Cúm A/H7N9 trực chờ bùng phát

ANTĐ - Thông tin mới nhất từ “ổ dịch” cúm gia cầm A/H7N9 cho thấy lại có thêm một tỉnh nữa ở Trung Quốc phát hiện các trường hợp nhiễm thứ virus nguy hiểm này. Đó là tỉnh Hà Nam ở miền Trung Trung Quốc với 2 trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 phát hiện ngày 14-4, trong đó một bệnh nhân làm đầu bếp tại một nhà hàng, có triệu chứng nhiễm bệnh từ ngày 6-4, hiện đang được điều trị tại bệnh viện địa phương trong tình trạng nguy kịch.

Cúm A/H7N9 trực chờ bùng phát ảnh 1
Một người nông dân ở Chiết Giang, Trung Quốc đau đầu với đàn gà trong dịch A/H7N9


Trước đó, Thủ đô Bắc Kinh cũng được điền tên vào danh sách có cúm A/H7N9 khi ngày 13-4 khi một em bé 7 tuổi dương tính với loại virus cúm này, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốt mê mệt. Như vậy, tới nay Trung Quốc đã có 6 tỉnh, thành phố phát hiện cúm A/H7N9, gồm: Bắc Kinh 1 trường hợp, Thượng Hải 24 (9 trường hợp tử vong), Giang Tô 16 (1 tử vong), Chiết Giang 15 (2 tử vong), An Huy 2 (1 tử vong) và Hà Nam 2 trường hợp. 

Theo các giới chức y tế của Trung Quốc, tất cả các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 tại nước này đều chưa phát hiện có dấu hiệu khác thường. Và cơ quan y tế đã kịp thời áp dụng các biện pháp quan sát lâm sàng với những người từng có tiếp xúc gần với các bệnh nhân bị nhiễm cúm nhưng hiện chưa thấy có dấu hiệu khác thường, cũng chưa phát hiện có trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người. 

Không chỉ đang lây lan nhanh mà điều đáng lo nhất là nhiều khả năng loại virus cúm gia cầm gây chết người H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc bị phát tán bởi các loài chim di trú, theo nhận định của một nhóm các chuyên gia y tế và thú y Trung Quốc ngày 13-4. Các chuyên gia đã kết luận chủng virus cúm H7N9 có liên hệ gần gũi với các loài chim di trú Á-Âu, nhưng khả năng truyền virus từ các loài chim sang người hay động vật có vú là khó có thể xảy ra vào lúc này. 

Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, virus cúm A/H7N9 có thể được phát tán thông qua một vật chủ trung gian, mà nhiều khả năng là các loài gia cầm và chim nuôi ở miền Đông Trung Quốc. Theo giới chức y tế, virus cúm A/H7N9 đã hoàn thành quá trình chuyển hóa và ủ bệnh trong cơ thể vật chủ trung gian, do vậy rất khó để phát hiện virus ở giai đoạn đầu. 

Nhằm phòng ngừa sự lây lan virus H7N9, Indonesia đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc. Chính quyền Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) cũng đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm sẵn sàng đối phó với dịch bệnh gây chết người này, trong đó sẽ áp dụng các biện pháp cách ly, kiểm nghiệm và phát hiện sớm những dấu hiệu mắc bệnh để đề phòng nguy cơ lây lan. 

Trong khi đó, Trung Quốc đã chính thức khởi động dự án nghiên cứu phát triển vaccine kháng virus cúm A/H7N9 để ứng phó với dịch đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm tại nước này. Ngoài ra, giới chức y tế cũng tập trung theo dõi sự biến đổi của virus H7N9 như khả năng kháng thuốc và biến đổi gene của chúng, nhằm phát hiện nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của loại virus này.