Cúm A/H1N1 lan nhanh: Lo ngại các chùm ca bệnh

ANTĐ - Trong khi dịch cúm A/H7N9 vẫn đang diễn ra rất “nóng” tại Trung Quốc, cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp tại khu vực miền Nam thì từ đầu tháng 4 đến nay, cúm A/H1N1 lại tái xuất ở miền Bắc khiến người dân cảm thấy lo lắng.
Cúm A/H1N1 lan nhanh: Lo ngại các chùm ca bệnh ảnh 1
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương

Rất dễ lây lan 

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, những ngày gần đây liên tục tiếp nhận các ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện với biến chứng viêm phổi nặng, trong đó 2 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, ngày càng xuất hiện những ca bệnh được nghi ngờ là lây theo “chùm ca bệnh”. Sau trường hợp của 2 chùm ca bệnh ở tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, mới đây nhất là chùm ca bệnh được ghi nhận ở huyện Thanh Trì (Hà Nội). Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu – BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, 2 bệnh nhân mới nhất được xác định dương tính với cúm A/H1N1 đều là nam giới, sống tại 2 xã ở huyện Thường Tín (Hà Nội) và cùng nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, huyết áp cao, suy tim cấp (1 người phải thở máy). Điều đáng chú ý là trong gia đình của 2 bệnh nhân này cũng có người mắc bệnh nhưng bệnh cảnh nhẹ hơn nên vào điều trị tại BV Nông Nghiệp.

Chiều 2-5, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội xác nhận, những ổ cúm có từ 2 bệnh nhân trở lên thì đều được coi là chùm ca bệnh. So với năm trước thì hiện tại, qua giám sát trên địa bàn Hà Nội, virus cúm A/H1N1 chiếm tỷ trọng cao trong số các chủng virus cúm thông thường khác như cúm A/H3N2, cúm B. Ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh, tuy cúm A/H1N1 đang gia tăng mạnh song chưa có gì bất thường. Do đó, với các ổ dịch, chùm ca bệnh cúm A/H1N1, ngành y tế cũng không khoanh vùng xử lý ổ dịch giống như cúm A/H5N1 mà chỉ đạo giám sát, theo dõi xem diễn tiến của nó đến đâu. 

GS-TS Trịnh Quân Huấn – chuyên gia cao cấp Bộ Y tế nhấn mạnh, cúm A/H1N1 tuy không lây lan qua đường hô hấp nhưng tính lây lan rất mạnh vì virus có trong nước bọt, nước mắt, nước mũi, khi bệnh nhân bị cúm ho, hắt hơi sẽ bắn các virus sang người khác hoặc qua tiếp xúc. Virus này nếu xâm nhập được vào mũi, miệng thì tiếp tục gây cúm. Vì vậy, việc phòng ngừa lây lan cúm ra cộng đồng là rất cần thiết.

Nhận diện sớm các loại cúm

Hiện có rất nhiều dịch cúm đang có nguy cơ xâm nhập, bùng phát hoặc trỗi dậy mạnh mẽ, trong khi biểu hiện chung của hầu hết các loại cúm này đều bao gồm: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Do đó, việc làm thế nào để phân biệt, nhận biết sớm được các loại cúm để điều trị sớm, nâng cao hiệu quả điều trị kịp, tránh nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong là rất cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các triệu chứng của cúm A/H1N1 tương tự các triệu chứng của cúm thông thường theo mùa, một số trường hợp thậm chí không có biểu hiện. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chuyên môn, những người bị cúm A/H1N1 thường có thân nhiệt tăng rất nhanh chỉ sau một vài giờ. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng nghi ngờ mình nhiễm virus H1N1 là có đi từ vùng dịch trở về hay không hoặc trước đó có tiếp xúc với người mà sau đó được xác định là mang bệnh cúm A/H1N1. Cúm A/H1N1 dễ lây nhất trong 5 ngày đầu phát bệnh, ở trẻ em có thể kéo dài tới 10 ngày. 

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, mặc dù triệu chứng ban đầu của cúm khá giống nhau nhưng nhiều trường hợp nhiễm cúm gia cầm ít có các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi hay đau nhức cơ thể mà thay vào đó là bệnh cảnh của viêm phổi cấp như đau tức ngực dữ dội, khó thở, đau bụng, sốt cao trên 38 độ C, có thể  rét run. Các bác sĩ cũng cảnh báo khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, người bệnh nên đến BV khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. 

Xét nghiệm tất cả trường hợp viêm phổi nặng 

Đó là nội dung quan trọng trong thông báo ngày 2-5 của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế về tình hình cúm A/H1N1. Theo đó, kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia cho thấy phân tuýp virus cúm A/H1N1 đang chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm. Trước tình hình này, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch, đặc biệt phát hiện sớm bệnh nhân nặng để điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; lấy mẫu tất cả các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng virus gây bệnh, đồng thời nghiên cứu sự biến đổi gene của virus.