Cúm A/H1N1 vẫn gây chết người

ANTĐ - Khoảng 2 tuần trở lại đây, dịch cúm mùa lan mạnh trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khiến số người phải nhập viện tăng cao. Đáng chú ý, qua xét nghiệm các trường hợp cúm phát hiện nhiều người bị mắc chủng cúm A/H1N1 biến chứng nặng, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Trong 1 tuần có 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nặng xin xuất viện

Cả nhà 5 người nhiễm cúm

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 24-3 cho biết, vào tối 23-3, thai phụ Vũ Thị L. (26 tuổi, ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) đã tử vong sau 7 ngày được thở máy và điều trị tích cực vì mắc cúm A/H1N1 biến chứng nặng. Chị Vũ Thị L. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 16-3 vừa qua, trong tình trạng khó thở, suy hô hấp nặng, tổn thương trắng xóa hai bên phổi. Bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H1N1 và lập tức được điều trị ở phòng cách ly, thở máy. Tuy nhiên do tình trạng bệnh quá nặng, sau 7 ngày điều trị tích cực hoàn toàn không có dấu hiệu phục hồi nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà và ngay tối cùng ngày thì bệnh nhân tử vong.

 Đáng chú ý, tại thời điểm nhiễm cúm A/H1N1, bệnh nhân L. đang mang thai ở tháng thứ 5. Bệnh nhân Vũ Thị L. là người bị nặng nhất trong gia đình có 5 người cùng bị cúm A/H1N1. Chồng và con gái 5 tuổi của bệnh nhân này cũng được chuyển lên Hà Nội điều trị. Hiện sức khỏe những thành viên còn lại đã ổn định. Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân L. là trường hợp thứ hai nhiễm cúm A/H1N1 ở bệnh viện này gặp biến chứng nặng đã được gia đình xin về trong 1 tuần qua sau thời gian điều trị không có kết quả. Điều này cho thấy dù hiện nay virus cúm A/H1N1 đã trở thành loại cúm lưu hành bình thường song độc lực của nó còn rất mạnh và không thể chủ quan.

Chú ý phát hiện sớm

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, bệnh cúm lây truyền qua đường hô hấp nên nguy cơ lây cao hơn bình thường. Không chỉ cúm A/H5N1, A/H7N9 mới nguy hiểm mà cúm mùa thông thường, trong đó có cúm A/H1N1 cũng có thể gây bội nhiễm viêm phổi, khó thở, thậm chí gây tử vong do suy hô hấp, suy đa tạng. Hầu hết những ca mắc cúm A/H1N1 biến chứng nặng như vậy đều do người bệnh đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” là dùng Tamiflu 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh nên điều trị không đạt hiệu quả cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trên thực tế đa phần các ca nhiễm cúm là nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng vẫn có tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong nhất định. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính. Do đó khi xuất hiện các triệu chứng cúm như sốt cao, khó thở, ho nhiều… cần đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc sớm và điều trị kịp thời.  

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không được tự ý mua, uống thuốc dự phòng cúm gia cầm (thuốc Tamiflu) bởi đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý điều trị sẽ không hiệu quả mà còn dẫn đến kháng thuốc.