Cùng chữa "bệnh nan y": Sách lậu

(ANTĐ) - Các nhà xuất bản sách và tạp chí tiếp tục hứng chịu tình hình không thể kiểm soát sách vi phạm bản quyền và sao chụp bất hợp pháp dưới dạng sách in lại, dịch và photocopy bất hợp pháp. Các nhà sách tư nhân hay nhà nước, các quầy sách vỉa hè, các hiệu sách trong các trường đại học... đều bán sách vi phạm, đó là những đầu sách bán chạy nhất như sách tham khảo, giáo trình, từ điển v.v.

Cùng chữa "bệnh nan y": Sách lậu

(ANTĐ) - Các nhà xuất bản sách và tạp chí tiếp tục hứng chịu tình hình không thể kiểm soát sách vi phạm bản quyền và sao chụp bất hợp pháp dưới dạng sách in lại, dịch và photocopy bất hợp pháp. Các nhà sách tư nhân hay nhà nước, các quầy sách vỉa hè, các hiệu sách trong các trường đại học... đều bán sách vi phạm, đó là những đầu sách bán chạy nhất như sách tham khảo, giáo trình, từ điển v.v.

Sách tham khảo, giáo trình học tiếng Anh bị làm "nhái" nhiều nhất
Sách tham khảo, giáo trình học tiếng Anh bị làm "nhái" nhiều nhất

Các nhà xuất bản quốc tế chùn bước...

Với hơn 86 triệu dân, Việt Nam là nước đang phát triển và có tiềm năng kinh tế lớn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên vẫn tồn tại một trong những rào cản lớn đó là tình hình vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến - đặc biệt nghiêm trọng nhất là các tác phẩm văn học và ấn phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Các nhà xuất bản sách và tạp chí tiếp tục hứng chịu tình hình không thể kiểm soát sách vi phạm bản quyền và sao chụp bất hợp pháp dưới dạng sách in lại, dịch và photocopy bất hợp pháp. Các nhà sách tư nhân hay nhà nước, các quầy sách vỉa hè, các hiệu sách trong các trường đại học, các tiệm photo đều bán sách vi phạm, đó là những đầu sách bán chạy nhất như sách tham khảo, giáo trình, từ điển v.v. Tình trạng in quá số lượng cho phép vẫn tiếp diễn làm chùn bước các nhà xuất bản quốc tế khi cấp phép in ấn ở địa phương. Riêng đối với thị trường sách dạy và học tiếng Anh thì 90% sách lưu hành là sách vi phạm và phổ biến nhất là ở các trung tâm ngoại ngữ và các trường đại học.

Theo báo cáo khối liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ International Intellectual Property Alliance (IIPA), sau hơn 4 năm Việt Nam tham gia công ước Berne và 2 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã có những tiến triển rõ nét trong việc thực thi quyền bảo vệ trí tuệ, cho đến nay tình trạng vi phạm bản quyền đã có giảm nhưng không đáng kể.

Theo số liệu thống kê của khối liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ International Intellectual Property Alliance (IIPA) năm 2008 - thì các loại băng đĩa vi phạm chiếm 95% các loại sách chiếm 90%. Ước tính thiệt hại khoản $19 triệu/năm. Việt Nam được xếp vào một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới

Một đại diện các nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam cho biết: Tổng số đầu sách chúng tôi đã cấp phép chỉ ở mức độ chưa đến 100 đầu sách - theo số liệu thống kê sơ bộ thì hiện nay trên thị trường Việt Nam có đến hàng chục ngàn đầu sách lưu hành, và đến 90% những đầu sách này là sách vi phạm (không được cấp bản quyền từ NXB nước ngoài).

Vị đại diện hợp pháp của các NXB nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam nhận định: "Do chế tài dành cho các đối tượng vi phạm chưa đủ sức răn đe nên những đối tượng vi phạm này ngang nhiên sản xuất và tung ra thị trường những sản phẩm không qua kiểm duyệt và sản phẩm không được đóng thuế. Tất nhiên, đối với những đối tượng này họ sẽ không suy nghĩ đến chất lượng sản phẩm, quyền lợi của người tiêu dùng, và chính sách tái đầu tư cho xã hội mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt. Những đối tượng vi phạm này không những vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn có thái độ thách thức pháp luật và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế." 

