảnh hưởng, dẫn đến nền đất lún gây sập đổ. Cả một gia đình có 5 người đang ngủ say bị vùi lấp dưới những khối bê tông khổng lồ. Chỉ trong chốc lát, lực lượng cứu nạn, cứu hộ được huy động với những thiết bị tối tân nhất khi đó đến làm nhiệm vụ.

Hàng trăm lính cứu hỏa chạy đua với thời gian để bằng mọi giá cứu người mắc kẹt dưới đống đổ nát. Những thiết bị nâng thủy lực, máy cẩu, máy cắt hoạt động nhịp nhàng chuyển những khối gạch đá ra ngoài để tiếp cận vị trí người gặp nạn. Bất ngờ một cánh tay động đậy trong kẽ hở của các tấm bê tông, khi máy cẩu vừa nâng khối mảng lớn gạch vữa ra khỏi nơi nạn nhân nằm. Cuộc giành giật sự sống với tử thần của những người lính cứu hỏa lúc này đếm từng giây… Hàng trăm người dân đứng từ xa hồi hộp, nín thở dõi theo dõi công việc của các chiến sĩ. Rồi 1 người, 2 người, 3 người lần lượt được đưa ra bởi những người lính mặt mũi nhem nhuốc vì bụi bẩn và mồ hôi ướt sũng.

“Có 5 nạn nhân tất cả, nhưng chỉ cứu được 3, còn 2 người bị bê tông đè trúng đã tử vong” - một người lính cứu hỏa buồn bã nói với tôi. Cơn mưa to ập tới, nhưng nạn nhân cuối cùng mới chỉ xác định vị trí chứ chưa đưa ra được vì khối bê tông quá lớn. Những người lính vẫn dầm mình trong mưa cho tới khi đưa được tất cả nạn nhân ra khỏi đống đổ nát mới dừng công việc.

Lực lượng CNCH- CATP Hà Nội tìm kiếm cứu nạn trong vụ sập nhà tại số 43 phố Cửa Bắc

Lực lượng CNCH- CATP Hà Nội tìm kiếm cứu nạn trong vụ sập nhà tại số 43 phố Cửa Bắc

Đang tác nghiệp bị… mời khỏi hiện trường

“Mời anh ra ngay khỏi khu vực” - một chiến sĩ cảnh sát PCCC đứng bên hàng rào sắt đề nghị tôi. Đó là thời điểm 1 ngày sau khi xảy ra đám cháy tại quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy khiến 13 người tử vong. Khi đó, tôi có mặt để ghi lại hiện trường công tác khám nghiệm điều tra nguyên nhân cháy. Mặc cho tôi giải thích là phóng viên nhưng người lính kiên quyết không đồng ý.

Tôi đành phải đứng ngoài để tác nghiệp trong khả năng có thể. Khi vòng ra phía sau của tòa nhà bị cháy, tôi gặp một cán bộ của Phòng số 3 - Cảnh sát PCCC quận Cầu Giấy vừa từ hiện trường ra. Do nhiều lần làm việc, anh và tôi khá thân nhau. Tôi đề cập việc muốn tiếp cận phía trong thì được anh khuyên không nên, thứ nhất là các chiến sĩ đang khám nghiệm hiện trường cùng với Viện Kiểm sát, Cục Cảnh sát PCCC& CNCH (Bộ Công an). Hơn nữa, kết cấu tòa nhà bị lửa nung trong thời gian dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng, rất có thể sập đổ, khá nguy hiểm.

Cảnh sát PCCC- CNCH- CATP Hà Nội tiếp cận tìm kiếm cứu nạn trong vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông

Cảnh sát PCCC- CNCH- CATP Hà Nội tiếp cận tìm kiếm cứu nạn trong vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông

Lần gần đây nhất, tôi tác nghiệp tại vụ cháy nhà tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội vào ngày 4-4. Đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khiến 4 người trong một gia đình tử vong. Khoảng 6h sáng cùng ngày, tôi phóng xe đến khu vực để tác nghiệp. Do tôi quá tự tin vì đã quen với lực lượng Cảnh sát PCCC& CNCH nên thản nhiên chui qua hàng rào bảo vệ tiến vào gần hiện trường. Tôi đang đứng trước cửa ngôi nhà bị cháy lấy máy ảnh chụp thì bất ngờ một đồng chí Công an tiến lại “mắng tơi bời”. Sau một hồi phân trần “báo nhà”, đồng chí Công an bảo: “Báo gì anh cũng ra khỏi khu vực này. Anh em đang làm nhiệm vụ, anh vào vừa nguy hiểm lại khó làm việc”- đồng chí Công an kiên quyết.

Tôi chấp hành lui lại nơi quy định để tác nghiệp. Đối với những phóng viên, mỗi người có góc nhìn, cách tiếp cận và làm việc khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là nỗ lực bằng mọi cách để khai thác được thông tin, hình ảnh dưới góc riêng của mình. Và… hôm đó tôi đã lấy được trọn vẹn thông tin, phục vụ độc giả An ninh Thủ đô một cách nhanh và chính xác nhất bằng cách tiếp cận trực tiếp các nhân chứng vụ việc.