Cục xi măng - Làng!

ANTĐ - “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều…”.

- Bài này đâu có “sến”, sao ông lại nỉ non thế, hoài niệm tình đầu hay nhớ về một quá vãng yên lành?

- Có lẽ cả hai, còn nỉ non vì muốn khóc cho làng thời hiện tại quá. Làng gì mà chẳng còn là làng, phố chẳng ra phố.

- Làng tôi bây giờ cũng trong tình trạng ấy đấy, có tí tiền người đi lao động xuất khẩu gửi về, có cục tiền đền bù lấy đất ruộng làm dự án, thế là thoắt một cái, gương mặt làng thay đổi, mà nào có sang trọng tinh tế cho cam, nó biến dạng thành nham nhở xấu xí…

- Nhà thì xây theo kiểu hình ống, chồng tầng, nhất loạt mặt tiền hướng ra đường, dù ở trong ngõ cũng phải hướng ra ngõ, cái cao cái thấp, nhà xây sau phải cao hơn nhà xây trước, màu mè lòe loẹt, phèo phào đắp nổi, phòng khách là xa lông hay tràng kỷ và nhất thiết phải có một dàn loa khủng.

- Cho nên làng gì mà lúc nào cũng ầm ỹ loa đài, nhạc nhẽo, về quê mấy hôm muốn nghỉ ngơi yên tĩnh mà đâu có được, buổi sáng thèm tiếng gà gáy, non trưa thèm tiếng gà nhảy ổ cục tác, thèm tiếng võng kẽo kẹt trưa hè, và hoảng hốt khi tìm không ra một bụi tre xanh.

- Đường làng bê tông hóa, xưa kia san sát ao hồ thì nay cơ bản đã hoàn thành việc lấp ao, ngày mưa to, nước dồn ứ bởi những đống rác thải, rồi tất cả được tống ra một khu đồng trũng, ô nhiễm đến con cua con cá cũng không sống nổi.

- Mải quy hoạch đô thị nên người ta quên quy hoạch nông thôn?

- Cũng thỉnh thoảng có thi thiết kế mẫu nhà nông thôn đấy, nhưng thi xong, ai ẵm giải cứ ẵm, còn thực tế làng vẫn nham nhở bởi những kiến trúc tự phát, bây giờ đố ông tìm ra một ngôi nhà gỗ năm gian với bể chứa nước mưa nửa chìm nửa nổi, với mảnh vườn chuối sau cau trước.

- Cho nên đã có người yêu làng phải nghẹn ngào: “Mái bằng, mái bằng lại mái bằng/ Tôi đi như cá lạc trong đăng/ 30 năm về thăm quê cũ/ Cả làng là một cục xi măng”.

- Thôi, tôi sắp khóc đây này, nhớ làng xưa và thương làng nay quá!