"Nguyên gốc" và "hàng nhái" chẳng khác nhau là mấy

Những loại sách vi phạm tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm lừa dối người tiêu dùng: Sách được in như sách gốc, chất lượng và hình ảnh giống nhau (đạt đến tỷ lệ 80-90 %) ,  giống đến mức chỉ những người chuyên môn trong nghề mới phát hiện được; Sách nhái tương tự như sách gốc, nội dung như sách gốc nhưng có chú thích vài câu Tiếng Việt và có tên NXB địa phương; Sách song ngữ vừa Tiếng Việt, vừa Tiếng Anh, có ghi tên tác giả nước ngoài và tên người dịch sang Tiếng Việt nhưng không hề có hợp đồng chuyển nhượng tác quyền của tác giả hoặc của nhà xuất bản nước ngoài. Nguy hiểm hơn, những nhà làm sách vi phạm đã thay đổi, thêm, bớt nội dung hình ảnh một cách tùy tiện, thậm chí dịch sai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tác phẩm mà vẫn tung ra thị trường để thu lợi nhuận trong thời điểm nóng.

Thông thường các nhà xuất bản phải đầu tư trung bình từ 1-3 năm để hoàn thiện một tác phẩm - trong khi đó với công nghệ tiên tiến thì các nhà làm sách vi phạm chỉ cần khoảng từ 1-2 ngày là có một sản phẩm vi phạm.

Sinh viên là đối tượng cần tìm mua những cuốn sách tham khảo, giáo trình, từ điển... Đôi khi họ không biết mình mua phải sách "nhái"
Sinh viên là đối tượng cần tìm mua những cuốn sách tham khảo, giáo trình, từ điển... Đôi khi họ không biết mình mua phải sách "nhái"

Lãnh đạo công ty FAHASA (Công ty phát hành sách Việt Nam) cũng phải thừa nhận: "Trước đây, phải 8 tháng thì mới làm “nhái” được sản phẩm, nhưng hiện nay một sản phẩm có uy tín bị làm “nhái”, chỉ sau một thời gian ngắn là xâm nhập, phá giá thị trường Việt Nam. Tốc độ, quy mô làm nhái, làm giả bây giờ nhanh hơn trước rất nhiều. Lợi dụng những tiện ích của kỹ thuật số, các nhà in lậu đã nhanh chóng sao chép và phát tán số lượng lớn sách giống hệt sách nguyên bản in từ nước ngoài và chất lượng không kém so với sách gốc. Thời gian cung ứng hàng của sách in lậu cũng nhanh chóng hơn sách gốc nhập khẩu, bởi được in tại địa phương nên những tổ chức làm sách lậu có thể cung ứng một số lượng lớn sách trong khoảng thời gian ngắn, trong khi các nhà nhập khẩu sách chân chính thì cần ít nhất 1 tháng mới có thể nhập sách về từ các nước châu Á và 2 tháng nếu sách nằm ở Anh, Mỹ, Úc... đây thực sự là một thử thách lớn cho thị trường sách ngoại văn hợp pháp."  

Có một thực tế đáng buồn là, do bị vi phạm bản quyền, một số các nhà xuất bản lớn tại Mỹ, Anh rất lo ngại khi một số cá nhân hoặc tổ chức đề nghị mua bản quyền sách của những đơn vị này để in ấn và xuất bản tại Việt Nam...

Giải pháp nào cho "bệnh nan y"?  

