Cùng chia sẻ rủi ro

ANTĐ - Sắp tới 447 dịch vụ khám, chữa bệnh trong các bệnh viện công sẽ có một bảng giá cụ thể thay cho bảng giá đã quá cũ ban hành từ năm 1995 và 2006. Liên Bộ Y tế - Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn hướng dẫn các bệnh viện công, bệnh viện địa phương và các cơ sở y tế triển khai Thông tư 04 về điều chỉnh giá 447 dịch vụ y tế. Tinh thần chỉ đạo là các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, không tự điều chỉnh mức thu, không bắt người bệnh đóng thêm.

Theo một Thứ trưởng Bộ Y tế, căn cứ Thông tư 04, tùy thuộc từng địa phương để đề ra mức giá phù hợp cho mỗi tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế chỉ đạo một số bệnh viện, xây dựng cơ cấu giá phối hợp với Sở Tài chính và bảo hiểm xã hội các tỉnh tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh. Sẽ có 3 cái lợi mà người dân sẽ được hưởng khi thực hiện đúng thông tư. Chẳng hạn tất cả mọi chi phí sẽ được đưa vào trong “gói” dịch vụ y tế, người tham gia bảo hiểm y tế gần như không phải đóng các phần chi thêm vào đó, họ chỉ đồng chi trả theo quy định của của Luật BHYT.

Hoặc như một số dịch vụ y tế chất lượng cao, kỹ thuật cao, trước đây chỉ có các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc Trung ương mới thực hiện, nay nhiều cơ sở y tế khác có thể triển khai, người dân dễ dàng được sử dụng. Khi tăng tới gần 450 loại dịch vụ, người bệnh không thể không lo ngại các bệnh viện sẽ lợi dụng “té nước” theo, vậy Bộ Y tế có cách gì để ngăn ngừa? Đại diện Bộ Y tế khẳng định Thông tư 04 đã quy định khá chi tiết cơ cấu giá thành của từng dịch vụ, các bệnh viện không thể đề xuất mức phí cao hơn mức tối đa do liên bộ quy định. Đơn cử, chi phí cho giường bệnh không đạt chuẩn, không có điều hòa thì không thể đòi thu phí cao. Đặc biệt đối với bệnh viện hạng 1, bệnh viện chất lượng cao thì sẽ đề xuất mức phí tối đa là hợp lý, còn bệnh viện hạng 2, hạng 3 chưa đáp ứng được thì phí phải thu thấp hơn.

Bộ Y tế cũng yêu cầu, khi viện phí tăng, bệnh viện phải nâng cao chất lượng, giảm thủ tục nhiêu khê, phiền hà, tạo sự hài lòng cho người bệnh. Bộ còn chỉ đạo các bệnh viện phải công khai bảng giá dịch vụ đã được phê duyệt để người dân nắm rõ, nhất là mức giá khám bệnh, ngày/giường điều trị. Tuy nhiên Luật BHYT đã quy định thanh toán theo định suất, nghĩa là Quỹ BHYT sẽ giao cho bệnh viện một “cục tiền” tính theo số đầu thẻ bảo hiểm của bệnh viện đó. Bệnh viện có trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ sao cho hiệu quả và tránh lãng phí.

Theo đó, nếu bệnh viện nào kết dư được quỹ thì sẽ được hưởng 20%, bệnh viện nào bội chi chỉ được thanh toán 60%. Quy định này đã khiến cho nhiều bệnh viện phải “xoay xở”, tính toán. Nếu năm trước kết dư quỹ và được hưởng nguồn lợi thì năm sau bệnh viện sẽ phải cố gắng “buộc bụng” để đảm bảo nguồn quỹ. Theo Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, quy định này đẩy các bệnh viện vào tình thế vừa phải lo an toàn nguồn quỹ, vừa phải đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Thực tế cho thấy chi trả theo định suất, người thiệt thòi vẫn là bệnh nhân.

Điều phối viên chương trình y tế của Ngân hàng Thế giới cho rằng, không thể ép người bệnh xuống tuyến dưới mà phải làm sao để nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất, các cơ sở y tế tuyến dưới để người bệnh yên tâm khám chữa bệnh. Nguyên tắc của BHYT là đem lại lợi ích chung, cùng chia sẻ rủi ro.