Cùng các chiến sĩ an ninh mạng đánh sập đường dây làm ăn của “bà trùm” Lê Thị Hạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bắt đầu từ việc phát hiện những trang mạng rao bán công khai hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) bao gồm cả hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử, trong hành trình 180 ngày, các trinh sát Đội 6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp cùng công an các quận, huyện, thị xã từng bước làm rõ các đối tượng liên quan...
Các đối tượng trong vụ án

Các đối tượng trong vụ án

Từ những đầu mối nhỏ…

Trung tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, từ đầu năm 2017 thực hiện chủ trương cải cách hành chính thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, người nộp thuế không bắt buộc phải nộp bảng kê chi tiết trong kê khai thuế GTGT. Đặc biệt, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khiến một số đối tượng lợi dụng những kẽ hở trong quản lý, dùng không gian mạng để đăng tải thông tin, quảng cáo, thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tháng 4 năm 2020, qua công tác trinh sát, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện nhiều trang Facebook, Zalo… có đăng tải thông tin quảng cáo, giới thiệu về dịch vụ mua, bán hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp để thực hiện kê khai thuế khấu trừ hàng hóa dịch vụ đầu vào. Đặc biệt nổi lên là trang Facebook “Dịch Vụ Cung Cấp Hóa Đơn VAT, GTGT, VAT Điện tử”. Trung tá Đào Mạnh Hà - Đội trưởng Đội 6 (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) cho hay: “Sau khi rà soát các trang Facebook, Zalo, trinh sát phát hiện có những trang địa chỉ ở tận Tiền Giang. Chúng tôi nghi vấn rất có thể người quản trị các trang mạng xã hội rao bán hóa đơn này đều là của một người. Tuy nhiên do mạng là “ảo” nên thời gian xác minh không thể trong 1-2 ngày mà có kết quả ngay được”.

Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, suốt 2 tháng trời các trinh sát mới xác định được người quản trị các trang Facebook rao bán công khai hóa đơn GTGT là Nguyễn Nam Khánh (SN 1991, trú tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội). Đáng chú ý trong đội ngũ cộng tác viên của Khánh còn có cả vợ chính đối tượng cùng tham gia. Quá trình đấu tranh, từ những tài liệu, căn cứ ban đầu về hoạt động của Khánh, Ban chuyên án đã mở rộng xác định thêm được các đối tượng liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn GTGT điện tử siêu “khủng” này.

Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cho hay, trước đây các phòng nghiệp vụ của CATP Hà Nội cũng đã triệt xóa nhiều đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT giấy với số tiền ghi khống lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên đơn vị chủ trì chuyên án đấu tranh với loại tội phạm mua bán trái phép hóa đơn điện tử. Chỉ cần một cú click chuột, hàng chục nghìn hóa đơn sẽ được gửi tới những người có nhu cầu, gây ra những thiệt hại kinh tế cho Nhà nước rất lớn. Không giống như hóa đơn GTGT giấy, hóa đơn GTGT điện tử lại hoàn toàn khác và để chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng là không hề đơn giản.

Quá trình nắm hành tung của Nguyễn Nam Khánh, các trinh sát đã phát hiện người chuyên cung cấp hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử cho Khánh là Lê Thị Hạnh (SN 1985, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hạnh là bà chủ một ki-ốt kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Giời (chợ Hòa Bình, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng). Nếu quan sát từ bên ngoài, cửa hàng của Hạnh cũng không khác gì những cửa hàng buôn bán phụ tùng trong khu chợ này. Thế nhưng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, dày công theo dõi di biến động của đối tượng, các trinh sát phát hiện Lê Thị Hạnh mới chính là bà trùm, là cầu nối tất cả các đầu mối trong đường dây. Trước đây, thông qua các mối quan hệ xã hội, Khánh biết Hạnh có thể cung cấp hóa đơn GTGT giấy và điện tử nên phối hợp cùng “làm ăn”.

Đối tượng Lê Thị Hạnh

Đối tượng Lê Thị Hạnh

Cất trọn mẻ lưới

Thực hiện phương án phá án, 140 CBCS thuộc các Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra; và các phòng nghiệp vụ chia thành 8 tổ công tác tổ chức theo dõi, giám sát, mật phục các đối tượng, địa điểm nghi vấn từ ngày 31-12-2020. Sau khi Ban Chuyên án họp thống nhất chủ trương, kế hoạch phá án là ngày 12-1. Toàn bộ 8 tổ trinh sát được phân công đồng loạt triển khai bắt, khám xét khẩn cấp với các đối tượng liên quan trong đường dây gồm: Lê Thị Hạnh; Ngô Thị Xuân (SN 1960, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Nam Khánh; Trần Quang Hiếu (SN 1983, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm); Nguyễn Đình Vũ (SN 1991, trú tại phường Phố Huế). Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam tất cả các đối tượng.

Tài liệu chuyên án thể hiện, Lê Thị Hạnh là đối tượng giữ vai trò chính giữa các đối tượng sản xuất và tiêu thụ hóa đơn GTGT. Hạnh lấy hóa đơn giấy từ Ngô Thị Xuân, lấy hóa đơn điện tử từ Nguyễn Đình Vũ để bán lại cho nhóm của Nguyễn Nam Khánh và hưởng hoa hồng. Các quyển hóa đơn Hạnh mua từ Xuân đã được đóng dấu, ký tên khống tại liên số 2 giao cho khách. Các thông tin còn lại được bỏ trống để Hạnh có thể tự điền thông tin của bên mua. Phần thông tin khách hàng được Khánh cung cấp, Hạnh tự viết hóa đơn hoặc cung cấp thông tin cho Xuân, Vũ để lên hóa đơn và gửi trực tiếp đến địa chỉ khách hàng. Còn Xuân sử dụng cửa hàng tại ngõ Thịnh Yên (quận Hai Bà Trưng) để sản xuất hóa đơn GTGT.

Tang vật vụ án

Tang vật vụ án

Tại cơ quan công an, Xuân khai nhận làm 2 loại dịch vụ liên quan đến xuất khống hóa đơn GTGT. Một là tự làm hoặc đi mua lại dấu hộ kinh doanh tại phố Đoàn Trần Nghiệp, có đầy đủ tên, chức danh, chữ ký. Khi có khách hỏi mua hóa đơn, Xuân sẽ ký, đóng dấu rồi xuất cho khách và hưởng lợi 450.000 đồng/ hóa đơn. Hai là nhận viết thuê hóa đơn, nếu khách hàng có nhu cầu thì đưa cho Xuân bộ hóa đơn GTGT không có thông tin về hàng hóa, đơn vị mua bán. Lúc đó Xuân sẽ ghi thông tin đáp ứng đúng yêu cầu và gửi lại liên 2 cho khách. Đối tượng khác trong chuyên án là Nguyễn Đình Vũ phụ trách việc sản xuất hóa đơn GTGT điện tử. Vũ quản lý khá nhiều chữ ký số, dữ liệu hóa đơn điện tử của các công ty “ma” chỉ để mua bán với Nguyễn Nam Khánh, Lê Thị Hạnh và các đối tượng khác.

Không giống như hóa đơn GTGT giấy, hóa đơn GTGT điện tử lại hoàn toàn khác và để chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng là không hề đơn giản. Nếu quan sát từ bên ngoài, cửa hàng của Hạnh cũng không khác gì những cửa hàng buôn bán phụ tùng trong khu chợ này. Thế nhưng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, dày công theo dõi di biến động của đối tượng, các trinh sát phát hiện Lê Thị Hạnh mới chính là bà trùm, là cầu nối tất cả các đầu mối trong đường dây.