Trong cuộc họp của các NXB trong nước và đại diện của một số NXB nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam, một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sách vi phạm bản quyền càng ngày càng trở thành "căn bệnh nan y" được "mổ xẻ". Theo đó, nguyên nhân đầu tiên được kể đến là cơ chế pháp luật bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện và chưa phát huy đúng mức, biểu hiện vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít ỏi và mức phạt còn quá nhẹ so với mức thiệt hại thực tế. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, các chủ thể sở hữu trí tuệ chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Đại diện các NXB nước ngoài tại Việt Nam đưa ra kiến nghị và các giải pháp: "Cần tăng cường và chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý cấp phép xuất bản. Các nhà xuất bản trong nước có xu hướng hợp tác với các đơn vị làm sách cần có trách nhiệm hơn trong việc kiểm tra hợp đồng hợp tác của đơn vị đó với các tổ chức nước ngoài, kiểm duyệt nội dung trước khi xuất bản và phát hành. Các cơ sở giáo dục cần tích cực hơn trong việc khuyến khích sử dụng sách gốc. Các đơn vị phát hành, các nhà sách và bạn đọc nên cảnh giác không phát hành, lưu trữ và sử dụng sách vi phạm làm ảnh hưởng đến thương hiệu và lợi ích của chính mình".

Không chỉ có vậy, các nhà xuất bản nước ngoài (các chủ thể sở hữu trí tuệ) cùng đề cập đến việc liên kết và thành lập hiệp hội các nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam nhằm phối hợp với văn phòng luật sư chuyên trách, chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng và thông tin báo chí để sẵn sàng thực hiện các biện pháp có thể nhằm bảo vệ quyền lợi khi phát hiện trường hợp sách vi phạm. Thậm chí, giải pháp gửi thư đến các trường nhằm cảnh báo tình hình sử dụng sách trái phép và khuyến khích sử dụng sách gốc, lên danh mục các đầu sách vi phạm gửi đến các nhà phân phối chính đề nghị các nhà phân phối không nên phát hành sách vi phạm cũng được tính đến. Các đối tác nước ngoài kêu gọi: "Gửi danh mục sách cuả chúng tôi đến các nhà xuất bản trong nước và yêu cầu các nhà xuất bản trong nước liên hệ với chúng tôi trước khi kí hợp đồng hợp tác với các đơn vị làm sách có nguồn gốc xuất xứ từ các nhà xuất bản chúng tôi."

Là nhà phát hành sách của nhiều xuất bản lớn trên thế giới có sách bị vi phạm bản quyền, Công ty FAHASA cũng đề xuất một số giải pháp. Trước hết, FAHASA tính đến việc các NXB phối hợp với Công ty FAHASA in một số tựa sách được các trường sử dụng nhiều tại Việt Nam để hạ giá thành xuống thấp, hợp lý giúp các học sinh, sinh viên có khả năng mua được như: Grammar in use, Vocabulary in use, Connect, New interchange… Nhà xuất bản, Nhà phát hành cùng phối hợp với trường chọn tựa sách, đưa ra giá đặc biệt và giá sách được đưa vào học phí để khi học sinh đóng học phí là được phát ngay sách gốc để học. 

Thật khó phân biệt sách thật, sách "lậu"
Thật khó phân biệt sách thật, sách "lậu"

Bên cạnh đó, các NXB trong nước cần nghiên cứu kỹ hơn để hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của cuốn sách trước khi cấp giấy phép xuất bản và không cấp phép cho các đối tượng đã có hành vi vi phạm bản quyền. Các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hơn các đối tượng đã từng làm lậu sách. Kêu gọi các trường học, thư viện, phụ huynh, thầy cô, học sinh, sinh viên, độc giả hãy quay lưng với sách in lậu. Thậm chí, đại diện công ty FAHASA còn tính đến giải pháp đề nghị Nhà nước xem những hành vi vi phạm nghiêm trọng bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, phát hành là tội phạm và có mức xử lý nghiêm minh.

Chưa bao giờ việc kêu gọi "chống sách lậu" được đề cập đến như một hồi chuông báo động riết róng như thế. Đến lúc này thì cả các NXB trong nước lẫn các đối tác nước ngoài đều cảm thấy bất an với "bệnh nan y" của thị trường sách Việt Nam. Điều họ trông đợi nhất là ý thức của mỗi độc giả trong nước đối với việc bài trừ sách lậu. Cũng rất thực tế, họ đã tính tới việc giảm giá thành sản phẩm để thuyết phục độc giả hơn.

Phú Duy