Cụm tình báo H63 và những chiến công huyền thoại

ANTĐ - Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM, ông lão 86 tuổi với nụ cười đôn hậu say sưa kể về những ngày đầu đi làm cách mạng và hoạt động tình báo cho chúng tôi nghe. Đó chính là Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Cụm trưởng Cụm tình báo H63, người chỉ huy của những nhà tình báo huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo.

Lòng hướng về Nam

Đại tá Nguyễn Văn Tàu tên thường gọi là Tư Cang, sinh ra tại xã Long Phước, thị xã Bà Rịa -Vũng Tàu. 6 năm trường làng, trường tỉnh, sau đó ông thi vào trường Petrus Ký và đỗ cao, được học bổng nội trú. Tại trường Petrus Ký, ông đã học được tiếng Pháp, tiếng Nhật. Sau đó, Nhật - Pháp đánh nhau, trường phải chuyển về Mỹ Tho, nhà ông lúc đó không đủ tiền để cho ông theo học nữa.

Chiêu một chén trà, ông Tư Cang nhớ lại: Do ông biết tiếng Pháp, nên các cấp chỉ huy đưa ông vào ngành tình báo, quân báo tỉnh Bà Rịa, đến năm 1950 ông được cấp trên cho ra chiến khu D để học khoá bổ túc cán bộ trung đội trưởng. Không lâu sau, ông được cấp trên điều về làm chỉ huy phó quân báo tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. Khi đó, tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn từ Xuyên Mộc kéo về đến Mộc Hoá - Long An, căn cứ đóng ở rừng Sác, ông làm tổ trưởng quân báo Cần Đước - Cần Giuộc - Nhà Bè, phó chỉ huy quân báo tỉnh. 

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, ông và các đồng đội tập kết ra Bắc. Từ Thanh Hóa, đơn vị của ông chuyển lên Hòa Bình, tập trung thành sư đoàn do Đại tá Tô Ký làm Chính ủy. Mặc dù ở đất Bắc nhưng trong lòng ông vẫn thôi thúc phải về Nam đánh Mỹ, vì phía kẻ thù không tuân thủ Hiệp định Geneva, cuộc tổng tuyển cử năm 1956 đã không diễn ra. “Thành ra, tui ráng tập luyện dữ lắm, tập luyện những kỹ thuật của tình báo, tập lái môtô”, ông kể. Ông mua máy ảnh, tập chụp, tráng rửa ảnh rồi tập bắn súng ngắn hai tay, trở thành xạ thủ súng ngắn của sư đoàn. Mỗi tháng, Bộ Quốc phòng cấp cho 39 viên đạn K54, ông vào núi Miếu Môn tập bắn. 

Sang đến năm 1961, Đại đoàn 338 tập trung về Nam, ông có tên trong danh sách đơn vị đi đầu tiên. Ông nhớ lại, rạng sáng đơn vị hành quân vào giới tuyến 17, sông Bến Hải thì ông được giữ lại học nghiệp vụ tình báo 6 tháng ở Hà Nội. Đến tháng 12-1961, ông được lệnh hành quân về Nam, đi 100 ngày trên các triền núi Trường Sơn bên nước bạn Lào để về đến chiến khu D.

Trong chiến thắng vang dội ngày 30-4-1975 có những đóng góp lặng thầm của cụm tình báo H63

Mặt trận âm thầm 

Tháng 4-1962 tại chiến khu D, Tư Cang tiếp nhận mạng lưới tình báo Phạm Xuân Ẩn. Địa điểm của cụm đóng tại rừng chồi Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi - Sài Gòn - Gia Định, với nhiệm vụ võ trang, liên lạc chỉ đạo bằng thư từ, lấy tin tức ở trong nội thành gửi cho Trung ương.

Với tư cách là Cụm trưởng Cụm tình báo H63, ông luôn có mặt ở Sài Gòn để chỉ đạo mạng lưới tình báo Phạm Xuân Ẩn điều tra, nghiên cứu những kế hoạch của kẻ thù cũng như giải quyết những tình huống khó khăn phức tạp. Có những nhiệm vụ mà cấp trên giao cho ông và Phạm Xuân Ẩn rất gay go ác liệt, có thể hy sinh  tính mạng.

Đại tá Tư Cang nhớ lại: Có lần Trung ương giao cho một lá thư để chuyển cho một cán bộ cao cấp của hàng ngũ bên kia, là người nước ngoài. Đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhưng nhiệm vụ của trên giao thì phải thi hành, dù có phải hy sinh. Tối ấy, ông Ẩn về từ biệt vợ con. Một tháng sau, người mà cấp trên chỉ đạo đưa thư tới dự một bữa tiệc, hai người quyết định hành động. Ông Tư Cang lái xe đưa ông Ẩn đến dự tiệc. Hai người thảo luận với nhau, ông Tư chờ dưới sân, ông Ẩn lên gặp người của phe bên kia để trao thư. Trên đường đi, ông Tư Cang còn nói: “Anh đưa thư sẽ lộ ra là Việt Cộng. Nếu chúng nó phát hiện ra và bắt anh thì thế nào cũng sẽ xuống bắt nốt tui, có 2 khẩu súng giấu ở đây, tui táng vài đứa rồi tui với anh hy sinh”. Sau này mấy tháng trước khi về cõi vĩnh hằng, ông Phạm Xuân Ẩn còn nói với người chỉ huy của mình: “Tôi làm tình báo mấy mươi năm chưa bao giờ chân run như khi cầm thư đưa cho tay người nước ngoài năm đó”. 

