Cùng đổ mồ hôi với nông dân

ANTĐ - Đó có lẽ là cách khắc họa rõ nét nhất việc làm của  những CBCS Đội Nông nghiệp Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế, CATP Hà Nội. Công việc của họ là phát hiện hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt, hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra cho người nông dân.

Các điều tra viên Đội Nông nghiệp Phòng An ninh kinh tế
đang lấy lời khai một đối tượng sản xuất hàng giả

Cuối tháng 5-2013, Đội Nông nghiệp Phòng An ninh Kinh tế nhận được một số thông tin phản ánh của người dân về việc giống lúa BC15 (giống lúa của Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình) bị lép trên địa bàn Hà Nội. Qua rà soát và nắm tình hình các trinh sát được biết: Tại địa bàn xã La Phù, Hoài Đức xảy ra trường hợp xã viên mua giống lúa BC15 từ HTX nông nghiệp La Phù về gieo cấy vụ hè thu năm 2013 có tỷ lệ thóc nảy mầm thấp, chỉ đạt khoảng 50%. Lần theo dấu vết từ đây, các trinh sát của Đội Nông nghiệp đã truy đến tận gốc cơ sở sản xuất của bà Ngô Thị Hảo tại Tân Dĩnh, Bắc Giang, làm rõ toàn bộ số đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán thóc giống giả giống lúa BC15, xử lý nghiêm trước pháp luật. 

Có mặt tại xã La Phù, huyện Hoài Đức vào những ngày đầu tháng 6, trong cái nắng nóng oi nồng, chúng tôi không quên được nụ cười của những người nông dân, cùng lời cảm ơn chân thành của họ đối với những CBCS của Đội Nông nghiệp khi đã phát hiện, ngăn chặn hơn 1 tấn thóc giống giả tiếp tục bị đưa vào sản xuất. Giá trị thiệt hại với mỗi người nông dân không lớn, chỉ vài trăm nghìn đồng, song nếu như giống lúa ấy được gieo trồng, bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt của người dân 6 tháng ròng rã sẽ ra sông ra biển. Giá trị thiệt hại của công sức ấy thật khó mà tính nổi. 

Ngay sau đó chừng 2 tuần, 130 thùng carton cá song giống Trung Quốc đang chờ tại sân bay Nội Bài để vận chuyển vào Nam cũng đã bị lực lượng của Đội Nông nghiệp qua quá trình trinh sát phát hiện được và ngăn chặn kịp thời. Nếu không bị phát hiện, rất có thể số cá song giống Trung Quốc này sẽ được mang đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam, gây thiệt hại về lợi ích kinh tế cho người nuôi trồng.

Đó là chưa kể rất nhiều vụ ngăn chặn gia cầm nhập lậu liên tuyến, vụ in bao bì giả giống lúa với quy mô và đường dây phức tạp. Lặng lẽ theo từng chuyên án, mỗi mắt xích đều được tháo gỡ, từ người vận chuyển đến chủ hàng đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Để có được những kết quả đó, mỗi trinh sát của đội đều cố gắng hết mình. Có những đêm, để phát hiện vụ vận chuyển gia cầm, chim rừng, thóc giống giả, họ phải thức trắng, căng mắt theo dõi mọi di biến động của đối tượng. Nhưng không phải hôm nào ra quân cũng thắng, có những ngày, đối tượng không thực hiện theo quy luật vận chuyển ban đầu, 2-3 ngày không xuất hiện. Các trinh sát của đội không vì thế mà rút lui khỏi vị trí, dù nhiều đêm phục kích, các anh, các chị ra về tay không.

Là một trong 6 đội nghiệp vụ của Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế, Đội Nông nghiệp vẫn tự nhận mình là “em út” của phòng. Thiếu tá Nguyễn Hào Hùng, Đội trưởng Đội Nông nghiệp chia sẻ: “Mỗi vụ việc Đội Nông nghiệp khám phá, không “đao to búa lớn” mà chỉ sát với thực tế hàng hóa người dân sử dụng hàng ngày, nhất là liên quan đến người nông dân. Hàng giả nếu đến tay người sử dụng, nhất là đối với người nông dân sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn trong mỗi vụ án, nhưng những CBCS của đội vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình. Chúng tôi xác định, chúng ta lớn lên nhờ hạt lúa, củ khoai của người nông dân, vì vậy lợi ích của người nông dân luôn phải đặt lên hàng đầu”.