Cùng hành động để không phải trả giá

ANTD.VN - Tuần qua, những hình ảnh về đợt mưa, lũ sau áp thấp nhiệt đới hoành hành khắp các tỉnh miền Bắc và Trung bộ luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân cả nước. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả đáy; 4 gia đình với 18 người thiệt mạng bị chôn vùi trong trận sạt lở đất kinh hoàng ở xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình; một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cùng 3 người khác bị cuốn trôi khi mố cầu Ngòi Thia bị lũ cuốn trôi ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái; hàng nghìn hộ dân phải di dời, sống vất vưởng trên thuyền, trên đê... để tránh lụt; sau rất nhiều năm, xã ngoại thành Hà Nội bỗng chìm trong biển nước vì sự cố đê Bùi; 4.000 con lợn chết nổi lềnh phềnh khi trại nuôi ngập nước...

Tới chiều tối 13-10, đã có 96 người chết và mất tích do đợt mưa lũ này. Đây là con số khủng khiếp bởi trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng cộng có 169 người chết và mất tích do thiên tai. Vẫn biết thiên tai tàn nhẫn và không thể tránh khỏi nhưng mất mát quá lớn vẫn khiến người ta không khỏi bàng hoàng, đau xót... Suốt một dải miền Trung và nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc bộ, khu vực Tây Bắc đang oằn mình chống chọi với mưa lũ. Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La... là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Và trong khi người dân các địa phương đang phải vật lộn với mưa lũ thì cơn bão số 11 lại từ ngoài khơi tiến vào uy hiếp đất liền, cảnh báo một đợt mưa, lũ mới có thể dữ dội không kém...

Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng khốc liệt. Mưa bão, lũ lụt, hạn hán và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác ngày một khó lường cũng như gây thiệt hại ngày càng lớn. Cơn giận dữ của thiên nhiên, khỏi phải nói, phần lớn bắt nguồn từ chính hoạt động của con người. Chúng ta đang phải trả giá bằng sinh mạng cho các hoạt động phá hoại môi sinh của mình. Chỉ có một giải pháp để hạn chế thiệt hại kinh hoàng do thiên tai gây ra. Đó là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và kiểm soát chặt chẽ những hoạt động gây hại tới môi trường sinh thái. 

Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu - vừa được tổ chức với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Nhiều quyết sách, ngắn hạn và dài hạn, đã được đề ra để cứu nguy cho vựa lúa lớn nhất cả nước. Khoảng 1 tỷ USD sẽ được đầu tư cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực này. Chúng ta nên vạch ra chiến lược tổng thể, dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực miền Bắc và Trung bộ. 

Vẫn biết, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nhưng chúng ta hãy tự có trách nhiệm với chính mình. Việc nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi cũng góp phần tích cực làm giảm tác động xấu đến môi trường sinh thái.