Hồi đó mỗi năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Việt Nam Cộng hòa đều ký một văn bản quân sự cho năm sau gọi là AB. Đó là kế hoạch có tính chiến lược, nhưng những tài liệu ấy, năm nào lưới tình báo của Phạm Xuân Ẩn cũng lấy được chuyển về theo đường giao liên của Cụm tình báo H63 cho Trung ương, do vậy mọi hoạt động quân sự của kẻ thù, Trung ương đều biết trước. Nhờ những chiến công trên, Cụm tình báo H63 đã được Nhà nước phong tặng là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1971.

Những giây phút cân não

Cuối năm 1967, bọn Mỹ rình đánh địa đạo. 30 Tết năm đó hai bên ngừng bắn 3 ngày, cho dân ăn Tết. Nhưng bọn địch lại nói với dân, không ngừng bắn, vì dưới đất có một nhóm Việt Cộng có máy và điện đài, nên chúng quyết tâm bắt cho được. Trên điện xuống cho 7 - 8 đồng chí bộ đội rút về căn cứ Bời Lời, riêng ông Tư Cang phải vào trong thành Sài Gòn điều nghiên và báo cáo ra Trung ương. Đêm 30 Tết, anh em cắt vòng vây của địch về căn cứ, còn mình ông đi theo hướng ngược lại.

Nhà tình báo chiến lược hồi tưởng: “Ngày 1 tết, tôi đến nhà bác Bảy, có tên thường gọi là dượng Hai, một cơ sở cách mạng. Ngoài ấp, tụi Mỹ vẫn bố ráp tìm bắt cho được đội võ trang. Tôi bàn với dượng Hai, khi bọn Mỹ hỏi, dượng Hai cứ nói, đây là thằng cháu dưới Sài Gòn lên chơi. Tui sẽ nói tiếng Mỹ với tụi nó, dượng đừng sợ!”. Sau khi lính Mỹ đi khỏi, ông thay quần áo, lên xe đàng hoàng về Sài Gòn làm nhiệm vụ. 

Mùa xuân Mậu Thân 1968, trên đề ra 3 khả năng, đó là chiếm lại Sài Gòn, tiêu diệt sinh lực cao cấp, và đập tan mưu đồ xâm lược của đế quốc. Cả miền Nam nổi dậy, lực lượng tình báo cũng được cấp trên chỉ định khi cần kíp cũng đánh địch trên mọi tình huống. Năm đó, cấp trên có trang bị cho Cụm H63 2 khẩu súng K54 và 30 viên đạn vì biết ông là xạ thủ bắn súng hai tay. Đại tá Nguyễn Văn Tàu kể: Tình báo của mình thu thập tình hình và báo cáo ra Trung ương. Cấp trên nhận định, đây là trận cuối cùng nên tình báo cũng được trang bị các loại vũ khí tham gia đánh địch. 

Tối mùng 1 Tết Mậu Thân, các chiến sĩ biệt động thành của ta tấn công vào Dinh Độc Lập, nhưng bị địch đẩy lui. Đường Nguyễn Du và đường Thủ Khoa Huân ở chợ Bến Thành đi lên, góc ngã tư này có công trình xây dở, chiến sĩ ta phòng ngự trong đó.  Ông kể: “Trận đó, tui đang ở trong nhà của một cơ sở cách mạng, nhưng thấy các đồng chí của mình bị vây hãm và súng cũng gần hết đạn nên tui đã chi viện 2 viên đạn K54, bắn vỡ đầu 2 tên chỉ huy của kẻ thù, nhằm nhắn nhủ các đồng chí của mình rằng có chúng tôi cũng đang sát cánh cùng các đồng chí”. Bắn xong 2 viên đạn thì ông giấu súng. Địch lùng sục các nhà dân, nhằm tìm cho được người đã bắn chết 2 tên chỉ huy của chúng. Bọn địch chạy qua Thủ Khoa Huân, rồi sục vào nhà cô Tám Thảo, nơi ông đang ẩn náu. Khi ấy ở trên tầng ông đã chuẩn bị cho mình một viên đạn, phòng khi bị bắt sẽ tự mình khai hỏa, không để lọt vào tay kẻ thù. Nhưng tài trí thông minh của cô Tám Thảo đã khiến cho kẻ địch rút lui. “Cô Tám Thảo lúc đó thật anh hùng”, ông Tư Cang nhớ lại. 

Khó có thể kể hết những trận đấu trí căng thẳng với kẻ thù của các chiến sĩ tình báo trong Cụm tình báo H63 mà ông Tư Cang là người chỉ huy để thu được những tin tức tình báo quan trọng và tối mật về cho cách mạng. Đó cũng là những chiến công như huyền thoại, góp vào chiến công của nhân dân cả nước trong cuộc Tổng tiến công vang dội mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.