"Cung cấp đủ khí đốt cho EU vào năm 2015"- Mỹ đang tự huyễn hoặc mình?

ANTĐ - Mạng “Tin tức Ukraine” đưa tin, Mỹ vừa trấn an đồng minh bằng cam kết đến năm 2015 sẽ đáp ứng vượt nhu cầu khí đốt cho EU. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cho rằng, điều này là không khả thi.

Cam kết trên được Mỹ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh năng lượng Âu-Mỹ. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng cho rằng, Mỹ và châu Âu cần xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Ông Kerry cũng tuyên bố, phía Mỹ đã phê chuẩn 7 giấy phép xuất khẩu khí đốt, nhằm đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đến năm 2015 Mỹ sẽ bắt đầu cung cấp nguồn khí đốt cho châu Âu, với số lượng đảm bảo vượt nhu cầu sử dụng của toàn bộ châu Âu hiện nay.

Trước đó, bộ trưởng Bộ công nghiệp năng lượng và than đá Ukraine cũng cho biết, nước này đang có kế hoạch tu sửa các phương tiện tích trữ khí hóa lỏng, bao gồm cả nguồn khí đốt nhập khẩu từ Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Kiev và Moscow, cả Mỹ và EU đều hy vọng các biện pháp hợp tác năng lượng với Washington sẽ giúp châu Âu thoát khỏi áp lực phụ thuộc khí đốt vào Nga. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này là không thể.

Để xuất khẩu khí sang nước khác, ngoài việc cần tự do hóa xuất khẩu khí đốt, Mỹ còn phải xây dựng đủ số lượng thiết bị đầu cuối LNG, mà hiện nay, Mỹ chỉ phê duyệt có 7 dự án xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG xuất khẩu.

Trong số đó, cũng mới có 2 thiết bị được triển khai, dự án thứ 7 mới được thông qua vào cuối tháng 3 vừa qua.

Dự kiến đến cuối năm 2015, 7 thiết bị phục vụ xuất khẩu này mới hoàn tất, có nghĩa là đơn giao hàng xuất khẩu khí đốt đầu tiên của Mỹ cũng không thể giao sớm hơn năm 2016.

Chỉ với 7 đầu mối cung cấp khí đốt trên tổng số 32 đầu mối cần thiết để cung cấp đủ lượng khí đốt sang châu Âu sẵn sàng hoạt động vào thời điểm năm 2016, vậy Mỹ làm thế nào để cung cấp đủ chứ đừng nói là vượt nhu cầu của EU trong năm 2015?

"Cung cấp đủ khí đốt cho EU vào năm 2015"- Mỹ đang tự huyễn hoặc mình? ảnh 1

Thị phần của Gazprom tại các thị trường khí đốt châu Âu năm 2013 đã tăng lên 30%

Ngoài ra, giá khí đốt châu Âu rẻ hơn rất nhiều so với châu Á sẽ khiến các nhà kinh doanh Mỹ không có lãi hoặc lãi rất thấp, mà lợi nhuận là yếu tố sống còn đối với các nhà tư bản.

Về phần mình, châu Âu cũng chưa sẵn sàng để nhận khí đốt của Mỹ vì thiếu cơ sở hạ tầng. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Âu, khi các nước này hầu hết phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Điển hình như nguồn nhiên liệu của Lithuania 100% là do Nga cung cấp.

Đặc biệt là các nước châu Âu chủ yếu ký hợp đồng cung cấp khí đốt dài 20 năm với Gazprom. Nếu phá bỏ hợp đồng với Nga họ sẽ bị phạt nặng, đồng thời cũng không sử dụng được các cơ sở hạ tầng cung cấp khi đốt của Nga để tiếp nhận nguồn năng lượng Mỹ.

Một báo cáo do các nhà phân tích của Sanford C. Bernstein & Co công bố cho thấy, nếu chối bỏ năng lượng Nga để sử dụng nhiên liệu Mỹ, các nước châu Âu sẽ mất tới 215 tỷ USD chi phí cơ bản. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế trầm trọng này, không nước EU nào sẵn sàng làm điều này.

Vì vậy, có thể nhận định, nếu có thì chỉ vài nước tây Âu, nơi đã có sẵn các thiết bị LNG là có thể nhận khí đốt của Mỹ, còn các nước nghèo ở đông Âu thì có lẽ, nguồn “nhiên liệu xanh” của Nga vẫn là yếu tố không thể thiếu.

Trong khi đó, thị phần của Gazprom tại các thị trường khí đốt châu Âu năm ngoái đã tăng lên 30% so với 25,6% của năm 2012 và điều này sẽ không thể cải thiện trong nhiều năm tới. Kế hoạch của Mỹ xét trên thực tế là thiếu tính khả thi.